Người bệnh chờ thăm khám tại Bệnh viện Da liễu trung ương - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Số lượng bệnh nhân tăng từ 20 đến 30% so với cùng kỳ mọi năm, trung bình mỗi ngày có 1.300 bệnh nhân đến thăm khám các bệnh về da.
Tại sao bệnh về da mùa đông gia tăng?
Các bác sĩ cho biết viêm da cơ địa, vảy nến, viêm nang lông, viêm da dầu... là những căn bệnh phổ biến vào mùa đông (do trời rét, hanh khô), nhưng mùa hè năm nay, Bệnh viện Da liễu trung ương lại tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân đến khám.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh (Hà Nội) đến bệnh viện thăm khám do viêm da cơ địa tái phát. Chị Hạnh cho biết những năm trước thường chỉ bị mẩn ngứa vào mùa thu, mùa đông nhưng năm nay vào mùa hè tình trạng vẫn không cải thiện.
Bác sĩ Hoàng Thị Phượng - trưởng khoa điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu trung ương - thông tin: "Năm ngoái chúng tôi khám khoảng 30 - 35 bệnh nhân có khoảng 3-4 bệnh nhân viêm da cơ địa và các thể khác của viêm da cơ địa. Năm nay cũng khoảng 30 - 35 bệnh nhân khám thì lại có tới 10 - 15 người mắc bệnh này. Viêm da cơ địa là một trong những bệnh da liễu phổ biến vào mùa đông".
Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh - phó trưởng khoa điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu trung ương - cho biết trước đây có một số bệnh da liễu chỉ gặp vào mùa đông, trong đó có một số bệnh da liễu như viêm da cơ địa, vảy nến, chàm sữa ở trẻ em. Tuy nhiên, hiện những bệnh lý này xuất hiện quanh năm, thậm chí về mùa hè bệnh nhân cũng không giảm so với mùa đông. Bệnh chủ yếu do gene, do yếu tố di truyền trong cơ thể chi phối là chính, tuy nhiên yếu tố môi trường cũng gây tác động khá nhiều.
Theo bác sĩ Linh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. "Cùng với sự phát triển đô thị thì khói bụi ô nhiễm, chất dị nguyên của cơ thể càng ngày càng nhiều hơn. Vì thế theo thống kê, tỉ lệ viêm da cơ địa càng ngày càng tăng trên tổng dân số.
Bên cạnh đó, đời sống người dân hiện nay tăng lên, hầu hết gia đình nào cũng có máy điều hòa. Máy điều hòa thông thường sẽ có độ ẩm thấp, làm khô không khí. Trong khi đó, bệnh thường tái phát khi da bị khô, mất nước quá nhiều. Vì vậy, máy điều hòa là nguyên nhân khiến bệnh về da thường gặp vào mùa đông lại xuất hiện vào mùa hè rất nhiều", bác sĩ Linh thông tin.
Bác sĩ Phượng nhận định thời tiết thay đổi thất thường, lúc nắng nóng khi mưa nhiều, thậm chí tháng 5 vẫn còn có những đợt không khí lạnh, là một trong những nguyên nhân của tình trạng này.
Mùa hè có cần phải dưỡng ẩm cho da?
Theo bác sĩ Phượng, nhiều người nghĩ rằng da khô mới cần bôi kem dưỡng ẩm. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo những người bị da khô, viêm da cơ địa hay có các vấn đề về da như ngứa, dị ứng thì cần bổ sung lớp dưỡng ẩm và bảo vệ da quanh năm.
"Việc dưỡng ẩm cho da giữa mùa đông và mùa hè là không khác nhau. Không nên đợi khi da đã khô và ngứa rồi thì mới dưỡng ẩm. Quan niệm sai lầm của nhiều người là đến mùa hè do da đỡ khô (do tiết mồ hôi, uống nhiều nước) nên không bôi kem dưỡng ẩm nữa. Thế nhưng dù mùa hè nhưng nhiều bệnh nhân tìm đến chúng tôi trong tình trạng da cực khô hoặc da rất dày do thiếu dưỡng ẩm da", bác sĩ Phượng nói.
Bác sĩ Linh khuyến cáo việc chăm sóc da khi ngồi máy điều hòa rất quan trọng. Không khí trong máy điều hòa khiến da mất nước nhiều hơn thì bước dưỡng ẩm rất quan trọng, cần phải chú ý nhiều hơn.
"Ba bước chăm sóc da cơ bản là làm sạch, dưỡng ẩm và chống nắng. Khi trong môi trường máy điều hòa, chúng ta có thể dùng nhiều kem dưỡng ẩm hơn, khi ngồi 2-3 tiếng mà thấy da hơi căng, hơi khô thì ta nên dùng lại kem dưỡng ẩm. Bên cạnh đó, có thể mang chai xịt khoáng nhỏ theo người, nếu thấy da khô có thể xịt và đợi dịch khoáng đó tạo thành một lớp màng trên da, giảm bớt tình trạng khô mất nước tạm thời", bác sĩ Linh thông tin.
Ngoài ra, mùa hè là mùa vi khuẩn phát triển rất nhanh, việc tiết mồ hôi cũng dễ dẫn đến nhiễm khuẩn. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần phải giữ sạch da, đặc biệt khi xuất hiện các vết thương hở. Ngay khi có những biểu hiện nhiễm khuẩn trên da, nốt, bọng nước, mẩn ngứa... thì hãy đến cơ sở y tế địa phương để được khám và điều trị kịp thời.
Cháy nắng có nên chườm lạnh, bôi kem đánh răng?
Nhiều người sau khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời có hiện tượng bỏng rát, nóng vùng da không che chắn thường "hạ nhiệt" bằng cách chườm đá lạnh hoặc bôi kem đánh răng lên vết da tổn thương. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, phương pháp này hoàn toàn phản khoa học và có thể làm vết thương nặng hơn.
Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh cho biết tiếp xúc quá mức với ánh sáng mặt trời trong thời gian ngắn mà không có biện pháp bảo vệ kịp thời sẽ gây bỏng nắng, thậm chí có thể gây tổn thương mắt như đục thủy tinh thể, da bị bỏng, khô, sạm, tạo nếp nhăn, lão hóa nhanh. Nếu tiếp xúc kéo dài, tích lũy có thể gây ung thư da.
"Khi bị bỏng nắng có biểu hiện cấp tính như cháy nắng, bỏng nước, bong tróc vảy..., cần dùng các dung dịch làm dịu da, ví dụ nước muối sinh lý, xịt khoáng thường xuyên. Sau đó sử dụng các kem chuyên biệt dành cho sau bỏng nắng, có chất làm ẩm, dịu da, mát, bôi nhiều lần để da bị tổn thương bong đi. Chúng ta không nên xử lý bằng cách chườm ngay vào nước đá, bởi khi da đang ở nhiệt độ cao mà gặp nước đá thì nhiệt độ sẽ thay đổi đột ngột có thể gây ra phản ứng cơ thể. Thậm chí có thể ngất do "sốc nhiệt".
Bên cạnh đó, việc bôi kem đánh răng vào vết da cháy, bỏng nắng rất phản khoa học. Mỗi loại sản phẩm sử dụng đều có công dụng riêng; kem đánh răng có chứa kiềm, khi tiếp xúc với vết thương do bỏng có thể dẫn đến tình trạng bỏng kiềm, nhiễm trùng, làm vùng da bị bỏng trở nên đau đớn và tăng mức độ bỏng cũng như kéo dài thời gian điều trị lâu hơn", bác sĩ Linh khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận