Các bác sĩ khuyến cáo đây là cao điểm một số dịch bệnh phụ huynh cần chú ý phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho trẻ. Bộ Y tế cũng liên tục phát đi cảnh báo, đề nghị tăng cường phòng chống dịch.
Bệnh truyền nhiễm gia tăng
Theo thống kê của Bộ Y tế, 3 tháng đầu năm 2024, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sởi, ho gà tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, số mắc tay chân miệng vượt 10.000 ca, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ 2023. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo số mắc sẽ tăng cao từ tháng 7 - 11. Bệnh sởi đã ghi nhận hơn 130 ca mắc, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Sở Y tế Hà Nội cảnh báo số mắc tay chân miệng bước vào đỉnh dịch lần 1, tuần cao nhất ghi nhận gần 200 ca mắc, dự báo thời gian tới sẽ còn gia tăng. Hà Nội cũng ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm.
Tại TP.HCM, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính từ ngày 8 đến 14-4 có 287 ca mắc tay chân miệng, tăng 87% so với trung bình 1 tháng trước; sốt xuất huyết tăng 7% so với trung bình 4 tuần trước; 9 ca ho gà trong tháng 3-2024.
Nhiều trẻ chuyển nặng phải nhập viện
Thấy con nhỏ sốt và xuất hiện mẩn nhỏ ở hai chân và khuỷu tay, ban đầu chị Trang (25 tuổi, Hà Nội) tưởng con sốt phát ban nên cho con uống thuốc hạ sốt và theo dõi tại nhà. Khi thấy bé không hạ sốt, chị đưa đến bệnh viện. Kết quả lâm sàng bác sĩ phát hiện khu vòm họng và lợi trẻ xuất hiện nốt đỏ, xét nghiệm chẩn đoán trẻ mắc bệnh chân tay miệng độ 2.
Bệnh viện Nhi trung ương thời gian qua cũng đã tiếp nhận nhiều ca mắc tay chân miệng nhập viện. Bà Đỗ Thị Thúy Hậu - điều dưỡng trưởng Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương - khuyến cáo để phòng lây lan, khi phát hiện trẻ mắc bệnh gia đình nên cho trẻ cách ly ở nhà trong 10 - 14 ngày đầu của bệnh.
Bệnh nhi N.H. (5 tuổi, Long An) nhập viện Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) trong tình trạng sốt cao, nổi các bọng nước ở mặt và ngứa. Gia đình đưa bé đến bệnh viện thăm khám và chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu. Bé được các bác sĩ điều trị bằng kháng sinh chống bội nhiễm, giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, mặc đồ thoáng mát, nằm phòng cách ly để tránh lây lan…
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố - cho biết trong gần 3 tháng đầu năm 2024, bệnh viện đã tiếp nhận khám và điều trị cho 112 ca thủy đậu, trong đó 9 ca nặng phải điều trị nội trú. Số ca thủy đậu bắt đầu nhiều từ tháng 3, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 5-6 ca, đa số ở thể nhẹ do đã tiêm ngừa.
Bà Hậu khuyến cáo bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Do đó, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Đã tìm được nguồn cung ứng vắc xin
Theo bà Dương Thị Hồng - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, năm 2023 do ảnh hưởng từ gián đoạn nguồn cung ứng vắc xin khiến tỉ lệ tiêm chủng đạt thấp. Trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, bạch hầu, viêm não Nhật Bản… cần được tiêm chủng để phòng bệnh.
Ngay từ đầu năm 2024, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã cung ứng 9 loại vắc xin (ngoại trừ vắc xin IPV) đáp ứng nhu cầu sử dụng tối thiểu hết tháng 4-2023. Viện cũng đã tìm được nguồn cung ứng vắc xin đảm bảo nhu cầu tiêm phòng cho trẻ, phân bổ kịp thời, tăng cường tiêm bù, tiêm vét bổ sung cho trẻ trong độ tuổi.
Tại TP.HCM, sáng 22-4 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cho hay đã nhận 13.000 liều vắc xin 5 trong 1 từ Chương trình tiêm chủng mở rộng và sẵn sàng triển khai tiêm cho trẻ từ tuần này. Phụ huynh cần theo dõi lịch tiêm và đưa trẻ đi tiêm đúng lịch, đủ mũi.
Sốt xuất huyết giảm
Ba tháng đầu năm cả nước ghi nhận hơn 14.500 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 41,9% so với cùng kỳ 2023. Bệnh chủ yếu ghi nhận ở miền Trung và miền Nam (chiếm 89%). Cục Y tế dự phòng cũng cảnh báo bệnh phân bố theo thời gian tăng cao từ tháng 7 - 11.
Thời điểm nào dễ bùng phát dịch tay chân miệng?
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, có tốc độ lây lan nhanh và dễ thành dịch xảy ra quanh năm, nhưng thường gia tăng từ tháng 4-6 và tháng 10 - 12. Bệnh lây qua đường tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, tiếp xúc đồ chơi, quần áo… nhất là trong môi trường tập thể như mẫu giáo, trường học.
Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tay chân miệng: sốt nhẹ, mệt mỏi, loét miệng, đau họng, biếng ăn, chảy nước miếng, phát ban dạng phỏng nước (ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông…). Phụ huynh cần đưa trẻ đến khám ngay khi có dấu hiệu: trẻ giật mình, sốt trên hai ngày, da nổi vân tím, mạch nhanh…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận