Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trong số những bệnh nhân mắc bệnh lý về khớp thì trong đó có 20% là thoái hóa khớp. Ở Việt Nam, thoái hóa khớp chiếm 11,41% các bệnh về xương khớp.
Thoái hóa khớp là bệnh lý do hậu quả của quá trình tích tuổi và sự chịu lực tác động thường xuyên lên khớp. Thoái hóa khớp gây đau và biến đổi cấu trúc khớp dẫn đến tàn phế làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Thoái hóa khớp nếu được chẩn đoán sớm và điều trị sớm có thể làm chậm phát triển của bệnh, giảm triệu chứng đau đớn, giúp duy trì cuộc sống bình thường.
Biểu hiện của bệnh
Theo y học hiện đại, nguyên nhân gây ra bệnh thoái hóa khớp là: sự lão hóa, yếu tố cơ giới, yếu tố miễn dịch và một số các yếu tố khác như: di truyền (cơ địa già sớm); nội tiết (mãn kinh, tiểu đường, loãng xương do nội tiết, do thuốc) và chuyển hóa (bệnh goutte...)
Khi bị thoái hóa khớp, bệnh nhân chỉ có triệu chứng đau, hạn chế vận động, nặng hơn thì có biểu hiện teo cơ do đau, ít vận động. Chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp trên X- quang có 3 dấu hiệu cơ bản: hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn và mọc gai xương. Các vị trí thoái hóa khớp thường gặp: khớp gối, cột sống thắt lưng, cột sống cổ, khớp háng...
Theo quan niệm của y học cổ truyền, biểu hiện bệnh lý của thoái hóa khớp nói chung là đau cố định tại khớp, phát triển khi vận động, khi thay đổi thời tiết, tê, mỏi, nặng 1 vùng cơ thể tương ứng. Tùy thuộc vào vị trí khớp bị thoái hóa, các triệu chứng này được Y học cổ truyền mô tả: đau vùng cổ vai có chứng: kiên bối thống; đau toàn bộ vùng lưng có chứng: tích thống, bối thống; chỉ đau vùng thắt lưng là có chứng yêu thống; đau vùng tay chân nói chung có chứng: thủ túc kiên thống; đau khớp gối có chứng: hạc tất phong; đau vùng bàn chân gồm cổ chân và gót chân có chứng: túc ngân thống; đau các khớp khác có chứng tý và lịch tiết phong.
Điều trị theo y học cổ truyền
- Thoái hóa vùng eo lưng xuống tới chân (khớp cột sống thắt lưng, khớp háng, khớp gối, gót chân...):
+ Dùng bài thuốc “Độc hoạt Tang ký sinh thang” gia giảm: Độc hoạt 12g; Phòng phong 12g; Quế chi 8g; Tế tân 8g; Tần giao 8g; Đương Quy 8g; Đảng sâm 12g; Ngưu tất 12g; Đỗ trọng 12g; Tang ký sinh 12g; Sinh địa 12g; Bạch thược 12g; Cam thảo 6g; Phục linh 12g.
+ Châm cứu: Châm bổ các huyệt: Quan Nguyên, Khí Hải, Thận Du, Tam Âm Giao. Ôn châm các huyệt tại khớp đau và vùng lân cận.
- Thoái hóa các khớp ở chi trên và các đốt xa bàn tay:
+ Dùng bài thuốc “Quyên Tý Thang” gồm: Khương hoạt 8g; Khương hoành 12g; Đương quy 8h; Can khương 4g; Hoàng kỳ 12g; Phòng phong 8g; Chích thảo 6g; Xích thược 12g; Đại táo 12g.
+ Bài thuốc chung: Bài thuốc PT5 gồm: Lá lốt 12g; Quế chi 6g; Cỏ xước 12g; Sài đất 10g; Sinh địa 12g; Mắc cỡ 12g; Thiên niên kiện 10g; Thổ phục linh 12g; Hà thủ ô 12g.
- Xoa bóp:
+ Tập luyện thường xuyên các khớp, chống cứng khớp, xoa bóp các chi đau, giúp tăng tuần hoàn và dinh dưỡng.
+ Dùng các thủ thuật như day, ấn, lăn, trên vùng lưng bị co cứng, sau khi xoa bóp nên vận động ngay.
+ Chườm ngoài: dùng muối sống rang nóng chườm lên vùng đau hoặc dùng cồn xoa bóp. Có thể dùng lá ngải cứu sao với rượu đắp nóng tại chỗ hoặc rang chườm nóng tại chỗ.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp, trong cuộc sống hàng ngày nên tránh các tư thế xấu trong lao động và sinh hoạt; tránh các tác động quá mạnh, đột ngột và sai tư thế khi mang vác, đẩy, xách, nâng… Chống béo phì bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trẻ em cần chữa sớm bệnh còi xương, các tật về khớp (vòng kiềng, chân cong). Những người làm nghề lao động nặng cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm nếu bị thoái hóa khớp. Phát hiện sớm các dị tật của xương, khớp và cột sống để có biện pháp sớm ngăn ngừa thoái hóa khớp thứ phát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận