Theo báo cáo của OCHA, từ đầu năm 2015 đến nay, tại tỉnh Katanga, một tỉnh giàu tài nguyên thiên nhiên phía đông nam Cộng hòa Dân chủ Congo, đã ghi nhận hơn 20.000 trường hợp mắc bệnh sởi, đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất ở nước này kể từ năm 2011.
Trước đó, Tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF) cho biết năm 2011, MSF đã tiến hành chiến dịch tiêm chủng cho khoảng 1,5 triệu trẻ em tại Congo. Tuy nhiên, hiện không đủ phương tiện y tế và vắcxin để tổ chức tiêm chủng ở những vùng sâu, vùng xa.
OCHA cho biết hơn 12.000 trường hợp bị bệnh sởi đã được điều trị tại Cộng hòa Dân chủ Congo trong năm 2014, đồng thời cảnh báo năm 2015, tình hình dịch bệnh có thể tồi tệ hơn, đặc biệt một số khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch sởi cũng đang phải đối mặt với bệnh tả và tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), do thiếu cơ sở điều trị, trang thiết bị y tế, cũng như tình trạng suy dinh dưỡng nên số người tử vong đã chiếm tới 10% tổng số bệnh nhân sởi tại Cộng hòa Dân chủ Congo, chủ yếu là do biến chứng dẫn đến viêm não, tiêu chảy nặng, nhiễm trùng đường hô hấp cấp...
Các chuyên gia của WHO khẳng định rằng, mặc dù dễ lây lan nhưng bệnh sởi có thể kiểm soát được thông qua tiêm phòng vắcxin.
OCHA nhấn mạnh hiện cần hơn 2,4 triệu USD để hoàn thành chiến dịch tiêm chủng trên phạm vi rộng và cung cấp trang thiết bị y tế thiết yếu nhằm hạn chế sự lây lan nhanh của bệnh sởi tại Cộng hòa Dân chủ Congo.
Tuy nhiên, theo OCHA, xung đột vũ trang, hạ tầng y tế yếu kém, thiếu nguồn tài trợ và việc từ chối cho trẻ em tiêm chủng theo tín ngưỡng tôn giáo là những nguyên nhân chủ yếu khiến dịch bệnh gia tăng và bùng phát mạnh tại một số vùng của quốc gia Trung Phi này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận