Phóng to |
Sơ đồ chu kỳ nhiễm sán lá gan - Đồ họa: Nguyễn Võ Trung |
Mới đây bà Lê Thị Thu, 38 tuổi và con là Trần Văn An, 17 tuổi, ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định, đi xét nghiệm phát hiện nhiễm sán lá gan lớn. Bà Thu nói: “Tui mua thuốc cho cả hai mẹ con chỉ hơn một trăm ngàn, sau vài ngày uống thuốc thấy khỏe hẳn, tui làm ruộng không còn thấy mệt và đau trong người như trước. Cháu An cũng chỉ vắng một buổi học rồi đến trường”.
56.000 đồng là đủ thuốc
Mẹ con bà Thu là hai trong hơn 100 trường hợp nhiễm sán lá gan lớn vừa qua tại Bình Định may mắn hơn so với hàng ngàn bệnh nhân trước đây. Từ tháng 9 năm ngoái trở về trước, nói chung người nhiễm sán lá gan lớn tốn kém tiền bạc và thời gian điều trị do khó mua thuốc đặc trị.
Bình Định: người bệnh nhiều nhất nước Bác sĩ Lê Quang Hùng cho biết năm ngoái cả nước có 4.300 ca nhiễm sán lá gan lớn ở 47 tỉnh thành. Trong đó, Bình Định có tỉ lệ bệnh nhân cao nhất nước với 800 ca, nhưng hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu hoàn chỉnh để giải thích rõ ràng hiện tượng này. |
“Hiện tại, thuốc đặc trị bệnh sán lá gan lớn là Triclabendazone đã được đưa vào danh mục thuốc thiết yếu và mỗi liều điều trị chỉ hai viên, giá trên thị trường chỉ 28.000 đồng/viên. Như vậy với số tiền thuốc 56.000 đồng cho liều điều trị duy nhất cũng không phải quá khó khăn đối với bệnh nhân nghèo” - bác sĩ Lê Quang Hùng, phó giám đốc Sở Y tế Bình Định, nói.
Năm ngoái, dù Viện SR-KST-CT trung ương đã chuyển giao cho Viện SR-KST-CT Quy Nhơn 6.500 viên Triclabendazone (Egaten 250mg) từ nguồn thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhưng do số bệnh nhân tăng nên số thuốc trên không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, gây nhiều khó khăn cho các cơ sở y tế ở miền Trung - Tây nguyên.
Sau khi Bộ Y tế cho phép, Viện SR-KST-CT đã xúc tiến các thủ tục đấu thầu mua thuốc. “Bắt đầu từ 15-9-2009 chúng ta đã chủ động được nguồn thuốc đặc hiệu trong điều trị bệnh sán lá gan lớn” - tiến sĩ Triệu Nguyên Trung, viện trưởng Viện SR-KST-CT Quy Nhơn, nói.
Tìm cách phòng chống lâu dài
Theo tiến sĩ Triệu Nguyên Trung, dù đã có thuốc điều trị nhưng bảy tỉnh miền Trung (từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa) và Tây nguyên đang đối mặt với tình trạng bùng phát bệnh sán lá gan lớn. Năm 2009, bệnh sán lá gan lớn tại khu vực này gia tăng với 3.905 ca nhiễm (năm trước có hơn 1.800 ca).
Nếu tính cả những ca phát hiện nhưng chưa được điều trị (thời điểm không có thuốc) thì số ca nhiễm sán lá gan lớn năm ngoái ước tính 6.000 ca. Để giải quyết vấn đề này không chỉ đơn thuần điều trị cho người bệnh, mà đòi hỏi có giải pháp tổng thể là nghiên cứu dịch tễ học bệnh sán lá gan lớn và xây dựng mô hình phòng chống lâu dài, bền vững.
Cũng theo tiến sĩ Trung, đến nay việc nghiên cứu dịch tễ học của sán lá gan lớn liên quan giữa động vật và người chưa được đề cập. Việc xác định nguyên nhân nhiễm bệnh, thành phần loài, phân bố trên phạm vi cả nước chưa được hoàn chỉnh, đặc biệt các minh chứng về nguồn nhiễm, mùa nhiễm bệnh, các yếu tố tự nhiên và xã hội ảnh hưởng đến bệnh chưa được nghiên cứu. Vấn đề chẩn đoán, đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và giải phẫu bệnh lý cũng như mô hình truyền thông phòng chống bệnh còn đang bỏ ngỏ.
Thạc sĩ Huỳnh Hồng Quang cho rằng nhiều vấn đề khó khăn còn tồn tại, đặc biệt là chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành thú y và y tế. Trong khi đó, sán lá gan ký sinh ở trâu bò và lây nhiễm sang người qua đường tiêu hóa. Sán lá gan có trong đường ruột của trâu bò, theo chất thải ra ngoài môi trường. Vì thế, ở đâu có phân trâu bò là ở đó có sán lá gan. Sán có thể bám trên rau cỏ, ở trong nguồn nước mương, ao, kênh rạch. Nhiều người nhiễm bệnh do ăn rau sống hay do uống nước sông, suối, ao hồ.
Hiện nay, nhiều người vẫn ăn rau sống hoặc ăn tái các loại rau thủy sinh như rau muống, rau cần, rau ngổ, rau cải xoong, ngó sen. Do rửa không sạch ấu trùng sán sống bám trên rau nên nhiều người nhiễm sán. Sán lá gan khi vào người sẽ đi khắp cơ thể và đích đến là gan. Chúng đi xuyên qua mạch máu, vào ổ bụng. Từ ổ bụng, sán xuyên qua bao gan để vào gan sinh sống làm tổn thương nhu mô gan.
Mệt, sốt, da xanh Người mắc bệnh sán lá gan lớn có các triệu chứng toàn thân: mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút; sốt thất thường, có thể sốt cao, rét run hoặc chỉ sốt thoáng qua rồi tự khỏi; thiếu máu (da xanh, niêm mạc nhợt) thường gặp ở các trường hợp nhiễm bệnh kéo dài, đặc biệt là trẻ em. Các triệu chứng tiêu hóa thường gặp: đau bụng vùng hạ sườn phải lan về phía sau, hoặc đau vùng thượng vị và mũi ức (có thể đau âm ỉ, đôi khi đau dữ dội, cũng có trường hợp không đau bụng); Bệnh nhân có cảm giác đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn. Một số bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng của biến chứng tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa; Khám lâm sàng thấy gan to hoặc bình thường, ấn đau, có thể có dịch trong ổ bụng, đôi khi có viêm phúc mạc. Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác (hiếm gặp) như: đau nhiều khớp, đau cơ, đỏ da; ho, khó thở hoặc có ban dị ứng, mẩn ngứa ngoài da, tràn dịch màng phổi; các triệu chứng biểu hiện sự tổn thương tổ chức nơi sán ký sinh lạc chỗ như khớp, vú, hoặc các cơ quan khác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận