Nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam, đã dẹp các trạm cân, bỏ trống quốc lộ, mặc cho các bác tài tự tung tự tác, tha hồ chở nặng chở nhẹ mà không ngán bị “sờ gáy”.
Thừa biết trạm cân là một trong những biện pháp quan trọng để hạn chế xe quá tải, nên các cơ quan chức năng từng bỏ khoản tiền không nhỏ vào việc mua sắm phương tiện kỹ thuật, tung ra một lực lượng liên ngành đủ mạnh để nghiêm trị những người cố tình vi phạm.
Thời còn làm bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Đinh La Thăng cũng liên tục nhấn mạnh đến việc kiểm soát xe quá tải, rất quyết liệt khi gọi xe vi phạm tải trọng là “giặc”.
Ông Thăng còn cho rằng: “Đây là cuộc chiến gian khổ, chúng ta phải quyết tâm. Nếu làm không tốt, chúng ta không giữ được niềm tin với nhân dân”.
Đáng tiếc là “cuộc chiến” giữa trạm cân và xe quá tải mới chỉ đi được một chặng đường ngắn ngủi, mà phía các trạm cân xem chừng như đang muốn buông xuôi.
Lý giải cho chuyện thoái lui trạm cân, nhiều nơi cho rằng khó làm việc khi ngành công an rút cảnh sát giao thông và cảnh sát trật tự ra khỏi lực lượng liên ngành, có nơi kêu máy móc hư hỏng liên tục, thậm chí có địa phương còn nại ra những văn bản này nọ để khẳng định thanh tra giao thông không có chức năng kiểm soát tải trọng trên các tuyến quốc lộ...
Quả là có nhiều cái khó thật, nhưng cái khó nhất mà không thấy địa phương nào nhắc tới, đó là “bệnh phong trào”.
“Bệnh phong trào” diễn ra khá phổ biến ở nước ta. Khi một chủ trương nào đó mới ra đời thì nó được khởi đầu bằng những chiến dịch rất ồn ào, nhưng dần dần lại lắng đi rồi biến mất lúc nào không hay.
Hậu quả của “bệnh phong trào” là tiêu tốn tiền bạc, không đem lại hiệu quả ngoài những thành tích nhất thời được báo cáo rổn rảng trên giấy.
Việc triển khai chủ trương chống xe quá tải cũng vậy. Thoạt đầu, trạm cân giăng khắp nơi, lực lượng liên ngành được biên chế đầy đủ thành phần, thẳng tay bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải. Nhưng kết cục chẳng hơn gì các “phong trào” khác, giờ thì nó có vẻ như đang “chìm xuồng” bởi đủ lý do.
Xét cho cùng, các lý do ấy đều không phải không giải quyết được, nếu quyết tâm. Bình Phước là một ví dụ điển hình.
Ở đây, chủ tịch tỉnh rất cương quyết trong việc đảm bảo đầy đủ lực lượng liên ngành tại trạm cân trên quốc lộ 14, trang bị thêm cả cân dự phòng, kết quả là việc kiểm soát xe quá tải vẫn được thực hiện nghiêm túc, trong khi nhiều nơi khác đã đưa trạm cân đi “trùm mền”.
Chống xe quá tải là một “cuộc chiến” lâu dài, không thể ngày một ngày hai, có khi phải kéo dài hết năm này sang năm khác. Nếu cứ làm kiểu “phong trào” thì mọi cố gắng ban đầu sẽ trở thành công cốc, đó là chưa kể đường sá tiếp tục bị hư hỏng, pháp luật bị khinh nhờn, niềm tin của người dân giảm sút...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận