25/04/2019 14:39 GMT+7

Bệnh nhân ung thư tiêu hóa suy kiệt nhanh vì thiếu dinh dưỡng

HỒNG PHƯƠNG
HỒNG PHƯƠNG

TTO - Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đối với việc điều trị ung thư đường tiêu hóa thì chế độ dinh dưỡng phù hợp có tác dụng tích cực trong việc điều trị.

Bệnh nhân ung thư tiêu hóa suy kiệt nhanh vì thiếu dinh dưỡng - Ảnh 1.

Xe đẩy thức ăn được thiết kế với 2 ngăn nóng lạnh trên cùng 1 khay, đảm bảo tiêu chuẩn dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm từ bếp đến bàn ăn của bệnh nhân tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ AIH - Ảnh do bệnh viện cung cấp

Thể trạng suy kiệt do thiếu dinh dưỡng

Bệnh nhân T.N cho biết: "Sau hóa trị, tôi thường xuyên bị loét miệng rất khó chịu, ăn uống càng thêm khó khăn. Hóa trị làm miệng tôi đắng ngắt và buồn nôn mỗi khi ngửi thấy mùi thức ăn, dù trước đây tôi là người rất dễ tính, có gì ăn nấy ngon lành".

Theo ThS. Trần Thị Ngọc Châu - Trưởng khoa Dinh dưỡng bệnh viện Quốc tế Mỹ AIH (Quận 2, TP.HCM), quá trình hóa trị hay xạ trị, ngoài việc tiêu diệt các tế bào ung thư còn tác động đến những tế bào lành mạnh khác, đặc biệt là các tế bào đang còn tăng sinh (như tóc, tủy xương, niêm mạc đường tiêu hóa).

Vì vậy, các trường hợp hóa trị, xạ trị ở khu vực miệng và thực quản, thường dẫn đến tình trạng khô miệng, loét ở miệng và khó nuốt, giảm khả năng ăn uống của bệnh nhân, và làm cho thể trạng càng lúc càng đi xuống.

Dinh dưỡng trong điều trị ung thư đường tiêu hóa

Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được cho ăn qua miệng hoặc sonde đường tiêu hóa, có thể kết hợp với dinh dưỡng tĩnh mạch càng sớm càng tốt nhằm cung cấp đủ dưỡng chất hỗ trợ quá trình hồi phục.

Bệnh nhân bắt đầu ăn lỏng, sau đó tăng dần độ đặc tùy theo khả năng nhai nuốt của từng người.

Nguyên tắc chung của chế độ ăn:

- Chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 cữ/ngày và đảm bảo đủ đậm độ năng lượng trong mỗi bữa.

- Hạn chế các món ăn được chế biến bằng phương pháp chiên rán, chứa nhiều dầu mỡ và chất béo.

- Hạn chế tối đa các loại đồ uống có cồn, chất kích thích như bia rượu, cà phê, nước tăng lực.

- Phối hợp ăn uống đầy đủ nhóm thực phẩm - cân bằng - đa dạng.

Khi mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa, bệnh nhân sẽ thay đổi khẩu vị, ăn uống không ngon miệng và khó hấp thu dinh dưỡng bởi các khối u đang gây tắc nghẽn đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng thiếu vi chất và cơ thể nhanh chóng suy kiệt.

PGS.TS Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết Chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết: "Khối u đường tiêu hoá có thể làm tắc nghẽn lưu thông của thức ăn dẫn đến thức ăn không vào được đường tiêu hoá hoặc thức ăn không được hấp thu đầy đủ, khiến cơ thể nhanh chóng suy kiệt, giảm khả năng chống lại bệnh tật nếu không được điều trị tái lưu thông đường tiêu hoá hoặc có biện pháp hỗ trợ nuôi ăn phù hợp".

Thiếu hụt dinh dưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả điều trị ung thư, thậm chí bệnh nhân sẽ chết vì suy kiệt trước khi qua đời vì khối u ác tính".

Trung tâm điều trị Ung thư Hoa Kỳ - Cancer Treatment Centers of America

Sàng lọc tình trạng dinh dưỡng

Trong mỗi giai đoạn điều trị ung thư, chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ có những đóng góp nhất định, đảm bảo bệnh nhân đủ sức khỏe đáp ứng phác đồ điều trị. Chẳng hạn, bệnh nhân mắc ung thư ở thực quản sẽ không thể ăn các thực phẩm ở dạng cứng, đặc. 

Do đó, món ăn cần ở dạng mềm, mịn, dễ nuốt, có thể ở dạng lỏng hoặc sệt tùy theo khả năng nhai nuốt của bệnh nhân, tuy nhiên cần được tính toán thành phần dinh dưỡng để đảm bảo đủ đậm độ năng lượng từng bữa ăn. 

Để làm lỏng thực phẩm, không nên cho nhiều nước vì sẽ làm giảm đậm độ năng lượng của món ăn, thay vào đó có thể bổ sung men amylase vào, vì amylase sẽ phân cắt chuỗi tinh bột thành dạng chuỗi ngắn hòa tan, từ đó giảm độ đặc của thực phẩm.

Tại một số bệnh viện quốc tế, sàng lọc tình trạng dinh dưỡng là một yêu cầu bắt buộc. 

Thạc sĩ Trần Thị Ngọc Châu cho biết ở Bệnh viện quốc tế Mỹ AIH (Quận 2, TP.HCM), việc chăm sóc dinh dưỡng toàn diện theo chương trình ERAS (Enhanced Recovery After Surgery) đang được triển khai để giúp tiêu chuẩn hóa việc chăm sóc trước, trong và sau phẫu thuật điều trị ung thư. 

Bệnh nhân sẽ được chăm sóc dinh dưỡng trước khi phẫu thuật, nhằm đảm bảo thể trạng tốt nhất trước khi tiến hành phẫu thuật. 

Chế độ dinh dưỡng cũng được lên chi tiết theo tiến trình thời gian của ca mổ và hậu phẫu nhằm đảm bảo khả năng hồi phục tốt nhất, giảm biến chứng, giảm thời gian lưu trú và cuối cùng là chi phí điều trị cho bệnh nhân.

Bệnh nhân ung thư tiêu hóa suy kiệt nhanh vì thiếu dinh dưỡng - Ảnh 4.

Tại bệnh viện quốc tế Mỹ AIH, BNUT sẽ được đánh giá dinh dưỡng trước, trong và sau điều trị, giúp đảm bảo thể trạng tốt nhất để tăng hồi phục, giảm biến chứng - Ảnh: BVCC

Gia đình cần phối hợp chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân

ThS. Trần Thị Ngọc Châu nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự phối hợp với gia đình trong điều trị dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa.

"Bệnh nhân điều trị ung thư rất dễ gặp các vấn đề về stress, lo lắng, trầm cảm, làm giảm và gây không muốn ăn uống. 

Việc chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 cử đòi hỏi phải có người thân chăm sóc, phục vụ và chế biến đa dạng mỗi bữa. Vì vậy rất cần phải có sự phối hợp với gia đình, người nhà cần động viên người bệnh, tạo động lực ăn uống cho họ. 

Nếu chỉ đơn thuần là uống thuốc thì đơn giản, nhưng việc ăn uống cần phải có niềm vui, cần phải dựa trên sở thích của bệnh nhân, nên sự phối hợp giữa nhân viên y tế và gia đình hết sức quan trọng" - ThS. Ngọc Châu chia sẻ.

Báo Tuổi Trẻ phối hợp Bệnh viện Quốc Tế Mỹ (AIH) tổ chức chương trình tư vấn điều trị ung thư đường tiêu hóa từ ngày 2-4 đến 15-5.

Bạn đọc có thắc mắc về ung thư đường tiêu hóa (miệng, thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn...) hay cách ăn uống cho bệnh nhân bị ung thư đường tiêu hóa, có thể gửi câu hỏi về email [email protected] hoặc điền câu hỏi ở đây.

500 bạn đọc gửi câu hỏi sớm nhất sẽ được tặng thẻ ưu đãi gồm 1 lần khám bệnh miễn phí, trị giá 690.000 đồng và giảm 5% phí dịch vụ lẻ tiếp theo tại Bệnh viện Quốc Tế Mỹ AIH (Q.2, TP.HCM).

Bạn đọc gửi câu hỏi vui lòng để lại thông tin họ tên, email, điện thoại liên lạc hoặc địa chỉ để nhận được quà từ chương trình.

Hỏi về ung thư dạ dày, đại tràng..., được khám bệnh miễn phí

TTO - Loại ung thư nào hay gặp ở đường tiêu hóa? Phương pháp điều trị ra sao? Chế độ dinh dưỡng trong điều trị ung thư thế nào? ... sẽ được chuyên gia, bác sĩ giải đáp trên tuoitre.vn.

HỒNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp