Ảnh chụp xương bánh chè của bà H. bị gãy - Ảnh: CTV
Ngày 7-1, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết phòng thanh tra Sở Y tế TP.HCM đang vào cuộc xác minh nguyên nhân tử vong của bệnh nhân L.T.H. (65 tuổi, quê Long An) sau khi vào Bệnh viện STO Phương Đông (Q.10) điều trị chấn thương gãy xương bánh chè khớp gối.
Trước đó, ngày 19-12-2019, bà H. được gia đình đưa đến Bệnh viện STO Phương Đông nhập viện điều trị chấn thương gãy xương bánh chè khớp gối. Trước lúc nhập viện, bệnh nhân có tiền sử bị bệnh đái tháo đường type II, cao huyết áp, đang uống thuốc. Ngoài ra không có dị ứng với các loại thuốc nào đã sử dụng.
Quá trình thăm khám, bệnh viện này xác định bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thể trạng trung bình, da, niêm mạc hồng, mạch ổn định và huyết áp cao. Bệnh nhân bị sưng gối trái với chẩn đoán gãy kín xương bánh chè trái. Do đường huyết, huyết áp cao nên bệnh nhân được điều trị nội khoa để hạ.
Khoảng 9h30 ngày 21-12-2019, khi các chỉ số huyết áp, đường huyết ổn định hơn, bệnh nhân được chuyển vào phòng mổ kết hợp xương bánh chè trái. Từ 10h10-10h15, bệnh nhân lần lượt được gây tê tủy sống với pheniham 20mcg + chirocain; chích thuốc cầm máu Hemostop 250mg 2 ống IV; test kháng sinh Auropennz 3g/lọ.
Đến khoảng 10h30, thấy test âm tính, bác sĩ tiêm kháng sinh IV chậm. Tuy nhiên, đến khoảng 10h50, khi đang chờ mổ, bệnh nhân rơi vào tình trạng mất tri giác; co cứng cơ tay, chân, hàm; huyết áp tụt, mạch chậm.
Ngay lập tức bệnh viện đặt nội khí quản, bóp bóng, thở oxy, tiêm adrenalin, truyền dịch, sốc điện… sau đó chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu lúc 11h30.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết thời điểm chuyển vào bệnh viện cấp cứu bệnh nhân ngưng tim, hôn mê sâu, thở máy, đồng tử giãn. Các bác sĩ hồi sức cấp cứu bằng các phương pháp lọc máu, hạ thân nhiệt… tuy nhiên chỉ giữ được huyết áp 3 ngày, sau đó bệnh nhân tử vong.
"Với ca bệnh tử vong trước đó có sử dụng thuốc tê, đầu tiên chúng tôi suy luận theo hướng có thể do ngộ độc hoặc dị ứng thuốc tê. Ngoài ra, ca này còn được chúng tôi theo dõi nguyên nhân do thuyên tắc phổi. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác cần phải khám nghiệm tử thi" - lãnh đạo bệnh viện nói.
Ngày 7-1, bác sĩ Lê Đức Tố - giám đốc Bệnh viện STO Phương Đông - cho biết các biểu hiện rối loạn tim, huyết áp tụt của bệnh nhân xảy ra trước khi mổ.
"Lúc đầu chúng tôi nghi là sốc kháng sinh, nhưng thử lại không phản ứng gì. Khi bệnh nhân có diễn biến xấu, chúng tôi chuyển qua Bệnh viện 115, sau 3 ngày thì tử vong" - bác sĩ Tố thông tin.
Lý giải về nguyên nhân thuyên tắc mạch phổi, bác sĩ Tố nói có thể xuất phát trên cơ địa bệnh nhân bị tiểu đường và diễn biến này có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
"Sau khi xảy ra sự cố, bệnh viện có đến thăm hỏi gia đình, các khoản tiền bệnh nhân đóng chúng tôi trả hết. Hầu như các thành viên trong gia đình đều không có phản ứng gì gay gắt cả" - bác sĩ Tố nói.
Tuy nhiên, khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Văn Đông (con trai bệnh nhân) cho biết khá bức xúc trước sự ra đi đột ngột của mẹ. Bởi theo ông, trước khi vào viện sức khỏe mẹ ông bình thường. Ở khu phố, mẹ ông có tham gia sinh hoạt hội phụ nữ, từ khi đột ngột qua đời ai cũng hỏi nhưng gia đình không biết phải trả lời ra sao.
"Bệnh viện có đến hỏi có cần hỗ trợ gì không, tôi nói chúng tôi lo được cho mẹ và điều tôi mong muốn nhất là phải làm rõ trách nhiệm, sai sót của bệnh viện đến đâu để chúng tôi còn biết ăn nói với bà con hàng xóm, chính quyền và cũng để mẹ tôi được ra đi thanh thản" - ông Đông bức xúc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận