15/12/2023 05:45 GMT+7

Bệnh nhân suy thận nguy kịch vì tự ý uống cây lá chữa bệnh

Nhiều bệnh nhân suy thận tự ngưng điều trị và thay thế hoặc uống kèm thêm các loại lá cây như cỏ mực (nhọ nồi), đậu đen xanh lòng, cây rễ gió, cây mộc thông… khiến bệnh nặng hơn, không thể hồi phục, phải lọc máu suốt đời.

Bệnh nhân suy thận mạn lọc thận tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Bệnh nhân suy thận mạn lọc thận tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Các bác sĩ cảnh báo những loại cây lá này đều có chứa chất độc acid aristolochic, gây tổn thương thận, suy thận.

Suy thận từ độ 3 sang độ 5 vì tin uống cỏ mực, đậu đen

Hiện cỏ mực, đậu đen xanh lòng, cây rễ gió... được nhiều người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân suy thận mạn ưa chuộng, tin tưởng khi uống sẽ giúp chữa được bệnh. Hiện các loại "thuốc" này được rao bán nhan nhản trên mạng xã hội với đủ chủng loại từ tươi đến khô, bào chế trong túi lọc.

Trên các nền tảng TikTok, Facebook, nhiều tài khoản đăng tải video hướng dẫn làm nước uống từ cỏ mực, đậu đen xanh lòng để chữa thận mạn, thu hút hàng triệu lượt xem.

"Khi cỏ mực và đậu đen kết hợp với nhau giúp phòng ngừa suy thận, loại bỏ gan nhiễm mỡ, bổ thận và mát cơ thể. Nếu áp dụng uống bài thuốc này đều đặn trong 7 tháng sẽ giúp giảm triệu chứng suy thận, ăn ngon miệng hơn", tài khoản D.L.V.F. rao.

Bị suy thận độ 3, bệnh nhân P.V.H. (47 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) được bác sĩ Bệnh viện Bình Dân hướng dẫn dùng thuốc tại nhà và tái khám theo lịch để bảo tồn chức năng thận, ngăn bệnh tiến triển. Tuy nhiên sau đó anh H. không tái khám theo lịch hẹn, tự uống cỏ mực, đậu đen xanh lòng.

Mới đây anh H. quay lại bệnh viện khám vì ăn uống kém, da xanh xao, chân đau nhức, cơ thể mệt mỏi. Tại đây bác sĩ chỉ định các xét nghiệm đánh giá chức năng thận. Kết quả cho thấy anh đã chuyển sang suy thận cấp trên nền suy thận mạn giai đoạn 5. Bệnh nhân được tư vấn nhập viện để lọc máu nhằm tránh nguy cơ hôn mê, tử vong do các biến chứng suy thận cấp gây ra.

Anh H. chia sẻ do thấy người không còn đau mệt, nghĩ bệnh đã khỏi nên không uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, lại uống cỏ mực và đậu đen xanh lòng để "trị bệnh" theo lời mách bảo.

Hơn 3 tháng qua, mỗi ngày anh duy trì uống khoảng một nắm tay cỏ mực và 2, 3 muỗng đậu đen. Sau điều trị, tình trạng đau nhức chân và các triệu chứng suy thận khác của anh H. đã giảm, chức năng thận được cải thiện. Tuy nhiên nếu đáp ứng điều trị bằng thuốc kém, chức năng thận không phục hồi tốt hơn, anh H. sẽ phải lọc máu định kỳ suốt đời.

Cẩn trọng với "bài thuốc" chưa được kiểm chứng

Bác sĩ Lê Thị Đan Thùy, trưởng khoa nội thận - lọc máu Bệnh viện Bình Dân, cho biết chỉ trong vài tháng, đơn vị đã tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp suy thận mức độ nặng, tổn thương thận cấp trên nền bệnh thận mạn có liên quan tới việc uống cỏ mực.

Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ rõ tác dụng chữa suy thận bằng cỏ mực. Đặc biệt trên người bệnh thận mạn, chức năng thận vốn đã kém nên việc dùng các hoạt chất từ cây cỏ, thuốc, ngay cả ăn uống thường ngày đều cần phải cẩn trọng để tránh tiến triển suy thận nặng hơn.

Ngoài cỏ mực thì hiện nay trên mạng Internet còn lan truyền nhiều "bài thuốc" lợi tiểu, "tốt cho thận" như cây rễ gió, cây mộc thông, cây nhạc ngựa, mộc phòng kỷ... Tất cả các cây này đều có chứa chất độc acid aristolochic gây tổn thương thận, suy thận nhưng được một số người lấy ngâm rượu uống với mục đích chữa bệnh, "tẩm bổ".

Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu - khoa nhiễm khuẩn tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cỏ mực hay còn gọi là cây nhọ nồi là một vị thuốc trong Đông y. Theo đó, cỏ mực có tác dụng như cầm máu. Việc sử dụng một bài thuốc cho bệnh nhân mắc các bệnh lý về thận mà không qua nghiên cứu rõ ràng là rất nguy hiểm.

Thực tế các loại thuốc khi đưa vào cơ thể có hai cách đào thải là đào thải qua gan và đào thải qua thận. Trong trường hợp người bệnh đã suy giảm chức năng thận lại bắt thận làm việc thêm nữa, vô tình góp phần làm chức năng thận suy giảm hơn.

Trong khi đó, nếu dùng thuốc mà dùng sai cách như dùng liều thấp thì không có tác dụng. Dùng liều cao có thể gây ngộ độc, việc sử dụng không hiệu quả sẽ gây hại cho cơ thể. Các vị thuốc trong Đông y thường sử dụng toàn bộ các thành phần cây, lá có thành phần tốt cho thận nhưng cũng có thể có các thành phần khác không tốt cho thận. Những thành phần này cần được kiểm định rõ ràng.

Đặc biệt đối với bệnh nhân đã có bệnh lý về thận, tốt nhất không nên tùy tiện sử dụng các loại thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Kể cả những bài thuốc Đông y cũng phải do bác sĩ y học cổ truyền chỉ định. Mỗi bệnh nhân có một thể trạng, mức độ bệnh khác nhau, vì vậy không có bài thuốc nào chung cho tất cả các bệnh nhân.

Người bệnh suy thận chú ý chế độ dinh dưỡng

Các bác sĩ khuyến cáo người suy thận cần tuân thủ điều trị và có chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý thì mới kiểm soát tốt biến chứng trên thận. Bên cạnh đó, bệnh nhân suy thận mạn cần phải được thăm khám, điều trị bằng thuốc, kiểm soát thường xuyên các chỉ số như protein niệu, các xét nghiệm đánh giá chức năng thận.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Trần Thị Hiền - Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, đối với những người bệnh suy thận mạn điều trị bảo tồn, một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học sẽ giúp kiểm soát và làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn.

Tùy theo mức độ suy thận và cân nặng, chiều cao của người bệnh mà lượng thịt, cá, trứng, sữa... trong khẩu phần ăn sẽ khác nhau. Tuy giảm lượng đạm nhưng vẫn cần cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động. Gạo tẻ, gạo nếp chỉ nên ăn từ 100 - 150 gam/ngày, thường xuyên sử dụng thực phẩm giàu năng lượng, ít đạm.

Suy thận nặng vì uống cỏ mực, viên uống trắng da không rõ nguồn gốcSuy thận nặng vì uống cỏ mực, viên uống trắng da không rõ nguồn gốc

Thời gian gần đây, Bệnh viện Bình Dân đã tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân suy thận nặng do uống cỏ mực, viên uống trắng da không rõ nguồn gốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp