01/04/2022 06:43 GMT+7

Bệnh nhân giảm, nhiều bệnh viện gặp khó

THÙY DƯƠNG - DƯƠNG LIỄU
THÙY DƯƠNG - DƯƠNG LIỄU

TTO - Hai năm dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến nhiều bệnh viện gặp khó khi lượng bệnh nhân sụt giảm, nhiều bệnh viện giảm đến 50% bệnh nhân điều trị nội trú.

Bệnh nhân giảm, nhiều bệnh viện gặp khó - Ảnh 1.

Tại quầy thu ngân của Bệnh viện Bạch Mai hiện đã không còn cảnh xếp hàng, chen lấn như trước - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Dù mọi hoạt động xã hội hầu hết đã trở lại bình thường, thế nhưng số bệnh nhân đến khám tại nhiều bệnh viện ở TP.HCM vẫn chưa trở lại như trước: số người đến khám đạt 80% nhưng số nhập viện ở nhiều bệnh viện chỉ đạt khoảng 50% so với trước dịch COVID-19.

Người bệnh ngại, bệnh viện khó khăn đủ bề

TS.BS Diệp Bảo Tuấn, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho hay nhiều người từng dự đoán thời gian này, số người bệnh đến bệnh viện khám sẽ đạt hơn 100% so với trước dịch, họ phải đi "khám bù" sau một thời gian dịch căng thẳng người bệnh không đến bệnh viện khám.

Tuy nhiên, thực tế số bệnh nhân đến khám ngoại trú hiện chỉ bằng 80% so với thời gian chưa có dịch. Nguyên nhân là nhiều người dân vẫn "e dè" sợ lây COVID-19 khi đến bệnh viện khám. 

Số người bệnh đến khám bệnh giảm, nên số bệnh nhân phải nhập viện cũng giảm theo. Chưa kể "điều kiện nhập viện" cũng khó khăn hơn theo BHYT, ngoài ra bệnh nhân và người nhà phải có kết quả test nhanh âm tính với COVID-19 mới được nhập viện.

Còn theo bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh TP.HCM, dù thời gian gần đây số người bệnh đến khám tại bệnh viện này đã tăng hơn nhiều so với đầu đợt dịch thứ 4, nhưng số bệnh nhân đến khám, điều trị nội trú vẫn chỉ bằng 85% so với trước dịch. 

"Thời gian tới dịch giảm đi nhiều nữa thì số bệnh nhân đến khám sẽ tăng lên" - bác sĩ Khanh nói.

Người bệnh ít đến bệnh viện có phải do người bệnh đã giảm? Thực tế thời gian qua đã có nhiều cảnh báo người bệnh gặp nguy hiểm tính mạng khi đến bệnh viện muộn. Đã có trường hợp tử vong hoặc gặp di chứng suốt đời do qua thời gian vàng điều trị.

"Bệnh nhân đến bệnh viện khám, điều trị giảm làm thu nhập của bác sĩ, nhân viên của bệnh viện cũng giảm đi 15%" - ông Khanh cho hay.

Trong khoảng thời gian người bệnh đến bệnh viện khám bệnh giảm, bệnh viện hỗ trợ khám, điều trị cho người bệnh điều trị tại nhà (chủ yếu có BHYT), điều động một số bác sĩ ở những khoa, phòng giảm nhiều bệnh nhân đi khám sức khỏe cho người lao động ở các công ty, xí nghiệp... - bác sĩ Khanh nói về giải pháp tạm thời.

Bệnh nhân giảm, nhiều bệnh viện gặp khó - Ảnh 2.

Quầy thông tin vừa được đưa vào hoạt động tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Nợ lương người lao động

Bắt đầu tự chủ tài chính từ tháng 6-2019, Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) gặp tình trạng khó khăn khi "điểm rơi" đúng vào thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Theo ông Nguyễn Quốc Huy, giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, từ khi tự chủ bệnh viện thu không đủ chi, tính đến thời điểm tháng 9-2021, số tiền nợ của bệnh viện là hơn 18 tỉ đồng, dẫn đến tình trạng nợ lương người lao động.

"Để xảy ra tình trạng này là do năng lực quản trị, điều hành của ban giám đốc bệnh viện còn nhiều hạn chế, lúng túng trong ứng phó với tình hình dịch bệnh, chưa tạo được sự đồng thuận nội bộ... Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan là ảnh hưởng từ dịch COVID-19, hầu như không có bệnh nhân nên không có nguồn thu", ông Huy nhận định.

Còn tại Bệnh viện Phổi trung ương, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, giám đốc bệnh viện, trong năm 2021 lượng bệnh nhân điều trị nội trú thời gian cao điểm dịch giảm đến 70%, chỉ còn 30% bệnh nhân điều trị.

"Trước đây, bệnh viện duy trì điều trị nội trú cho bệnh nhân lao với số lượng lên tới 1.000 bệnh nhân thường xuyên. Sau đó, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, số lượng bệnh nhân giảm xuống còn khoảng 800 bệnh nhân. Đến làn sóng dịch thứ 4, có thời điểm bệnh viện chỉ điều trị cho 200 bệnh nhân. Hiện đang duy trì ở mức 400 bệnh nhân nội trú", ông Nhung cho hay.

Người bệnh ít đến bệnh viện khám và điều trị lao khiến việc phát hiện bệnh lao trong cộng đồng gặp nhiều khó khăn. 

Theo ông Nhung, bệnh lao cũng lây nhiễm giống như COVID-19 nhưng lại không được quan tâm đúng mức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh lao trong cộng đồng trong bối cảnh dịch bệnh.

Tương tự như nhiều bệnh viện khác tại Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh thu giảm 25-30%. 

Theo giám đốc bệnh viện, ông Đào Thiện Tiến, trong hai năm dịch các khoa điều trị nội trú giảm mạnh như khoa nhi, chuyên khoa tai-mũi-họng, khoa răng-hàm-mặt. Đặc biệt là khoa Đông y lượng bệnh nhân giảm nhiều nhất.

"Trước đây, bệnh nhân có triệu chứng bất thường về sức khỏe thì sẽ đến khám để điều trị, nhưng do dịch bệnh nên nhiều người trì hoãn hoặc tự điều trị tại nhà. Bên cạnh đó nhiều bệnh nhân ngoại trú lấy thuốc 2-3 tháng một lần nên số bệnh nhân giảm rõ rệt", ông Tiến thông tin.

Nâng cấp dịch vụ khám chữa bệnh để thu hút bệnh nhân

Là một trong những bệnh viện có quy mô lớn nhất cả nước, Bệnh viện Bạch Mai cũng rơi vào tình trạng chung do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến lượng bệnh nhân sụt giảm. 

Đặc biệt thời điểm cuối tháng 3-2020, bệnh viện bị phong tỏa 14 ngày khi phát hiện 9 ca mắc COVID-19 trong bệnh viện. Tiếp đó là hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt khiến lượng bệnh nhân khám và điều trị tại bệnh viện cũng bị hạn chế.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người bệnh, thời gian qua Bệnh viện Bạch Mai liên tục có những cải tiến. 

Tháng 1-2021 khi đang là mùa đông của Hà Nội, bệnh viện đã lắp đặt máy sưởi công suất cao tại các điểm bên ngoài bệnh viện cho người nhà bệnh nhân sưởi ấm. 

Tháng 6-2021, khi miền Bắc nắng nóng cao điểm, nhiều nơi nhiệt độ lên tới 40 độ C, bệnh viện đã lắp đặt hệ thống phun sương tại nhiều khu vực ngồi chờ của người nhà bệnh nhân.

Hệ thống nước uống tại vòi cũng được trang bị miễn phí để phục vụ nhu cầu của người dân khi đi khám chữa bệnh. Mới đây, bệnh viện tiếp tục đưa 2 quầy thông tin tại cổng bệnh viện vào hoạt động. 

Tại đây, người bệnh sẽ được hỗ trợ xe lăn, cung cấp dù che nắng, che mưa, sách hướng dẫn nhận biết và phòng ngừa bệnh tật, chỉ dẫn các phòng, khoa của bệnh viện.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng bắt đầu lên kế hoạch khôi phục các hoạt động khám chữa bệnh để thu hút bệnh nhân trở lại. 

Ông Tiến bày tỏ: "Bệnh viện là đơn vị tự chủ hoàn toàn về kinh phí chi thường xuyên, bởi vậy việc sụt giảm doanh thu khiến bệnh viện gặp không ít khó khăn".

Nhưng ông Tiến cũng e ngại nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kinh phí hoạt động của đơn vị cũng như đời sống cán bộ y tế. 

Hiện bệnh viện đang lên kế hoạch tăng cường khôi phục các hoạt động khám chữa bệnh, nâng cấp chất lượng dịch vụ, đặc biệt là duy trì khám chữa bệnh bảo hiểm y tế".

Y bác sĩ giảm lương thưởng

"Thu nhập của cán bộ công nhân viên được tính từ viện phí nên nếu bệnh nhân đến khám, điều trị ít hơn thì thu nhập của cán bộ công nhân viên cũng giảm" - TS.BS Diệp Bảo Tuấn, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho hay.

Hiện thu nhập tăng thêm của y bác sĩ Bệnh viện Ung bướu chỉ bằng 1/3 so với trước. Bệnh nhân giảm thì công việc có bớt đi nhưng bác sĩ, nhân viên y tế vẫn tham gia hoạt động phòng chống dịch tại các bệnh viện dã chiến, tiêm chủng, lấy mẫu để xét nghiệm cho bệnh nhân...

Tết Nguyên đán năm 2022, toàn bộ cán bộ công nhân viên của bệnh viện không được nhận tiền tết vì bệnh viện thu không đủ chi!

Bệnh viện Tuệ Tĩnh lại vay tiền để trả lương cán bộ y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh lại vay tiền để trả lương cán bộ y tế

TTO - Tối 23-3, gần 100 cán bộ y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương tháng 2 và tháng 3 đã nhận được lương.

THÙY DƯƠNG - DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp