13/01/2015 08:31 GMT+7

​Bệnh “nghề nghiệp” của nông dân

T.LŨY
T.LŨY

TT - Nhiều nông dân bị ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) khi phun xịt thuốc mà không có đồ bảo hộ hoặc phun không đúng cách.

Đa số nông dân không trang bị đồ bảo hộ lao động chuyên dụng khi phun thuốc BVTV mà chỉ mặc áo mưa bên ngoài và đeo khẩu trang như trong ảnh - Ảnh: Th.L.
Khảo sát của chúng tôi cho thấy có trường hợp cá biệt ngộ độc thuốc BVTV đến 5 lần trong một năm. Và điều đáng lo ngại hiện nay mà chúng tôi ghi nhận được ở An Giang là vấn đề sức khỏe của những người đi phun thuốc BVTV thuê 
Thạc sĩ Lê Thanh Phong

Bác sĩ Phan Thị Phụng - phó khoa khám bệnh Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết khoa khám bệnh và khoa hồi sức tích cực, chống độc của bệnh viện từng tiếp nhận không ít bệnh nhân bị ngộ độc thuốc BVTV do vô ý trong quá trình phun xịt thuốc.

Ngộ độc nặng

Bác sĩ Phụng kể bệnh nhân H.V.T. (20 tuổi, ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ) vào bệnh viện với triệu chứng mệt, khó thở, xét nghiệm cho kết quả men cholinesterase giảm mạnh.

Qua khai thác, bệnh nhân cho biết làm nghề phun xịt thuốc BVTV thuê, hằng ngày tiếp xúc với khá nhiều loại thuốc xịt cỏ, xịt sâu cho lúa từ sáng đến chiều. Lần này do đứng phun thuốc dưới gió và chỉ đeo khẩu trang sơ sài nên hít phải thuốc.

Theo bác sĩ Phan Thị Phụng, bệnh nhân H.VT. bị ngộ độc thuốc BVTV nhóm phôtpho hữu cơ cấp tính qua đường hô hấp, trên nền tiền sử mãn tính do tiếp xúc thường xuyên với thuốc.

Bệnh nhân sau đó phải thở ôxy, điều trị tích cực các triệu chứng. Khi bệnh nhân xuất viện, bác sĩ khuyến cáo phải tránh tiếp xúc thuốc BVTV ít nhất sáu tháng, sau đó nếu tiếp tục làm nghề phun thuốc thuê phải có biện pháp bảo hộ đúng.

Tuy số trường hợp ngộ độc cấp tính thuốc BVTV vô ý trong quá trình phun xịt, tiếp xúc với thuốc không hiếm nhưng theo các bác sĩ, đa số nông dân bị ngộ độc hóa chất BVTV cấp tính dạng nhẹ nên họ tự sơ cứu hoặc nghỉ ngơi ở nhà. Do đó việc theo dõi các ca ngộ độc nhẹ ít được ghi nhận ở cơ sở y tế, chỉ có những ca nặng cần phải cấp cứu mới được ghi nhận.

Một trường hợp ngộ độc thuốc BVTV nặng khá hi hữu đã từng được ghi nhận tại khoa hồi sức tích cực, chống độc Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ là bệnh nhân N.V.N. (30 tuổi, ở huyện Thới Lai, Cần Thơ).

Anh N. bị ngộ độc thuốc BVTV nhóm phôtpho hữu cơ lần thứ hai khá nặng dẫn đến khó thở, co thắt khí quản, hôn mê, viêm phổi và phải thở máy.

Bác sĩ Phan Thị Phụng kể quá trình khai thác bệnh sử, các bác sĩ được biết bệnh nhân làm nghề mua bán phế liệu, trong lúc đập các thùng hóa chất đựng thuốc BVTV để bán thì hít phải thuốc. 

Theo bác sĩ Dương Thiện Phước, để hạn chế việc ảnh hưởng của các loại thuốc BVTV, bà con nông dân cần trang bị bảo hộ lao động (nón, quần áo, khẩu trang chuyên dùng), khi phun phải lựa chọn hướng gió để tránh thuốc bay vào người, sau khi phun phải tắm rửa, thay quần áo...

Và quan trọng là cần sử dụng thuốc hợp lý, đúng liều lượng theo khuyến cáo, tránh lạm dụng.

Sau khi sử dụng cần có biện pháp cách ly hóa chất, dụng cụ đựng hóa chất ở nơi an toàn.

Lần đầu bệnh nhân vào bệnh viện với các triệu chứng nhẹ hơn lần hai như: khó thở, chóng mặt (điều trị ở bệnh viện huyện).

Đến lần thứ hai bệnh nhân ngộ độc phải đi cấp cứu trong tình trạng nặng như trên.

“Rất may bệnh nhân qua khỏi nhưng chúng tôi dặn rất kỹ bệnh nhân phải tránh tiếp xúc với hóa chất BVTV trong thời gian dài” - bác sĩ Phụng nói.

Ngộ độc mãn tính mà không biết

Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông thôn thuộc Trường đại học An Giang, khảo sát trên 300 nông dân thường xuyên tiếp xúc với hóa chất BVTV tại ba tỉnh An Giang, Nam Định và Phú Thọ, có hơn tám nông dân khẳng định từng bị ngộ độc trong khi sử dụng thuốc BVTV, trong đó phần lớn là nông dân trồng lúa.

Theo thạc sĩ Lê Thanh Phong, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông thôn, các triệu chứng mà số đông người thường gặp khi tiếp xúc hóa chất BVTV là mệt mỏi (82,1%), nóng và ngứa (57%) và nhức đầu (56,6%).

Theo tìm hiểu của nhóm nghiên cứu về những người làm nghề phun thuốc BVTV thuê ở An Giang, mỗi ngày một người có thể phun 40-90 bình 25 lít. Phần lớn những người này ít sử dụng đồ bảo hộ lao động theo khuyến cáo vì không có khả năng.

“Thực tế đa số người trực tiếp làm việc với hóa chất BVTV đều mang trong mình những triệu chứng mãn tính, tùy mức độ độc tích lũy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe từng người khác nhau nhưng vẫn chưa có những nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực y tế nhằm có giải pháp giảm thiểu nguy cơ kịp thời cho nông dân” - ông Phong nói.

Bác sĩ Dương Thiện Phước - trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - cho biết ngộ độc thuốc BVTV mức độ nhẹ có thể làm nhịp tim chậm, co đồng tử, vã mồ hôi, co thắt dạ dày, ruột, bệnh nhân tỉnh và không co giật. Các triệu chứng này có thể hết sau đó nên nhiều trường hợp không đến bệnh viện điều trị.

Tuy nhiên cũng có một số bệnh nhân bị ngộ độc mãn tính trong quá trình tiếp xúc thuốc BVTV tích lũy mà không biết.

“Khi bệnh nhân mắc một bệnh lý nào đó đến bệnh viện khám, chúng tôi cho xét nghiệm máu, ghi nhận men cholinesterase giảm nhiều, khai thác bệnh sử họ có tiếp xúc nhiều lần với thuốc BVTV mới khuyến cáo hạn chế tiếp xúc để tránh bị ngộ độc cấp tính nặng” - bác sĩ Phước nói.

T.LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp