26/09/2017 16:20 GMT+7

Bệnh gout và cách hạn chế bệnh gout

Nguồn: Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Cao Bằng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Cao Bằng

Bệnh gout dân gian còn gọi là bệnh Thống phong, là một dạng viêm khớp thường gặp do sự tích tụ quá nhiều Axid uric trong máu với biểu hiện là những cơn đau nhức tại các khớp như ngón chân, bàn chân, mắt cá chân, ngón tay, bàn tay…

Bệnh gout và cách hạn chế bệnh gout - Ảnh 1.

Bệnh ảnh hưởng nhiều tới vận động, sinh hoạt của người mắc bệnh. Nếu không chữa trị kịp thời, gout có thể gây tổn thương khớp vĩnh viễn dẫn tới tàn phế.

Khi lượng Acid uric trong máu tăng cao, kết hợp với một số điều kiện thuận lợi thì Acid uric sẽ kết tủa thành dạng tinh thể rắn hình kim, rất sắc nhọn, đồng thời gây ra những cơn đau dữ dội, kèm theo sưng, nóng, đỏ, lúc đó người ta gọi là bệnh gout.

Một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây mắc bệnh gout

- Chế độ ăn uống quá nhiều thực phẩm chứa chất Purin như: gan, thận, tôm, cua, lòng đỏ trứng, nấm, các loại thịt, cá và gia cầm…Vì Acid uric là một sản phẩm phụ tạo trong quá trình chuyển hóa của Purin.

- Bị thừa cân, béo phì.

- Uống nhiều bia rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.

- Tuổi tác và giới tính: gout chủ yếu gặp ở nam giới, tỉ lệ gặp cao nhất ở độ tuổi trên 40, bệnh ít khi xảy ra ở người trẻ, ở nữ ít khi xảy ra trước tuổi mãn kinh.

- Yếu tố di truyền: nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh gout thì các thế hệ sau cũng có nguy cơ mắc bệnh này.

- Người mắc các bệnh lý như: tiểu đường, cao huyết áp, thiểu năng tuyến giáp, xơ vữa động mạch, bệnh thận mãn tính…

- Sử dụng một số thuốc như: Aspirin, vitamin Niacin, Levodopa, Cyclosporine, thuốc lợi tiểu Thiazide…

- Bị nhiễm độc chì hoặc khiếm khuyết Enzym khiến cơ thể khó phân hủy Purin.

Bệnh gout gồm 2 thể cấp tính và mạn tính

Bệnh gout có biểu hiện khá đặc trưng, gồm 2 thể cấp tính và mạn tính, dưới đây là một số biểu hiện của bệnh gout nên chú ý để nhận biết bệnh dễ dàng hơn, tránh được các biến chứng nguy hiểm khi phát hiện bệnh muộn:

Biểu hiện của cơn gout cấp:

- Trong cơn gout cấp có thể có sốt vừa hoặc nhẹ.

- Viêm khớp với biểu hiện: sưng to, đỏ, phù nề, căng bóng, nóng, đau dữ dội và ngày càng tăng, va chạm nhẹ cũng rất đau, thường là khớp chi dưới như khớp bàn ngón chân cái (hơn 50% các trường hợp), khớp cổ chân, khớp gối… Lúc đầu chỉ viêm một khớp sau đó có thể viêm nhiều khớp.

- Các dấu hiệu viêm có thể kéo dài nhiều ngày, thường từ 5-7 ngày rồi các dấu hiệu viêm giảm dần: đỡ đau, đỡ nề, bớt đỏ. Hết cơn, khớp trở lại hoàn toàn bình thường.

- Cơn gout cấp dễ tái phát có thể sau vài tuần, vài tháng, có khi hơn 10 năm.

- Bên cạnh đó có thể gặp thể nhẹ biểu hiện kín đáo, đau ít, dễ bị bỏ qua.

Biểu hiện của gout mạn tính:

Sau 10-20 năm, bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính. Ở một số người, bệnh không qua giai đoạn cấp tính mà cứ từ từ, âm ỉ rồi diễn biến thành mạn tính.

- Quanh các khớp nổi lên nhiều u cục còn gọi là hạt Tôphi: thường thấy trên sụn vành tai rồi đến khuỷu tay, ngón chân cái, gót chân, mu bàn chân, gân Achille…

- Khớp bị cứng, đau, có thể sưng to, hạn chế vận động.

Biến chứng bệnh gout

Nếu không được điều trị đúng hoặc có bệnh mà không được điều trị, bệnh nhân bị bệnh gout phải đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm như:

- Tổn thương xương khớp: người bệnh gout có nguy cơ bị hủy hoại khớp, đầu xương làm cho bệnh nhân bị tàn phế.

- Các hạt Tôphi bị loét vỡ, khiến vi khuẩn xâm nhập vào trong khớp gây viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết.

- Nồng độ Axid uric trong máu tăng cao và được đào thải qua đường nước tiểu là điều kiện thuận lợi để muối Urat lắng đọng tại hệ thống dẫn niệu gây sỏi thận, lâu ngày có thể dẫn tới suy thận.

- Các nguy cơ bị tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim...

- Sử dụng nhiều thuốc trong quá trình điều trị bệnh gout cũng có thể gây nên tai biến, tổn thương nhiều cơ quan như máu, thận, tiêu hóa, dị ứng…

Khuyến cáo trong chế độ ăn uống và sinh hoạt của người bị gout

Gout là một căn bệnh nguy hiểm và ngày càng phổ biến với những biến chứng khó lường, chính vì vậy, ngay khi phát hiện dấu hiệu của bệnh cần đến cơ sở y tế khám để có biện pháp chữa trị phù hợp và hiệu quả. Đồng thời người bệnh cần chủ động có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lí để hạn chế tình trạng bệnh nặng hơn, hỗ trợ cho việc điều trị bệnh như:

- Không ăn thức ăn nhiều Purin: nhằm giảm lượng Acid uric để không bị tích lũy thành tinh thể ở các khớp và các tổ chức mềm. Chính vì thế, cần hạn chế ăn phủ tạng động vật như: gan, lòng, cật, tim, tiết; cá trích, cá mòi, trứng cá; thịt đỏ, thịt muối; phô mai; cua; tôm… và một số thực phẩm thực vật có hàm lượng Purin tương đối cao như nấm, đậu, hạt các loại.

- Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn, thuốc lá và chất kích thích trong khi điều trị bệnh gout vì làm suy giảm chức năng hoạt động của gan, thận, gây mất cân bằng trong chuyển hóa Acid uric trong cơ thể.

- Uống nhiều nước mỗi ngày (tối thiểu 2,5 đến 3 lít nước) để tăng cường hoạt động của hệ bài tiết, thải độc tố ra ngoài cơ thể.

- Duy trì cân nặng hợp lý để giảm lượng Acid urid trong máu và giảm sức nặng chịu đựng của các khớp.

- Tuyệt đối không nên nhịn đói vì làm nồng độ Acid urid trong máu tăng nhanh, nên ăn nhiều bữa một ngày và trong thực đơn bổ sung thêm nhiều rau quả tươi.

- Thường xuyên vận động nhẹ nhàng để tăng độ dẻo dai của các khớp giúp hỗ trợ điều trị bệnh gout hiệu quả.

Người đã mắc bệnh gout cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ trong ăn uống, sinh hoạt và dùng thuốc. Tuy nhiên việc phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, một lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học hợp lý, thời khóa biểu luyện tập thể dục thể thao đều đặn và uống đủ nước mỗi ngày luôn là biện pháp phòng và nâng cao sức khỏe tốt nhất.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Cao Bằng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp