23/08/2024 13:09 GMT+7

Bệnh bạch hầu tái xuất, làm gì để phòng bệnh?

Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 9 ca mắc bệnh bạch hầu, 1 trường hợp tử vong. Bệnh có nguy cơ gây nguy hiểm tính mạng, vậy làm gì để phòng bệnh?

Chiều nay giao lưu trực tuyến: Bệnh bạch hầu tái xuất, làm gì để phòng bệnh? - Ảnh 1.

Trẻ em tiêm vắc xin phòng bạch hầu tại VNVC

Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc bạch hầu vài năm trở lại đây tăng rồi lại giảm, sau đó lại tăng.

Năm 2020, số ca mắc bệnh bạch hầu có gia tăng ở nước ta, ghi nhận 226 trường hợp mắc, chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Trị; và giảm trong năm 2021 (có 6 trường hợp mắc) và năm 2022 (có 2 trường hợp mắc).

Năm 2023, cả nước có 57 trường hợp mắc bệnh bạch hầu và 7 trường hợp tử vong. Tỉ lệ tiêm chủng vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) chỉ đạt 55,7%.

Năm 2024, từ đầu năm đến nay ghi nhận 9 ca mắc, trong đó 1 ca tử vong. Trong đó tỉnh Hà Giang có 3 ca mắc tại các ổ dịch cũ (huyện Mèo Vạc, huyện Đồng Văn, huyện Yên Minh); tỉnh Nghệ An 1 trường hợp mắc và tử vong (huyện Kỳ Sơn); tỉnh Bắc Giang 2 ca (huyện Hiệp Hòa), 1 ca có tiếp xúc gần với ca tử vong của tỉnh Nghệ An; tỉnh Thanh Hóa 3 ca (huyện Mường Lát), có 1 thai phụ.

Các ổ dịch chủ yếu xảy ra ở khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi điều kiện cung cấp vắc xin tiêm chủng mở rộng còn khó khăn nên tạo vùng lõm tiêm chủng.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến ca mắc bệnh bạch hầu gia tăng trong thời gian qua là do tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bị gián đoạn, tỉ lệ bao phủ vắc xin thấp.

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố. Bệnh có nguy cơ bị biến chứng như viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn.

Tỉ lệ tử vong khoảng 5-10%. Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đánh giá "nguy cơ lan truyền bạch hầu đến thành phố là có thể xảy ra do thành phố có mật độ dân cư đông đúc, giao thông thuận lợi, và thường xuyên đón du khách, lao động từ các tỉnh khác". Ca bệnh bạch hầu gần nhất ghi nhận tại thành phố vào năm 2020 là một người từ tỉnh thành khác đến học tập và sinh sống tại thành phố.

Nhằm giải đáp các thắc mắc của bạn đọc cũng như tìm hiểu rõ hơn về các nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nguy cơ mắc bệnh bạch hầu, từ 14-17h ngày 23-8, báo Tuổi Trẻ phối hợp Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức talkshow kết hợp giao lưu trực tuyến "Bệnh bạch hầu và những điều cần biết".

Sự kiện có sự tham gia của các khách mời:

- PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng.

- TS.BS Huỳnh Trung Triệu, phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu trẻ em Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

- ThS.BS Đinh Thị Hải Yến, trưởng khoa truyền thông - giáo dục sức khỏe Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM.

- BS.CK1 Bạch Thị Chính, giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Chiều nay giao lưu trực tuyến: Bệnh bạch hầu tái xuất, làm gì để phòng bệnh? - Ảnh 2.

Các khách mời của talkshow - giao lưu trực tuyến "Bệnh bạch hầu và những điều cần biết", từ trái sang: PGS.TS Trần Đắc Phu, BS.CK1 Bạch Thị Chính, TS.BS Huỳnh Trung Triệu và ThS.BS Đinh Thị Hải Yến - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đặt câu hỏi đến
Gửi câu hỏi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp