Theo các chuyên gia, bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria gây ra. Bệnh gây nhiễm độc nặng do ngoại độc tố của vi khuẩn gây tổn thương chủ yếu là các màng giả ở họng, thanh quản, mũi…
Bệnh bạch hầu được xếp nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Các đường lây bệnh là gì?
Bác sĩ Bùi Thu Phương, khoa nhi Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết đường lây của bệnh qua đường hô hấp, từ cuối thời kỳ ủ bệnh do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp hoặc qua các dịch tiết nhỏ bắn ra không khí.
Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc với da người mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh có thể lây gián tiếp qua đồ dùng, quần áo, thức ăn… có dính dịch tiết hô hấp của người bệnh.
Bác sĩ Phương nêu rõ thời kỳ ủ bệnh của bệnh bạch hầu khoảng 2-5 ngày, không có biểu hiện gì, có tiền sử tiếp xúc người bệnh và trong vụ dịch.
Thời kỳ khởi phát bệnh thường tiến triển từ từ, bệnh nhân sốt nhẹ, có các biểu hiện viêm hô hấp cấp như đau họng, chảy nước mũi, khó chịu, da xanh.
"Khi bệnh toàn phát, người bệnh có triệu chứng sốt nhẹ hoặc không sốt, ho và đau họng, khó nuốt, đau đầu, khàn giọng. Vẻ mặt nhiễm trùng nhiễm độc nặng, miệng hôi, mệt mỏi nhiều. Chảy nước mũi mủ máu, viêm loét niêm mạc mũi. Hạch cổ, hạch góc hàm to, cổ bạnh to tạo hình ảnh "cổ trâu".
Họng đỏ, màng giả trắng xám, ánh vàng, nhẵn bóng, dính chặt vào amidan, họng, lan rất nhanh, bóc khó, gây chảy máu và làm giả mạc lan nhanh hơn, giả mạc này không tan khi cho vào nước.
Màng giả khởi đầu thường có ở amidan, sau lan nhanh ra hầu họng, vòm họng, lưỡi gà, xuống thanh môn gây khó thở thanh quản.
Ngoài đường hô hấp, bệnh bạch hầu có thể thấy bệnh trên da, kết mạc, niêm mạc sinh dục - tiết niệu, hậu môn, ống tai", bác sĩ Phương cho hay.
Chủ động phòng bệnh bạch hầu
Bác sĩ Phương cũng cho hay bệnh bạch hầu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như: tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, viêm dây thần kinh ngoại biên, viêm thận, viêm phổi, xuất huyết giảm tiểu cầu…
"Đây là một bệnh cấp cứu nên cần nhập viện ngay để điều trị và cách ly càng sớm càng tốt. Việc điều trị cần đảm bảo các nguyên tắc như cách ly trong 10-14 ngày, theo dõi sát sao các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra", bác sĩ Phương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó khi tiếp xúc gần với người mắc bệnh bạch hầu, cần phát hiện sớm, cách ly kịp thời và điều trị triệt để. Người tiếp xúc cần được theo dõi sát trong 7 ngày, cấy dịch họng.
Người lành mang trùng nên dùng kháng sinh uống dự phòng (erythromycin) trong 10 ngày, khám lại hằng ngày.
Điều dưỡng Hà Thị Thanh Hoa - khoa dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi trung ương - cũng cho hay bạch hầu là căn bệnh có tốc độ lây lan nhanh, biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là tỉ lệ tử vong cao. Do đó, dù là trẻ em hay người lớn cũng cần tiêm chủng vắc xin đầy đủ để phòng bệnh.
Cụ thể, trẻ 0 - 2 tuổi: tiêm 4 mũi 5 - trong - 1 hoặc 6 - trong - 1 giúp phòng ngừa các bệnh nguy hiểm trong đó có bạch hầu.
4 - 6 tuổi: tiêm 1 mũi tiêm nhắc tiền học đường
9 - 17 tuổi: tiêm 1 mũi tiêm nhắc tuổi thanh thiếu niên
Người lớn: tiêm nhắc lại mỗi 10 năm sau đó để duy trì hệ miễn dịch, bảo vệ tối ưu.
Ngoài ra các chuyên gia cũng khuyến cáo tất cả người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly, theo dõi, chẩn đoán và điều trị.
Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, quần áo của người bệnh phải được tẩy uế và sát khuẩn. Thực hiện rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận