30/04/2013 10:55 GMT+7

Bên trong Trại Davis - Thành lũy tháng 4

 QUỐC VIỆT
 QUỐC VIỆT

TT - Rất hiếm cuộc chiến nào trên thế giới đến hồi ác liệt nhất, vào thế một mất một còn, mà ngay đầu não một bên chiến tuyến vẫn hiện diện công khai lực lượng đông đảo của đối phương.

Đủ mặt tướng lĩnh, sĩ quan chỉ huy, vệ binh và cả các nhà báo, văn công...

Nhắc kỷ niệm này, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn kể trại Davis đã trở thành trận địa tiền tiêu ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Tháng 4-1975 nóng bỏng, cấp trên đã chuẩn bị cho đặc công đột nhập đưa người trong trại Davis ra, nhưng họ chọn ở lại và sẵn sàng chiến đấu...

GumUXCiq.jpgPhóng to
Cán bộ, chiến sĩ trại Davis được phổ biến kế hoạch chiến đấu - Ảnh tư liệu

Đào địa đạo ngay trong sân bay

Khi vùng kiểm soát của quân đội Sài Gòn bị thu hẹp dần trong những tháng đầu năm 1975, an ninh xung quanh trại Davis càng siết chặt và căng thẳng hơn bao giờ hết. Ngoài trại lính dù án ngữ gần trại và hệ thống hào, chốt gác vây dày đặc, quân đội Sài Gòn còn điều thêm xe tăng, thiết giáp đến chĩa hỏa lực vào bên trong. Tình hình cực kỳ nóng bỏng, như có thể xảy ra nổ súng bất cứ lúc nào. Trại Davis lại nằm trên địa hình bằng phẳng, trống trải, sẽ rất bất lợi cho đội quân phòng thủ bên trong nếu xảy ra chiến sự.

Tuy nhiên, có một sự thật mà đối phương bên ngoài có lẽ không bao giờ ngờ tới là đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời (lúc này đoàn VN dân chủ cộng hòa đã về Hà Nội, chỉ để lại một bộ phận) ở bên trong vẫn “bình thường như mọi ngày”. Sáng chiều vẫn hai cữ thể thao đầy đủ, vườn rau vẫn được chăm sóc, khu chiếu phim giải trí vẫn sáng ánh đèn và tiếng guitar vẫn bập bùng...

Nhưng sau bề ngoài yên ả đó, những người trong trại Davis đã sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Quyết định ở lại đến ngày cuối cùng, tướng Hoàng Anh Tuấn đã chuẩn bị sẵn sàng. Từ khoảng giữa tháng 4-1975, toàn bộ sĩ quan, vệ binh được triển khai đào hầm trú ẩn và công sự chiến đấu. Yêu cầu đặt ra là vừa phải đảm bảo bí mật, vừa đạt yêu cầu chiến đấu, kể cả trú ẩn được khi quân Sài Gòn pháo kích hay quân giải phóng bắn lạc vào trại.

Đại tá Hà Cân, sĩ quan đã trực tiếp cùng đồng đội đào hệ thống công sự này, kể cái khó đầu tiên họ phải đối mặt là quá thiếu cuốc xẻng, vì đưa nhiều phương tiện này từ Hà Nội vào sẽ gây chú ý cho Sài Gòn. Đất nền sân bay lại khá cứng. Thế là mọi thứ được tận dụng, từ dao găm chiến đấu đến các cọc sắt ở đầu giường để giăng mùng.

“Tuy nhiên, trong cái khó cũng có cái may. Chỉ khoảng mười ngày toàn bộ hệ thống hầm, hào trú ẩn và chiến đấu đã hoàn tất”. Đại tá Hà Cân kể thêm: chính nhờ hệ thống nhà được bố trí gần nhau của quân đội Mỹ để lại đã giúp quân giải phóng đào hào êm ả, bí mật ngay trước mắt đối phương. Bộ phận sĩ quan, chiến sĩ ở nhà nào đào công sự ngay dưới sàn nhà đó. Lính gác Sài Gòn ngoài tường rào trại Davis không thể quan sát được cái gì đang xảy ra bên trong. Kiểu nhà sàn cách mặt đất 0,5m của Mỹ lại rất hữu dụng cho đào công sự khi đất đào lên được đổ rải ngay dưới sàn nhà gỗ. Đào xong, họ lại đặt ván sàn vào vị trí cũ để che kín dấu vết. Riêng hệ thống đường hầm từ nhà này nối liên hoàn với nhà kia thì được đào ngầm dưới mặt đất như “hang chuột”. Người nhà bên này đào qua, nhà bên kia đào tới. Cả hai tính toán cho chính xác để nối khớp với nhau.

Lính Sài Gòn ngồi chĩa súng, canh gác ngay gần đó hoàn toàn không hề ngờ một hệ thống “địa đạo” đang xuất hiện sát bên mình. Những người trong trại Davis đào hầm trú ẩn và công sự chiến đấu bài bản đến mức có cả hầm chỉ huy chính, hầm chỉ huy dự phòng, hầm cứu thương, dự trữ lương thực, nước uống. Các tủ sắt đựng quần áo, tài liệu lính Mỹ bỏ lại còn được đổ đầy đất rồi lật nằm che nắp hầm để chống đạn pháo. Tất cả đã sẵn sàng nếu trận chiến không mong đợi khai hỏa.

H6SraOx5.jpgPhóng to
Trạm gác của quân đội Sài Gòn bên ngoài trại Davis - Ảnh tư liệu

UH1 chở vũ khí chống tăng cho trại Davis

Trong tinh thần sẵn sàng chiến đấu, đại tá Hà Cân kể những ngày cuối tháng 4, bên người ông lúc nào cũng có khẩu K59 đầy đạn. Theo điều khoản triển khai ban liên hợp quân sự, sĩ quan được trang bị súng ngắn, vệ binh mang tiểu liên AK. Các khẩu súng này được chuyển vào từ Hà Nội bằng chính không vận cơ C130 của quân đội Mỹ. Những ngày cuối tháng 4, mọi người trong trại còn chuẩn bị sẵn sàng một balô đầy đủ lương thực, biđông nước để sẵn sàng cơ động. Trên ngực áo họ đều đính một miếng vải trắng cỡ ngón tay để làm dấu hiệu “phe ta”.

Lực lượng trong trại Davis thời điểm đó tương đương tiểu đoàn. Họ đều có khả năng chiến đấu cao vì hầu hết trải qua quân đội, công an. Đặc biệt, đội vệ binh là chiến sĩ tinh nhuệ được chọn lựa từ lực lượng đặc công trải qua nhiều trận mạc. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn họp lãnh đạo đoàn, nhận định lực lượng chiến đấu trong trại Davis có khả năng phòng thủ một vài ngày để chờ quân giải phóng vào Sài Gòn. Cái khó nhất là thiếu vũ khí chống tăng, thiết giáp vì không thể chuyển hỏa lực này từ Hà Nội vào bằng máy bay Mỹ.

Một kế hoạch trang bị vũ khí đặc biệt được đặt ra. Có lẽ quân đội Sài Gòn sẽ rất bất ngờ nếu biết được chính mình đã cấp phi công và máy bay trực thăng UH1 để... chở vũ khí vào trại cho quân giải phóng. 38 năm đã qua, nhắc chuyện này, đại tá Nguyễn Quang Biểu, nguyên sĩ quan phiên dịch, vẫn cười kể chính mình là người áp tải hai vali lớn đầy vũ khí chống tăng từ Lộc Ninh lên máy bay về trại Davis. Số là trong trận đánh Buôn Ma Thuột, quân giải phóng đã giữ hai sĩ quan Iran và Indonesia trong ủy ban quốc tế. Khi trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời ở trại Davis đề nghị cấp máy bay để đưa hai người này về từ Lộc Ninh, phía Sài Gòn đồng ý ngay. Đoàn cử đại tá Nguyễn Văn Sĩ và Nguyễn Quang Biểu phiên dịch đi liên lạc với quân giải phóng ở Lộc Ninh để làm thủ tục đón về.

Quân đội Sài Gòn điều máy bay trực thăng UH1 đi tiền trạm và đón nhân viên ngoại giao quốc tế vào ngày 17-4-1975. Thông tin này được bí mật chuyển về Lộc Ninh để quân giải phóng chuẩn bị “hàng nóng” cho trại Davis. Nó diễn ra ngay trước mắt phi công và sĩ quan Sài Gòn tháp tùng trên máy bay. Hai vali “ngoại giao” đầy vũ khí chống tăng ở Lộc Ninh “bay” về Sài Gòn mà không hề bị nghi ngờ. Đến sân bay Tân Sơn Nhất, nó lại qua mắt lính Sài Gòn đang canh gác chặt chẽ bên ngoài, rồi vào thẳng công sự chiến đấu ở trại Davis.

Đặc biệt, chuyến bay Sài Gòn - Lộc Ninh cuối cùng trước ngày 30-4-1975 còn chở cả “hổ về rừng”. Đại tá Nguyễn Văn Sĩ, sau là thiếu tướng phó tư lệnh Quân khu 9, theo chuyến bay đã “cáo bệnh” ở lại chiến trường và tham gia các cánh quân tiến vào Sài Gòn.

Kỳ tới: Đêm trước 30-4

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:

 QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp