Đuông dừa đục vào thân cây dừa để hút chất sinh trưởng khiến cây dừa chết - Ảnh: M.TR. |
UBND tỉnh Bến Tre vừa có chỉ thị về việc nghiêm cấm nhân, nuôi, phát tán đuông dừa. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại của đuông dừa.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm đối với những đối tượng có hành vi nhân, nuôi, phát tán đuông dừa trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Trần Anh Tuấn - chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre, đuông dừa là một trong những sinh vật gây hại trực tiếp đối với cây dừa, là loài côn trùng gây hại nguy hiểm nhất cho cây dừa và khó phát hiện.
Cơ chế phá hoại của loài côn trùng này là đẻ trứng lên cây dừa. Sau đó trứng này phát triển thành con đuông đục khoét và ăn hết chất sinh trưởng trong cây dừa (cổ hũ dừa) khiến cây dừa chết.
Do đó, việc nhân, nuôi đuông dừa (để làm mồi nhậu) gián tiếp tạo điều kiện phát tán loài côn trùng có nguy cơ gây hại đến diện tích vườn dừa tỉnh Bến Tre.
Bến Tre có diện tích và số lượng dừa lớn nhất Việt Nam với trên 65.000ha, sản lượng hằng năm đạt trên 500 triệu trái. Giá trị các sản phẩm từ dừa chiếm hơn 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Sản phẩm từ dừa Bến Tre có mặt trên 77 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận