Ông tên là Bùi Văn Hải, sinh năm 1949. Những năm tháng thanh xuân đáng nhớ của ông là 19 năm lái xe (từ năm 1967), gắn bó trên các chiến trường tại miền Trung, miền Nam và Campuchia.
Và ông đã gặp được bà - người đã chia sẻ cuộc đời ông suốt những năm tháng còn lại, cùng ông đi qua bao khó khăn để tạo dựng hạnh phúc trong gần nửa thế kỷ.
Bà tên là Lê Thị Ngọc Hoa, cùng tuổi Kỷ Sửu với ông. Bà là thanh niên xung phong, được đưa vào hỗ trợ cho những trận tuyến khu vực Quảng Trị.
Năm 1972, bà ở lại Quảng Trị dạy học bổ túc cho người dân địa phương. Do công tác cùng khu vực gần Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nên bà và ông có duyên gặp gỡ, cảm mến lẫn nhau.
Từ những ngày gian lao, nguy khó
Những ngày bà và ông gặp nhau là những ngày hạnh phúc trong sự hiểm nguy. Bà kể khu vực mình ở là ven biển thuộc xã Gio Hải, huyện Gio Linh. Nơi đây không có đường.
"Tôi nhớ khi đi đến một đoạn đường có hình chữ A, ở giữa bãi cát có cây phi lao mọc lên, một anh bạn lại gần để đi vệ sinh, nhưng vướng mìn và bị nổ tung, xác không còn gì. Đó là kỷ niệm về chiến tranh khốc liệt, đến khi giải phóng rồi bom đạn vẫn còn lưu lại" - bà Hoa hồi tưởng.
Năm 1976, đám cưới của hai người diễn ra trong thời gian cả hai cùng tham gia xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.
"Đám cưới nhà binh, diễn ra rất vui. Đi đón dâu nếu đi bộ chỉ mất khoảng 3km, nhưng chú rể lại lái xe tải cùng một xe phóng từ để phá bom, đi vòng về Gio Linh để đón dâu với quãng đường khoảng 30km cho… lịch sự" - ông nhớ lại.
Bà đưa mắt nhìn về phía bức ảnh đen trắng có những vệt ố vàng treo trang trọng trên bức tường cạnh khu vực bàn uống nước, mắt ngân ngấn xúc động. Bà không quên được hình ảnh chú rể lái xe bọc thép, cùng một xe nữa chở đồng đội đến đón cô dâu. Rồi tất cả hát vang những bài ca hạnh phúc, bài ca ước vọng ngày chiến thắng trở về suốt cả quãng đường hôm ấy.
Sau đám cưới, ông tiếp tục tham gia ở mặt trận K.
Năm 1979 chiến tranh phía Bắc xảy ra, người lính công binh Trường Sơn năm nào tiếp tục phục vụ trên chiến trường. Bà một mình nuôi con, ngóng chờ tin, nguyện cầu cho ông chân cứng đá mềm, lành lặn trở về...
Rồi ông cũng trở về như mong ước, cùng vun vén cho tổ ấm với 4 người con. "Cuộc sống vui lắm. Tôi có 11 cháu nội và cháu ngoại, trong đó có 4 đứa đang học đại học. Giờ tôi chủ yếu ở nhà đưa cháu đi học".
Tới những ngày ôm đàn cùng hát bên nhau
Ông ôm cây đàn guitar ra và gảy lên vài giai điệu về Trường Sơn. Như một cảm xúc tự nhiên, bà cất lên tiếng hát trong căn phòng nhỏ của khu chung cư ở phường Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội).
Ông đang làm trong ban văn nghệ phường, còn bà là đội trưởng đội văn nghệ.
Đầu năm 2020, ông được phát hiện mắc bệnh ung thư, nhưng phẩm chất người lính trong ông luôn thể hiện sự lạc quan, tích cực khiến bà cũng vơi dần những lắng lo, tự nhủ sẽ đón nhận mọi thứ trong sự bình tâm nhất.
"Cuộc sống cái gì cũng có hạn sử dụng của nó. Quan trọng là giây phút ở hiện tại, trong lúc "còn hạn sử dụng" thì mình trân quý, dùng cho thật tốt, thật ý nghĩa để khi "hết hạn" không có gì phải nuối tiếc" - bà nói.
Và vào những dịp kỷ niệm đặc biệt của đất nước, ta lại thấy hai ông bà trong sắc xanh quân phục dắt nhau đi mua hoa. Rồi ông lái chiếc ô tô đã cũ của mình, chở bà vượt quãng đường chừng 5-6km đến Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.
Hai người thắp hương khấn nguyện. Lần nào ông cũng đứng lặng hồi lâu, đưa tay chạm vào từng dòng tên mà rơm rớm nước mắt. Rồi ông lấy cây đàn guitar ra, khẽ gảy... Bà nhẹ nhàng cất tiếng hát: "Rất dài và rất xa - là những ngày thương nhớ. Nơi cháy lên ngọn lửa là trái tim yêu thương"...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận