11/11/2016 09:02 GMT+7

Bên icom khắc khoải Hoàng Sa

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Buổi chiều đầu đông. Lạnh căm căm trong mưa phùn gió bấc, ông Nguyễn Quốc Chinh điện thoại giọng hớt hải: “Chết, chết rồi! Tàu QNg 96149 và QNg 96679 vừa bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá tài sản ở Hoàng Sa...”

Ông Hùng (bìa phải) ngồi ngóng tin cùng người nhà ngư dân đang đánh bắt ở Hoàng Sa - Ảnh: TRẦN MAI
Ông Hùng (bìa phải) ngồi ngóng tin cùng người nhà ngư dân đang đánh bắt ở Hoàng Sa - Ảnh: TRẦN MAI

“Nghĩ đến chuyện lương thì ai làm chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá được đâu. Lương nào cho bằng lương tâm của mình. Hoàng Sa là máu thịt của bao thế hệ. Nghĩ vậy mà làm...

Ông Nguyễn Quốc Chinh

Ông Chinh là chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi). Những chuyến ra khơi của ngư dân không chỉ có vợ con họ mong ngóng, mà những người làm nghiệp đoàn như ông cũng ngóng theo từng con sóng. Bao nhiêu năm nay ông Chinh cứ thế, công việc thầm lặng dù chẳng có đồng lương nào.

Tàu chưa về bến lòng còn chưa yên

Tin tàu cá bị phía tàu Trung Quốc tấn công được ông Chinh báo ngay cho ông Nguyễn Thanh Hùng, đồng nghiệp của ông, là chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu. Lập tức trong buổi chiều, ông Hùng - tuổi đã ngoài 60 - vội mở icom nối liên lạc, báo tin dữ cho ngư dân trên những tàu khác đang đánh bắt ở khu vực Hoàng Sa.

Tiếng sóng âm rè rè, ngoài biển không có bất cứ liên lạc nào, bao nhiêu tiếng rè rè là bấy nhiêu nỗi lo dồn lên những con người đang ở đất liền ngóng tin. Ông Hùng đưa tay nhìn đồng hồ. Đã 5g chiều.

Ông bảo: “Giờ này chưa đến lúc ở ngoài đó bật máy báo tin về. Anh em đang nấu ăn và chuẩn bị ngư lưới cụ để tối đi lặn. Phải tới 8g tối mới liên lạc được. Mùa này tàu Trung Quốc ít quần thảo nhưng thỉnh thoảng cũng có chuyện. Hễ có sự cố là mình phải đề cao cảnh giác, theo dõi liên tục để báo tình hình cho anh em ngoài đó biết mà phòng tránh. Chớ lỡ mải miết đánh bắt, chẳng may gặp phải tàu Trung Quốc là trở về trắng tay. Ác lắm!”.

Cũng như ông Hùng, ông Chinh từ khi nghe tin tàu cá QNg 96149 bị tấn công, bữa cơm trưa bỏ dở vì phải báo cáo tình hình cho chính quyền huyện Lý Sơn và Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi và bao nhiêu việc khác cứ quắn cả lên.

Ông Chinh nói tàu cá mắc nạn mà chưa về tới Lý Sơn an toàn thì ông chưa thể ngồi yên được. Suốt ngày ông ngồi trước máy icom, báo tin đến các tàu cá của đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải đang ở ngoài khơi, báo cho những tàu cá chuẩn bị ra khơi còn trên bến và đề nghị các tổ đánh bắt di chuyển lại gần nhau để giúp đỡ khi có tình huống xấu xảy ra.

Quanh năm, những chiếc tàu cá của ngư dân Bình Châu, Lý Sơn vẫn tiến ra Hoàng Sa đánh bắt dù biển ngày càng bất trắc. Càng bất trắc, ở đất liền những ông chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá lại càng canh cánh nỗi lo. Sang lập đông, áp thấp nhiệt đới, bão tố rình rập khơi xa. Những chiếc tàu cá nhỏ bé đang dọc ngang nơi đầu sóng ngọn gió cùng hàng trăm, hàng ngàn ngư dân có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào trước cơn cuồng nộ của biển khơi.

Ông Hùng nói mùa nào cũng phải canh cho tàu nhưng mùa này phải theo dõi thời tiết kỹ lưỡng hơn nữa, có rục rịch gì là icom ra báo cho anh em biết mà đề phòng. “Vừa rồi có hai trận bão liên tiếp vào Biển Đông, tôi phải túc trực bên icom thông báo hướng gió từ khi nó còn ở Thái Bình Dương để anh em tránh. Từ giờ tới qua tháng giêng là phải theo dõi kỹ thời tiết, không lúc nào lơi” - ông nói.

Rồi ông trầm ngâm nói ngư dân Lý Sơn ra đánh bắt ở Hoàng Sa đâu chỉ là kiếm cái ăn mà còn là mang theo cả sứ mệnh thiêng liêng của Tổ quốc giao phó: chứng nhận chủ quyền của Tổ quốc ở nơi xa. Mà với ông, có nói đến mức nào người ở đất liền cũng không thể hình dung được hết sự khó nhọc của người trên biển. Ở đó đầy rẫy những bất trắc khó lường.

Ngư dân Đoàn bị vòi rồng tàu Trung Quốc phun trúng gãy chân, 
ông Hùng tới tận nơi thăm hỏi - Ảnh: TRẦN MAI
Ngư dân Đoàn bị vòi rồng tàu Trung Quốc phun trúng gãy chân, ông Hùng tới tận nơi thăm hỏi - Ảnh: TRẦN MAI

Lặng lẽ trên bờ biển

Không chỉ hôm ấy, mà gần đây thiên tai địch họa ở Hoàng Sa ngày càng dày hơn, nên hình ảnh những ông chủ tịch nghiệp đoàn cuống cuồng quay tít cũng nhiều hơn. Hôm tàu ngư dân bị tàu Trung Quốc tấn công, các ông lo thủ tục, báo cáo vụ việc cho cơ quan chức năng rồi báo cho gia đình họ, tất tả chạy ra cảng ngóng ngư dân trở về... Trông ông Hùng, ông Chinh tất tả cứ như người thân ruột thịt của mình đang lâm nạn.

Ba tháng trước, tàu cá QNg 90479 của thuyền trưởng Võ Văn Lựu bị tàu Trung Quốc tấn công chìm ở Hoàng Sa, năm ngư dân thoát chết sau năm giờ chới với giữa biển. Hung tin từ biển cả khiến ông Hùng chết lặng. Những ngày ấy, đài icom được mở 24/24 giờ để theo dõi, ông Hùng chập chờn giấc ngủ bên chiếc icom rè rè chờ sóng: “Khi nào anh em về tới đất liền an toàn mới ngủ ngon được” - ông nói.

Hôm sau, tàu cá QNg 95011 của thuyền trưởng Huỳnh Khanh báo là sẽ đưa năm ngư dân trở về vào buổi chiều, vậy mà từ sáng sớm đã thấy bóng ông Hùng trước trạm biên phòng Sa Kỳ hướng đôi mắt mờ đục về cửa biển. Ông cứ đứng đó, lặng lẽ không nói gì, lâu lâu lấy điện thoại ra gọi chừng. “Có sóng điện thoại là xem như đã an toàn” - ông đúc kết.

Vì thế ông cứ kiên trì, 15 phút lại gọi. Từ 6g-14g ông cứ thế. Và rồi có tín hiệu, ông gào lạc giọng, cuống quít: “Đến đâu rồi? An toàn hết chớ?...”. Không có tiếng trả lời. Mất sóng. Chỉ cần vậy, ông ngồi thừ ra: “Có sóng là về tới nơi, là biết anh em an toàn rồi...”.

Chiếc tàu đưa năm ngư dân cập cảng. Nhiều người ào ra đón, người thân, biên phòng, cơ quan chức năng... Ông Hùng nép qua một bên, đứng xa xa nhìn những ngư dân trở về, trán ông nhăn tít như bộ quần áo dúm dó ông đang mặc khi thấy các chiến sĩ biên phòng khám vết thương cho những người trở về.

Ông chỉ đứng nhìn các chiến sĩ biên phòng làm việc, không đến gần, không can dự. “Nhiệm vụ của tôi là theo dõi sát tình hình của đoàn viên nghiệp đoàn. Còn khi anh em đã về đến nơi thì đã có cơ quan có thẩm quyền, tôi coi như xong việc. Việc mình xong thì để người khác làm, xớ rớ nó không đúng chỗ...” - ông Hùng giãi bày về vị trí của mình.

Ăn cơm nhà, gánh khơi xa

Cứ như thế, họ gắn đời mình với ngư dân một cách thầm lặng. Góp sức mình vào việc chung mà không một lời nề hà. Trong những ngày Biển Đông dậy sóng, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, ông Chinh và ông Hùng đã kêu gọi ngư dân trong Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, Bình Châu thành lập tổ đội đoàn kết giúp đỡ nhau bám biển giữ vững chủ quyền.

Ông Chinh bảo rằng bản thân từng có 30 năm bờ nam bãi bắc Hoàng Sa. Khi chân mỏi, mắt mờ thì “về hưu” và tình nguyện làm “ông nghiệp đoàn” giúp ngư dân. “Từ năm 2014 đến giờ tình hình ngư dân bị tàu Trung Quốc xua đuổi, tấn công nhiều lắm, anh em khổ mình cũng khổ. Có đợt một ngày mà nghe sáu tàu cá báo bị tàu Trung Quốc tấn công. Ức lắm, chỉ muốn lên tàu ra Hoàng Sa cùng con cháu bám biển” - ông Chinh tâm sự.

Ông Chinh đang coi sóc tính mạng và nồi cơm của 20 tổ đội gắn kết sản xuất, với gần 70 tàu cá và khoảng 800 ngư dân. Ông cũng có một khoản trợ cấp hằng tháng nhưng đồng lặn đồng mọc, lúc ít lúc nhiều, khi có khi không tùy tình hình bà con trên biển. Ông Hùng cũng vậy. Chủ yếu các ông làm việc chung và ăn cơm nhà là chính.

Ba năm qua, cuốn sổ theo dõi của ông Chinh, ông Hùng có đến hàng trăm vụ tàu Trung Quốc đâm va, truy đuổi, cản trở, cướp bóc ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa. Có thể nói trong rất nhiều nghiệp đoàn nghề cá trên cả nước, ông Chinh và ông Hùng là “hai người khổ nhất”. Bởi cái miền đất ông đang sống, vùng biển ngư dân các ông đang đánh bắt có một phần máu thịt của Tổ quốc bị Trung Quốc cưỡng chiếm và hằng ngày vẫn luôn tranh chấp.

Ngư dân cũng thấy hiểu và dành tình cảm cho các ông. Ngư dân Võ Văn Lựu nói: “Chúng tôi khổ, mấy ổng cũng khổ”. Còn thuyền trưởng trẻ Nguyễn Văn Phú tâm tình: “Mấy ổng cũng như ngư dân, chuyến nào chúng tôi trúng thì cùng vui, gặp tai nạn thì mấy ổng lo thủ tục giúp chứ ngư dân chữ nghĩa mấy hột mà làm”.

Những từ thương, quý, tội, nể... mà những ngư dân dành cho các ông nghiệp đoàn có lẽ là động lực lớn để những người ăn cơm nhà gánh khơi xa tiếp tục với công việc thầm lặng của mình.

Thù lao là con cá, ký mực

Ông Phùng Đình Toàn, phó chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi, cho biết năm 2011 nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên ở Việt Nam được thành lập ở Lý Sơn, sau đó nhiều nghiệp đoàn khác ra đời.

“Không những ngư dân mà các cấp chính quyền cũng phải cảm ơn sự cống hiến thầm lặng của những người chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá ở cấp xã. Các anh tận tụy vì ngư dân mà không ta thán một lời. Họ thật cao cả!” - ông Toàn nói.

Làm chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá cấp xã không có lương bổng hay trợ cấp gì. Thù lao của ông Chinh, ông Hùng chỉ là sau mỗi chuyến đi biển, ngư dân tìm đến gửi tặng con cá ngon, ký mực tươi đánh được ở Hoàng Sa, nói là ăn để nhớ biển.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp