Người Belarus biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống - Ảnh: Expert
Theo báo Expert.ru. hỗn loạn chính trị sau cuộc bầu cử tổng thống Belarus ngày 9-8 đến nay vẫn chưa yên, cuộc đấu chính trị giữa các bên bây giờ chuyển sang định hướng chính sách đối ngoại.
Trước bầu cử, Tổng thống Aleksandr Lukashenko chọn luận điểm chống Nga để lấy lòng cử tri, ông tỏ thái độ không hài lòng với Matxcơva và bắn tiếng "sẽ ngả sang phương Tây".
Bầu cử vừa xong, ông Lukashenko lập tức chuyển giọng đổ hết mọi rắc rối cho phương Tây, cáo buộc phe đối lập âm mưu phá hủy liên minh Nga - Belarus. Đáp lại, phe đối lập Belarus tuyên bố không quan tâm đến chính sách đối ngoại và họ chỉ muốn bầu cử lại cho công bằng.
Từ đó có thể thấy kịch bản Belarus ngả sang phương Tây giống Ukraine hồi năm 2014 không cao lắm, dù không thể loại trừ hoàn toàn khả năng này. Dù sao đã có tấm gương hội nhập kinh tế thành công với Liên minh châu Âu (EU) từ nước láng giềng Ba Lan của Belarus.
Thành tựu của Ba Lan cũng kha khá, trước hết họ tạo ra được một môi trường phát triển lành mạnh dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, không để xuất hiện một lớp ông trùm làm ăn nhờ quan hệ thân hữu. Ảnh hưởng tài chính của EU ở Ba Lan hiện vẫn còn lớn, không chỉ là dòng tiền đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân mà còn thêm khoản tài trợ 10 tỉ euro mỗi năm.
Ukraine nối gót Ba Lan đi theo phương Tây, chỉ có điều chậm hơn 1/4 thế kỷ và số lận đận hơn. Kiev thỉnh thoảng được trợ giúp vài chục hoặc vài trăm tỉ euro nhưng nước này không được tự do tiếp cận thị trường EU, hàng miễn thuế của Ukraine vào EU bị áp hạn ngạch rất căng.
GDP bình quân đầu người của Ukraine đạt 4.000 USD/người trước cách mạng Maidan, sau đó sụt mất phân nửa và chỉ mới trở lại mức cũ (bằng năm 2013) gần đây.
Trong tương lai gần và xa, Belarus khó lòng trở thành Ba Lan, nếu cố gắng giỏi lắm cũng chỉ lặp lại số phận của Bulgaria hoặc Romania, hoặc tệ hơn là Ukraine.
Kinh tế Belarus, dù nhìn vào những con số thống kê tốt nhất trên giấy, vẫn "buồn" hơn Ukraine. Nếu như Ukraine vẫn phát triển được mà không có các khoản đầu tư và tài trợ như hứa hẹn từ phương Tây, kinh tế Belarus lại trì trệ dù Nga đổ vào đây không ít tiền. GDP của Belarus chỉ tăng 1,2% trong năm 2019 (đạt khoảng 63 tỉ USD), thấp hơn mức 4% do chính phủ Tổng thống Lukashenko đặt ra.
Công nhân nhà máy Belaruskalyi đình công phản đối kết quả bầu cử tổng thống - Ảnh: Expert
Hệ thống kinh tế hiện tại của Belarus không thể xem là ổn định và vững vàng. Nếu mất đi dòng tiền của Nga, phần lớn doanh nghiệp nước này có nguy cơ phá sản hàng loạt. Doanh nghiệp nhà nước Belarus chiếm đến 70% GDP, và mặc dù tỉ lệ thất nghiệp thấp (0,4%), các lĩnh vực còn lại đều không sinh lợi cao.
Bất chấp việc Tổng thống Lukashenko từ chối phong tỏa đất nước chống dịch COVID-19 (để tránh kinh tế bị đình đốn), Belarus vẫn lâm vào khủng hoảng khi giờ đây hàng hóa không thể xuất khẩu được, trong khi lĩnh vực này chiếm đến 64% GDP.
Thống kê nửa đầu năm 2020, GDP của Belarus giảm 1,7%, nhưng thu nhập thực tế của dân số tăng đến 5,4%. Đây là một xu hướng kinh tế bất thường và nguy hiểm xuất phát từ việc chính quyền muốn lấy lòng cử tri trước bầu cử. Tăng trưởng thu nhập vượt quá tăng trưởng kinh tế đã kéo dài trong vài năm gần đây ở Belarus.
Từ thực tế đó, nếu kinh tế Belarus chuyển hướng đột ngột sang phương Tây cũng khó mà thành. Chỉ cần Nga ngừng cung cấp tiền, kinh tế Belarus sẽ đổ sụp. Đó là chưa kể trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu do COVID-19 gây ra, không dễ tìm nhà đầu tư khác lấp vào chỗ trống của Nga.
Ukraine có lẽ là tấm gương cho Belarus tốt hơn Ba Lan, chỉ cần nhìn vào cách họ được EU đối đãi. Bên cạnh đó, nếu Minsk vẫn muốn thử "xoay trục", cái giá khác họ phải chấp nhận là 2-3 triệu người (trên 9,4 triệu dân) phải bỏ xứ ra nước ngoài tìm việc làm như dân Ukraine hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận