19/04/2023 09:29 GMT+7

Beef: Vị chua cay của người Á nhập cư

Trong Beef (tên Việt: Bất hòa), các nhà làm phim đã biến sự tình cờ trở thành một "vụ nổ big bang" để từ đó lộ ra những "hố đen" của mỗi cá nhân trong đời sống hiện đại.

Danny Cho (Steven Yeun) và Amy Lau (Ali Wong) trong phim Beef - Ảnh: A24

Danny Cho (Steven Yeun) và Amy Lau (Ali Wong) trong phim Beef - Ảnh: A24

Giữa hàng tỉ người trên thế giới, xác suất để hai con người xa lạ "va chạm" đời nhau là bao nhiêu?

Amy Lau (Ali Wong đóng) và Danny Cho (Steven Yeun đóng) sống hai cuộc đời trái ngược nhau. Một người thuộc giới thượng lưu, nghệ sĩ sống trong ngôi nhà sang trọng với gia đình kiểu mẫu và đang trên đà thành công. Một người vừa mất đi sản nghiệp, sống trong một căn hộ bình dân, công việc bấp bênh còn tương lai thì vô định.

Định mệnh đã xô hai thế giới đó lại với nhau sau một lần xe hai người suýt đụng nhau, kéo theo một cuộc rượt đuổi căng thẳng và đỉnh điểm là cuộc sống thường nhật của cả hai đảo lộn và tan nát.

BEEF | Official Trailer | Netflix

Trống rỗng nhưng vững chãi

Hài hước và đen tối là hai từ mà báo chí thường dành cho loạt phim Beef. Sự hài hước thì dễ thấy, nó đến ngay khi Ali Wong xuất hiện trên màn hình.

Cô dường như vẫn thế, bê nguyên con người mình từ các phim trước đây, cũng như trên các chương trình hài độc thoại vào Beef.

Sự hài hước đến từ các tình huống nghịch dị, cách đối đáp của các nhân vật, lẫn trò mèo vờn chuột kiểu "Tom và Jerry". Sự hài hước không phải để làm nhẹ bẫng đi cái bi kịch của đời sống mà làm cái dư vị chua cay của nó thêm đậm đà.

Nhân nói về vị chua cay, với riêng khán giả Việt Nam, chắc sẽ thấy phần nào thú vị khi nghệ sĩ Hồng Đào (vai mẹ Amy) cùng món canh chua Việt Nam xuất hiện trong một phân cảnh ngắn của phim.

Diễn viên Hồng Đào trong phim Beef - Ảnh: A24

Diễn viên Hồng Đào trong phim Beef - Ảnh: A24

Có thể nói Hồng Đào đã "dượt" vai diễn này từ rất lâu trước khi Beef hình thành. Đó là hàng bao nhiêu đêm, qua bao nhiêu tiểu phẩm mà cô cùng Quang Minh trình diễn trên sân khấu.

Những gia đình ly hương, cách biệt văn hóa, xung đột thế hệ, nỗi niềm nhớ thương những món ăn Việt như sầu riêng, như bún mắm của những người con xa xứ... lần nữa trở về trong một đoạn rất ngắn của phim Beef.

Cái món canh có vị chua cay mặn ngọt, không đủ lửa thì cá chẳng chín mà nấu lâu thì dễ bị nhừ ấy ứng vào thế lưỡng nan của các nhân vật trong phim, dù có hay không có chủ đích, xem mới thấy hợp làm sao.

Bởi toàn bộ bi kịch của phim diễn ra khi cả hai "ngôi sao quả tạ" này trượt khỏi quỹ đạo của mình, ra khỏi trạng thái cân bằng của đời sống để rồi vượt khỏi tầm kiểm soát. Ẩn sau một cuộc đời bình thường (và tầm thường chăng nữa) là có gì đó lệch lạc bên trong tâm hồn của các nhân vật.

Và họ cố nắm bắt, miêu tả, tìm kiếm điều đó nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu. Giống như lời tâm sự của Amy và Danny cuối phim, có gì đó bên trong họ "trống rỗng nhưng vững chãi".

Một cảnh của Beef

Một cảnh của Beef

Mơ hồ đời người

Danny có hoàn cảnh khó khăn hơn. Nhưng còn Amy, chẳng phải đời sống của cô đã đủ đầy sao?

Từ một người nhập cư, cô đã hòa mình vào xã hội, đã thành công, đã chứng tỏ được năng lực của mình nhưng mọi thứ đó giống như ngôi nhà dựng bằng các thẻ bài mà Danny là con quạ vô tình bay qua (hình tượng con quạ xuất hiện trở đi trở lại trong phim), gió từ đôi cánh của nó khẽ lung lay một quân bài và thế là mọi thứ đổ sập.

Bởi vì sau khi xem hết phim, khán giả có thể lần hồi nhớ về tập đầu tiên và tự hỏi, nếu họ lướt đi thay vì chửi bới nhau, cả hai có bị hủy hoại đến thế?

Một cảnh của Beef

Một cảnh của Beef

Cơn bão có thể hình thành từ cái đập cánh của một con bướm. Suy cho cùng, chúng ta sống trong đời này ràng rịt với nhau bằng những mối dây nhân quả mà ta chẳng tài nào đoán định được.

Vì vậy, bắt đầu xem Beef giống như bước lên trò tàu lượn, nơi mọi thứ lao đi đến nghẹt thở, nơi bất ngờ này tiếp bất ngờ khác và đỉnh điểm là một kết thúc mở neo khán giả lại trong một chờ đợi mơ hồ.

Trên cái nền của chủ đề nhập cư, phân hóa giàu nghèo, xã hội đương đại bất an, đạo diễn và nhà sáng tạo của loạt phim, Lee Sung Jin dường như cố khắc họa cái trạng thái mơ hồ ngự trị lên đời mỗi con người.

Một cảnh của Beef

Một cảnh của Beef

Một câu hỏi siêu hình, cái gì khiến ta không hạnh phúc, cái gì khiến ta trượt dài, cái gì đe dọa ta cả trong trạng thái an toàn nhất. Nó giống như những tác phẩm nghệ thuật không bán được mà chồng của Amy cố công làm ra: nặng nề, không rõ hình thù và không rõ nghĩa.

10 tập phim, mỗi tập được đặt tên khác nhau và tập cuối cùng có tên cũng mơ hồ:

"Dáng hình của ánh sáng". Toàn bộ những bi kịch con người ấy, sau cùng, có lẽ chỉ vón lại thành thứ gì đó càng khó miêu tả hơn, hay chỉ đơn giản chỉ một bản tin tối trên chương trình thời sự.

Ở đó, người ngoài chỉ nghe ra tiếng chim hót, nhưng người trong cuộc biết đó là tiếng kêu "đoạn trường" như tên tập đầu tiên của phim: "Chim không hót, chúng rít lên trong đau đớn".

Một cảnh của Beef

Một cảnh của Beef

Beef gây sốt toàn cầu, nhận nhiều lời khen từ khán giả và giới chuyên gia, thậm chí được gọi là "bộ phim truyền hình hay nhất năm nay". Tại Việt Nam, phim liên tục nằm ở vị trí top 5 Netflix Việt Nam kể từ ngày ra mắt 6-4.

Dù xuất hiện chỉ 5 phút nhưng diễn viên Hồng Đào khiến khán giả Việt tự hào. Bên cạnh chị, nữ chính Ali Wong cũng là một diễn viên gốc Việt thành tài trên đất Mỹ.

UYÊN PHƯƠNG

Beef sốt toàn cầu, không chỉ có Hồng Đào và tô canh chua ViệtBeef sốt toàn cầu, không chỉ có Hồng Đào và tô canh chua Việt

Bộ phim hài - chính kịch Beef tái hiện gần như hoàn hảo một "giấc mơ Mỹ" đầy hỗn loạn qua lăng kính của những người Mỹ gốc Á tại xứ sở cờ hoa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp