Bể trăng côi được Huỳnh Trọng Khang viết trong kỳ đại dịch. Khi được hỏi lý do cho ra đời tác phẩm, anh nói: "Tôi viết sách về COVID để vượt qua nỗi sợ COVID".
Những triết lý Phật giáo
Bể trăng côi gồm hai mạch truyện được kể song song, là chuyện một chú tiểu rời khỏi thảo am để đến Sa Mạo sơn nhưng bị kẹt giữa thành phố đang cao điểm dịch. Bên còn lại là hành trình đi thỉnh kinh ở Tây Trúc của vị sư Huyền Trang.
Hai nhân vật xưa và nay đan xen, tuy khác nhau về thời gian, không gian nhưng lại có những nét tương đồng, chứa đựng ý nghĩa nhân sinh.
Theo tác giả, chú tiểu và sư Huyền Trang kết nối với nhau thể hiện triết lý về luân hồi của đạo Phật.
"Với Phật giáo, mọi thứ luôn trở lại. Trận đại dịch vừa qua có thể lớn, nhưng trong quá khứ, nhân loại đã từng phải chịu những đại dịch lớn hơn, trong đó có đại dịch càn quét hơn nửa dân số châu Âu.
Đó là một phần của đời sống.
Vì vậy, con người không nên coi đó như tận thế. Bởi sự tận thế đáng sợ nhất không phải là môi trường vật chất, mà nằm ở lòng người. Mà chúng ta cũng đừng tin vào sự tận thế ở lòng người vì ai cũng còn một mầm sống, hy vọng trong trái tim", tác giả Huỳnh Trọng Khang chia sẻ.
Là người dẫn dắt buổi ra mắt, nhà văn Phương Huyền cảm thấy tâm đắc nhất với cách viết nhẹ nhàng về sự khốc liệt của đại dịch trong tác phẩm Bể trăng côi.
“Trong tiếng ồn ào của xe cứu thương và sự im lặng của con người thời dịch bệnh, Khang chọn cách viết đi qua những khó khăn và nỗi đau.
Kể cả việc bà nội mất, ông Thanh, người mẹ, dì Út, cách mà Khang kể trong sách khiến tôi cảm thấy những mất mát kia đau đớn một cách nhẹ nhàng.
Khang truyền tải một câu chuyện về đại dịch, câu chuyện về mất mát, tuy đau nhưng để cho mọi người có thể buông xuống và tiếp tục sống”, Phương Huyền nói.
Đồng tình với quan điểm trên, nhà văn - nhà giáo Nhật Chiêu nhận định cái hay của Huỳnh Trọng Khang nằm ở chỗ không lấy cái nghiêm trọng để viết về cái nghiêm trọng. Trong cách viết của tác giả trẻ còn có sự trào phúng và khôi hài.
“Qua hai trận đại dịch, gia đình nào cũng có những khó khăn, đến giờ kể lại rất buồn nhưng mà Khang đã không chọn cách kể bi thương, bi lụy. Khang đem cái khôi hài để làm nhẹ không khí u ám dịch bệnh”, nhà văn Nhật Chiêu bày tỏ.
Huỳnh Trọng Khang sinh năm 1994 tại Châu Đốc, An Giang.
Anh là tác giả của một số tiểu thuyết và truyện ngắn nhận được nhiều tiếng vang như Mộ phần tuổi trẻ (2016), Những vọng âm nằm ngủ (2018)...
Đặc biệt, tiểu thuyết Mộ phần tuổi trẻ - tác phẩm anh viết khi đang là sinh viên - được trao giải thưởng Sách Hay năm 2017.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận