Phóng to |
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang chậm lại do khủng hoảng tài chính, ngày càng nhiều doanh nghiệp không thể trả nổi những khoản nợ có lãi suất cắt cổ. Tại thành phố Ôn Châu, “thủ đô” của doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều ông chủ nhỏ đã chọn cách “tẩu vi thượng sách” để tránh nguy cơ bị thanh toán, một số khác tự kết liễu cuộc đời.
630 tỉ USD/năm
Nhà máy sản xuất giày Chính Đắc Lợi đóng cửa im ỉm từ những ngày qua sau khi ông chủ Thẩm Khuê Chính nhảy khỏi căn hộ trên tầng 22 của một tòa nhà ở Ôn Châu. “Ông ấy mở rộng doanh nghiệp và đã vay tiền nặng lãi” - một người bạn của ông Thẩm cho biết. Nợ chồng nợ, nên chủ nợ của họ Thẩm lên đến hàng ngàn người với tiền lãi vào khoảng 15.000 USD/tháng. Không thể trả được tiền trong khi lại bị những kẻ cho vay dồn vào chân tường, ông tìm đến cái chết.
Tại Công ty Aomi, 300 nhân viên trở về sau chuyến du lịch xa miễn phí đã vô cùng sững sờ trước cảnh toàn bộ công ty bị dọn sạch. “Cứ như trong thời chiến vậy” - một công nhân mô tả. Ông chủ của họ đã tranh thủ kỳ nghỉ để cao chạy xa bay, để lại món nợ hàng triệu USD. Hơn ai hết, các chủ doanh nghiệp này hiểu rõ sự trừng phạt theo kiểu mafia mà họ có thể phải chịu, thường là bị bắt cóc hoặc bị đánh bể xương bánh chè nếu không trả được tiền. “Luôn luôn có những kẻ chạy trốn để quỵt nợ - quản lý Vương Duyệt Tài của Cơ quan bảo lãnh và đầu tư Yingfeng cho biết - Nhưng tình hình hiện tại đang ngày một tệ hơn”.
Không riêng gì Ôn Châu, các quỹ tín dụng đen cũng phổ biến ở nhiều tỉnh thành của Trung Quốc như Quảng Đông hay khu vực Nội Mông. Với quy mô gần 2.400 tỉ USD như ước tính của chuyên gia kinh tế Diêu Vệ thuộc Ngân hàng Société Générale, mảng tài chính ngầm của Trung Quốc chiếm gần 1/3 toàn bộ các khoản vay của nước này. Ngoài ra, nó cung cấp các khoản vay phi pháp lên đến 630 tỉ USD/năm, tương đương 10% GDP, theo Ngân hàng đầu tư UBS.
Tín dụng đen ngoài tầm kiểm soát
Có thể nói thị trường tài chính ngầm đóng một vai trò không nhỏ đối với các công ty tư nhân, nhưng không thể lường trước được những nguy cơ tiềm ẩn. Một trong những vấn đề khiến thị trường tài chính ngầm trở nên khó kiểm soát chính là nguồn vốn. Ông Gary Lưu thuộc Trường Kinh doanh quốc tế Trung Quốc - châu Âu tại Thượng Hải cho biết một phần vốn của quỹ tín dụng đen đến từ các ngân hàng nhà nước. “Chẳng hạn, bạn là một nhân viên ngân hàng và giúp bạn mình thế chấp nhà để vay tiền. Số tiền này sau đó được cho các con nợ bên ngoài vay lại” và cứ thế số tiền được chuyển tiếp trong thị trường ngầm - ông Lưu giải thích. Phức tạp hơn khi phần còn lại của số vốn đến từ chính các khoản tiền tiết kiệm của người dân. Với lãi suất tiết kiệm chỉ bằng một nửa so với tỉ lệ lạm phát hiện ở mức 6%, nhiều người sẵn sàng góp vốn cho những tổ chức cho vay nặng lãi để hưởng lời. Một khảo sát ở Ôn Châu cho thấy 90% gia đình tham gia hệ thống tài chính ngầm.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong chuyến thăm Ôn Châu đã cam kết sẽ triệt tiêu thị trường tín dụng đen. Tiếp đó, Bắc Kinh công bố hàng loạt biện pháp như miễn thuế, cho phép tiếp cận các khoản vay để giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ. Nhưng vấn đề lại xuất phát từ chính các chính sách tài chính của Trung Quốc.
Trung Quốc có hơn 10 triệu công ty tư nhân vừa và nhỏ, chiếm đến 99% các doanh nghiệp và tạo ra 60% GDP, đóng 50% thuế cho chính phủ và tạo ra 80% cơ hội việc làm cho người dân, theo thống kê của Cơ quan doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Bộ Công nghệ thông tin và công nghiệp Trung Quốc. Dù vậy, lo ngại về lạm phát đã khiến Bắc Kinh gần đây siết chặt các khoản vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi các công ty lớn hay công ty nhà nước dễ dàng vay được tiền. Các doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác hơn là bấm bụng tìm đến những kẻ cho vay nặng lãi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận