Bức tranh sơn dầu gốc của họa sĩ Nguyễn Đông (phải) và bức tranh lụa được Chọn giới thiệu là tranh của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương vẽ năm 1995 và mang ra đấu giá ngày 29-7 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Điều đáng nói là dù rất bức xúc, con gái của cố họa sĩ Giáng Hương chỉ biết thở dài: "Hoàn toàn có thể truy ra ai đã giả chữ ký của mẹ tôi để trục lợi, nhưng truy xong thì làm gì? Xử họ như thế nào?
Hành lang pháp lý, Luật bản quyền, độ thực thi của luật như hiện nay thì dẫu có nói ra cũng chỉ ồn ào vài hôm rồi lại chìm đi thôi".
Ngày 29-7, nhà đấu giá Chọn đem bức tranh thuộc sở hữu của nhà sưu tầm Phạm Việt Phương bổ sung vào danh sách tác phẩm đấu giá trong phiên đấu số 15, với mức giá khởi điểm 70 triệu đồng (3.000 USD).
Tuy nhiên, bức tranh đã không được giao dịch và được trả lại cho nhà sưu tầm Phạm Việt Phương sau phiên đấu.
Tiếp đó, ngày 3-9, họa sĩ Nguyễn Văn Đông (tài khoản Facebook Nguyễn Đông) đã đăng tải lên Facebook cá nhân nội dung khẳng định bức tranh lụa được đấu giá không phải tranh của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương, mà là một bức tranh chép lại từ tác phẩm của anh với các chứng cứ rất rõ ràng.
Ngay khi biết vụ việc, họa sĩ Trần Khánh Chương - chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - lên tiếng rằng đây là cơ hội để đưa vụ làm đầu tiên ra trước pháp luật.
Theo ông, đây là vụ việc dễ dàng nhất từ trước tới nay để truy ra ai đã làm giả bức tranh này, trong khi đó các vụ việc khác hầu như đều mập mờ, nhiều uẩn khúc bên trong.
Chủ tịch HĐQT của Chọn cũng đã đăng trên trang Facebook cá nhân cáo lỗi tới các họa sĩ, nhà sưu tầm, công chúng yêu nghệ thuật về sự cố này và cam kết sẽ tăng cường, củng cố hơn nữa về quy trình, đội ngũ chuyên gia trong công tác thẩm định tranh.
Dù vậy, buổi "đối chất" giữa Chọn, họa sĩ Nguyễn Đông - chủ nhân của bức tranh gốc và nhà sưu tầm Phạm Việt Phương lại hầu như trở thành một cuộc tranh luận căng thẳng và cả hài hước từ phía đại diện của Chọn.
Trong khi gia đình họa sĩ Giáng Hương khẳng định đó không phải tranh của mẹ mình và động viên họa sĩ Nguyễn Đông "đi tới cùng", nhà sưu tầm đưa ra những lý do quanh co để không tiết lộ người đã bán bức tranh cho mình.
Còn Chọn nói "không khẳng định 100%" bức tranh mình từng đấu giá là tranh giả chữ ký của họa sĩ Giáng Hương.
Giống như những lần nghi vấn bán tranh giả trước đây, khi được hỏi về hội đồng thẩm định của Chọn, đại diện nhà đấu giá này đều nhất định không tiết lộ danh tính. Một họa sĩ còn đặt nghi vấn "Chọn không có hội đồng thẩm định?".
Vụ việc này cho thấy dường như các công ty đấu giá tranh chưa coi trọng đúng mức vai trò quan trọng của hội đồng thẩm định nghệ thuật, công tác thẩm định.
Trong khi đó, việc để những bức tranh giả không được thẩm định kỹ lưỡng lọt qua những phiên đấu giá không chỉ cá nhân người mua nhầm chịu thiệt, mà sẽ ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường đấu giá nghệ thuật còn rất non trẻ với "sức đề kháng" yếu, dễ đánh mất lòng tin của những nhà sưu tập và các nhà đầu tư nghệ thuật.
Họa sĩ cho rằng điều này là "vô cùng tai hại". Nếu không ngăn chặn kịp thời thì thị trường này sẽ vì thế mà chết yểu.
Còn với công chúng, có lẽ đã quá ngán ngẩm khi thi thoảng lại nghe thêm một "ví dụ" về nạn tranh giả.
Phải coi trọng việc thẩm định tác phẩm nghệ thuật
Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng việc thẩm định các tác phẩm nghệ thuật là một nghề cần thiết và bắt buộc phải coi trọng đúng mức, để thị trường nghệ thuật phát triển đúng hướng.
Ông cũng cho biết khoảng 10 năm trước, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật nhưng chỉ tồn tại được hơn 1 năm, "không có đầu vào".
Trong khi vấn nạn tranh giả hầu như "giết" thị trường mỹ thuật Việt lúc bấy giờ (và tới tận ngày nay), không ai mang tranh đến để thuê trung tâm này giám định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận