11/07/2024 08:14 GMT+7

Bế tắc dự án điện mặt trời bị thanh tra: Không thể kéo dài sự lãng phí

Các dự án điện mặt trời và điện gió không có sai phạm, đã khắc phục vi phạm nếu đáp ứng các quy định pháp luật, tiêu chí an toàn hệ thống, hiệu quả kinh tế - xã hội sẽ có cơ hội được tháo gỡ và đưa vào kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8.

Nhiều dự án điện tái tạo bị đình trệ, bế tắc sau khi kết luận thanh tra được ban hành đang chờ hướng tháo gỡ  - Ảnh: M.QUÂN

Nhiều dự án điện tái tạo bị đình trệ, bế tắc sau khi kết luận thanh tra được ban hành đang chờ hướng tháo gỡ - Ảnh: M.QUÂN

Chỉ đạo trên của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc bổ sung, cập nhật kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) diễn ra vào ngày 9-7 đã nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư năng lượng tái tạo.

Lý do: từ khi kết luận về việc thực hiện Quy hoạch điện 7 và điều chỉnh sau đó được Thanh tra Chính phủ ban hành vào năm ngoái, nhiều dự án điện đã lâm vào bế tắc do không có đủ cơ sở pháp lý.

Khắc phục vi phạm xong vẫn bế tắc?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện cho cộng đồng đầu tư điện gió và mặt trời tại Bình Thuận cho hay nếu các dự án năng lượng tái tạo được rà soát tháo gỡ theo đúng định hướng chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà thì đây là tin vui cho các doanh nghiệp năng lượng tái tạo để các dự án đi vào vận hành thay vì chịu cảnh bị "treo" do những nội dung được nêu trong kết luận thanh tra chưa rõ hướng xử lý.

Vị này dẫn chứng tại Bình Thuận có khá nhiều dự án thi công chồng lấn với quy hoạch khoáng sản quặng titan nên được kết luận là vi phạm do xây dựng trên đất mặt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Tuy nhiên, từ tháng 9-2023, Thủ tướng đã ban hành quyết định quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn 2020, có xét đến năm 2023, chia rõ vùng dự trữ titan Bình Thuận thành các khu vực với thời gian thành ba loại là 30 năm, 50 năm, 70 năm.

Các mốc thời gian này vượt xa vòng đời dự án năng lượng tái tạo là khoảng 20 năm.

Vì thế, khi hay tin có chỉ đạo mới từ phó thủ tướng, cộng đồng đầu tư hy vọng đây sẽ là cơ sở để các tỉnh, bộ ngành và trung ương xem xét tháo gỡ cho doanh nghiệp chứ dự án cứ "treo" mãi thì doanh nghiệp không chịu nổi.

Quan trọng nhất là thông tin tích cực này sẽ được các tỉnh và bộ ngành liên quan thực thi thế nào khi thời gian qua có tình trạng sợ trách nhiệm, không rõ phương án xử lý ra sao nên mọi việc giậm chân tại chỗ khiến doanh nghiệp rất nản.

"Các dự án đã được Bộ Công Thương hoặc tỉnh chấp thuận về đầu tư, cho phép xây dựng nhưng sau đó Thanh tra Chính phủ kết luận doanh nghiệp vi phạm do đầu tư trên đất khoáng sản.

Thực sự khi đầu tư chúng tôi không thể biết titan nằm ở đâu, cơ quan chức năng chấp thuận cho làm nên đã đổ cả nghìn tỉ vào rồi. Với kết luận như vậy, doanh nghiệp không thể làm được gì, lãnh đạo bị cấm xuất cảnh, hoặc có dự án còn không được thanh toán tiền điện.

Vì vậy chúng tôi mong chờ tháo gỡ cả năm nay, khi kiến nghị lên tỉnh thì tỉnh trả lời đang xin ý kiến các bộ nhưng cũng không biết các bộ trả lời thế nào" - vị này bộc bạch.

Dự án điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận đã khắc phục các vấn đề thanh tra, doanh nghiệp mong muốn được thanh toán tiền điện - Ảnh: NGỌC HIỂN

Dự án điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận đã khắc phục các vấn đề thanh tra, doanh nghiệp mong muốn được thanh toán tiền điện - Ảnh: NGỌC HIỂN

Nhiều hệ lụy từ việc kéo dài dự án

Điều đáng nói là sau kết luận thanh tra, mặc dù doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục vi phạm và trình các cấp có thẩm quyền xin ý kiến tháo gỡ, nhưng đến nay vẫn chưa rõ phương án xử lý.

Đại diện một doanh nghiệp cho hay dự án của họ được đầu tư và hoàn thành năm 2020. Năm 2021, dịch bệnh diễn ra căng thẳng khiến cho công tác nghiệm thu gặp khó khăn.

Sau quá trình nghiệm thu, cơ quan chức năng đã chỉ ra các sai phạm, ra quyết định xử phạt hành chính và doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ pháp lý, hoàn thiện hồ sơ theo đúng yêu cầu.

Tuy nhiên, có vướng mắc lớn nhất đó là địa phương giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhưng diện tích đất sử dụng chưa được chuyển đổi, song dù đã xin ý kiến nhiều bên liên quan suốt mấy năm nay nhưng vẫn chưa tháo gỡ được nút thắt này.

Vị này nói ngay từ khi chấp thuận dự án, doanh nghiệp đã triển khai việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng xin từ tỉnh đến khi lên trung ương thì lại giao cho các bộ liên quan để có ý kiến.

Quay trở lại thì tỉnh cũng không thực hiện được và cứ mỗi năm một vòng xin ý kiến qua các cấp như vậy nhưng vẫn không rõ hướng xử lý. Đến năm 2023 khi kết luận của Thanh tra Chính phủ ban hành, việc triển khai tháo gỡ càng lúng túng vướng mắc hơn, mặc dù doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ nhiều lần nhưng vẫn không được.

"Kết luận thanh tra chỉ ra sai phạm, nhưng đi kèm đó cần phải có hướng xử lý sai phạm, chứ còn hiện nay thì cả Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan đều lúng túng xử lý, trong khi doanh nghiệp cũng đã nỗ lực hết sức và không né tránh để hoàn thành nghĩa vụ pháp lý" - vị đại diện chia sẻ.

Đến nay, dự án này đã bị treo lại tiền điện tới hơn 300 tỉ đồng, làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng duy trì dự án. Không có nguồn thu, doanh nghiệp không thể hoàn thành nghĩa vụ thuế và trả nợ, thậm chí là phá sản.

Chưa kể khi nguồn tài chính bị hao hụt thì doanh nghiệp cũng không thể chăm lo được đời sống cho người lao động, chất lượng vận hành dự án sẽ kém hiệu quả, từ đó ảnh hưởng đến an ninh an toàn hệ thống điện.

Trong khi đó, một doanh nghiệp có dự án đang triển khai ở bước thủ tục đầu tư cũng cho hay đã bỏ chi phí hàng chục tỉ đồng để thực hiện các bước nghiên cứu tiền khả thi, tìm kiếm nhà thầu, hoàn thiện hồ sơ nhưng khi đến khâu thẩm định thì bị dừng do kết luận thanh tra nêu: các dự án không có căn cứ bổ sung quy hoạch.

Do đó, từ năm 2022 đến nay, dự án gần như "giậm chân tại chỗ" khiến cho chủ đầu tư vừa sốt ruột chờ đợi vừa hao tiền tốn của và mất phương hướng đầu tư khi không biết lúc nào chính sách được tháo gỡ một cách rõ ràng.

Chưa kể dự án không thể đầu tư để đưa vào vận hành theo kế hoạch là năm 2023 - 2024 cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Vì vậy, lãnh đạo doanh nghiệp này mong muốn từ tinh thần chỉ đạo của phó thủ tướng tại cuộc họp ngày 9-7, các bên liên quan sẽ triển khai việc rà soát, phân loại dự án để có hướng tháo gỡ cụ thể. Trong đó, dự án nào không có vi phạm, đã khắc phục vi phạm thì cần được cho phép triển khai tiếp, tránh tình trạng dự án "treo" và không triển khai được.

Cần giải pháp cụ thể

Đại diện một doanh nghiệp cho hay họ rất băn khoăn khi Bộ Công Thương thì cho biết đã rà soát, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để tháo gỡ.

Tuy vậy, cơ quan thanh tra lại khẳng định các dự án điện mặt trời đã có kết luận thanh tra thì không còn thuộc diện đang thanh tra, điều tra nên bộ chủ động rà soát, đáp ứng tiêu chí thì đưa vào kế hoạch triển khai.

"Tôi cho rằng cần phải đưa ra giải pháp cụ thể, phối hợp giữa các bên liên quan, làm căn cứ để triển khai vì hiện nay vướng mắc rất nhiều" - doanh nhân này kiến nghị.

Dự án cả trăm MW cũng mắc kẹt

Một chủ đầu tư điện mặt trời tại miền Trung cho biết một số dự án có quy mô lên tới cả trăm MW cũng đang bị "mắc kẹt" khi Thanh tra Chính phủ kết luận là 154 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch không có căn cứ pháp lý.

Theo đó, dự án được xác định là chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nghiệm thu theo quy định của Luật Xây dựng.

Vì thế từ tháng 8-2023 đến nay, dự án bị ngưng thanh toán tiền điện mặc dù vẫn được huy động lên lưới, khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ sụp đổ tài chính.

Đã hoàn thiện thủ tục thì nên huy động

Bộ Công thương đang nghiên cứu phương án phù hợp để có hướng tháo gỡ cũng như đề xuất giải pháp xử lý với các dự án năng lượng tái tạo được nêu trong kết luận thanh tra  - Ảnh: T.T.D.

Bộ Công thương đang nghiên cứu phương án phù hợp để có hướng tháo gỡ cũng như đề xuất giải pháp xử lý với các dự án năng lượng tái tạo được nêu trong kết luận thanh tra - Ảnh: T.T.D.

Việc triển khai thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về Quy hoạch điện 7 và điều chỉnh sau đó đang gặp nhiều vướng mắc và khó triển khai do bất cập trong các quy định pháp luật - một đại diện Bộ Công Thương đã trả lời Tuổi Trẻ như vậy khi được hỏi về việc triển khai thi hành kết luận của Thanh tra Chính phủ và những vướng mắc.

Theo vị này, hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp để có hướng tháo gỡ cụ thể, song bộ sẽ chờ ban hành kết luận cuộc họp do phó thủ tướng chủ trì để có định hướng cụ thể, căn cứ pháp lý và đề xuất giải pháp.

Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho hay, kể từ sau khi Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận 1027 ngày 28-4-2023, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu đơn vị này rà soát, cung cấp số liệu và thông tin, triển khai thực hiện cũng như đề xuất giải pháp xử lý với các dự án năng lượng tái tạo được nêu trong kết luận thanh tra.

Báo cáo nội dung này, EVN cho hay đã chỉ đạo Công ty Mua bán điện (EPTC) họp và có văn bản nhắc nhở, đề nghị các chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo phải cung cấp các văn bản kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hiện nay đa số các chủ đầu tư đã có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình.

Đối với các nhà máy điện gió, điện mặt trời chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, EPTC hiện nay đang tạm thời dừng thanh toán tiền mua điện.

Đối với việc rà soát hiện trạng các dự án điện mặt trời, điện gió nối lưới trên toàn quốc đã được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) theo giá FIT, EVN đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát đầy đủ hiện trạng, có báo cáo gửi Bộ Công Thương và đề nghị cho ý kiến chỉ đạo.

Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp năng lượng bày tỏ sốt ruột khi đến lúc này chưa có hướng giải quyết cụ thể.

Doanh nghiệp này đã triển khai hàng ngàn MW điện mặt trời cho biết trong giai đoạn 2019-2020, do các yêu cầu thi công cấp bách để được hưởng cơ chế mua bán điện ưu đãi trong 20 năm (giá FIT). Trong thời điểm đó, doanh nghiệp vừa thi công vừa hoàn thiện các thủ tục hành chính để đảm bảo tiến độ.

Do đó, khi có kết luận thanh tra, doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục những tồn tại. Đến nay, doanh nghiệp rất mong muốn tháo gỡ những khó khăn do quyết định thanh tra.

"Khi hoàn thành khắc phục và giải trình kết luận, chúng tôi chỉ mong mỏi cần tháo gỡ dòng tiền, thanh toán tiền điện để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, có nguồn lực tiếp tục đầu tư phát triển trong lĩnh vực năng lượng nhằm đóng góp vào thành công của Quy hoạch điện 8 và cam kết chuyển đổi năng lượng của quốc gia theo nghị quyết của Đảng và chiến lược của Chính phủ", vị này nói.

Theo chuyên gia năng lượng Nguyễn Hoàng Dũng, nhiều dự án đã chạy đua tiến độ để được vận hành thương mại đúng thời điểm, được bán điện với giá ưu đãi nên đã có một giai đoạn điện mặt trời phát triển nóng. Đến 2023, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra và kết luận nhiều dự án có vi phạm.

Các chủ đầu tư đã bỏ ra nguồn lực lớn, lên đến hàng ngàn tỉ đồng để thực hiện các dự án, do đó cần hỗ trợ, gỡ khó cho doanh nghiệp theo hướng đã hoàn thiện các thủ tục về mặt hành chính, pháp lý thì cần huy động.

Cụ thể, ông Dũng cho rằng với những vi phạm mang tính hành chính, nếu doanh nghiệp đã khắc phục, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan cần rà soát bổ sung quy hoạch, cho phép các dự án được bán điện, có dòng tiền cho dự án, đảm bảo các phương án tài chính mà doanh nghiệp đã đặt ra.

Về mặt kỹ thuật, với những dự án khi huy động có tác động đến lưới như quá tải lưới điện, tạm thời vẫn chưa huy động bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến an toàn về mặt điều độ hệ thống điện. Khi nào nâng cấp các trạm, đường dây truyền tải đủ để truyền tải mới huy động trở lại các dự án này.

Nghiên cứu cơ chế điện mặt trời mái nhà dư được bán lên lưới điện quốc giaNghiên cứu cơ chế điện mặt trời mái nhà dư được bán lên lưới điện quốc gia

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp