Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em ở các nước đang phát triển.
Rubella là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Rubella gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp với các triệu chứng sốt, phát ban, sưng hạch bạch huyết... Nếu người mẹ nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra sẩy thai, thai chết lưu, hội chứng Rubella bẩm sinh và nhiễm Rubella bẩm sinh ở trẻ sinh ra. Hội chứng Rubella bẩm sinh bao gồm các dị tật tim, đục thuỷ tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ, vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh... và nhiều trường hợp mắc đa dị tật. Có tới 70 - 90% số trường hợp trẻ đẻ ra từ các bà mẹ này sẽ bị dị tật bẩm sinh.
Bệnh Sởi và Rubella vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vắc xin Sởi - Rubella là cách duy nhất phòng bệnh chủ động và hiệu quả. Vắc xin phối hợp Sởi - Rubella giúp bảo vệ đồng thời cho trẻ em khỏi mắc hai bệnh Sởi và Rubella và phòng hội chứng Rubella bẩm sinh ở trẻ em. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin là 95%.
Nhiều phụ huynh lo lắng con mình sinh thiếu tháng sức khỏe không tốt, hay bị bệnh nên băn khoăn không biết đưa trẻ đi tiêm ngừa như vậy có nguy hiểm gì không? Trên thực tế, nếu thời gian tiêm chủng bé không thuộc các trường hợp chống chỉ định hoặc trường hợp hoãn tiêm kể sau thì bé vẫn có thể tiêm chủng bình thường.
Chống chỉ định tiêm vắc xin Sởi – Rubella trong các trường hợp sau
- Trẻ có tiền sử sốc hoặc có phản ứng nghiêm trọng sau tiêm chủng vắc xin chứa thành phần sởi hoặc rubella như: sốt cao trên 39 độ C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở, sốc.
- Trẻ dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong vắc xin, ví dụ với Neomycin.
- Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan).
- Tình trạng suy giảm miễn dịch nghiêm trọng bẩm sinh hoặc mắc phải (AIDS).
- Phụ nữ có thai.
- Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Tạm hoãn tiêm vắc xin Sởi - Rubella trong các trường hợp
- Mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.
- Trẻ sốt # 37,5 độ C hoặc hạ thân nhiệt # 35,5 độ C (đo nhiệt độ tại nách).
- Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch hoặc truyền máu, huyết tương trong vòng 3 tháng.
- Trẻ đang hoặc mới kết thúc liều điều trị Corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày, thuốc ức chế miễn dịch khác hay điều trị xạ trị.
- Mắc bệnh bạch cầu cấp, thiếu máu nặng, các bệnh máu nghiêm trọng khác hoặc truyền máu.
- Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Một số lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm phòng
- Cho trẻ ăn no trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng.
- Chủ động thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như: trẻ đang mắc bệnh, đang điều trị, có dị tật bẩm sinh, tiền sử sinh non, tiền sử dị ứng, đặc biệt có các phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, phát ban, sưng nề vùng tiêm...
- Hỏi cán bộ y tế về loại vắc xin được tiêm chủng lần này, những phản ứng có thể gặp và hướng dẫn theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.
- Cho trẻ ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.
- Tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại nhà trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe như: sốt, dị ứng nổi mề đay, phát ban... Nếu trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.
- Không được đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.
- Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như: sốt cao (>39 độ C), co giật, khó thở, tím tái, phát ban.... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.
Nếu cha mẹ không yên tâm về sức khỏe của con mình sau khi tiêm chủng có thể trực tiếp đến trạm y tế xã/phường để được tư vấn thêm về cách chăm sóc trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận