Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc theo dõi phần tư vấn của chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung.
Phóng to |
Nhận diện kiểu yêu
Nhiều người nghĩ đơn thuần: “Yêu là yêu thôi, làm gì có nguyên tắc hay điều kiện gì", nên đắm đuối trong tình yêu và cũng nhân danh tình yêu mà tha thứ cho những lỗi lầm của nhau. Song, họ không nhận ra, những biểu hiện đó cũng chính là một phần tính cách của người mình yêu.
Những tính cách đó sẽ phần nào quy định cách yêu của mỗi người. Có thể phác hoạ sơ một số chân dung tình yêu như sau:
Yêu kiểu chiếm hữu: luôn muốn người yêu thuộc về mình 100%, chỉ biết có mình, không được quyền yêu thương hoặc dành thời gian cho ai khác nhiều hơn (kể cả người thân). Luôn muốn kiểm soát toàn bộ cuộc sống, thời gian của người yêu. Người yêu đi đâu, làm gì, với ai, bao lâu... đều phải báo cáo hoặc có sự tháp tùng để đảm bảo... không sểnh đi đâu phút nào!
Yêu kiểu hành hạ: yêu thương nhau trong sự hành hạ, dằn vặt cả thể xác lẫn tâm hồn. Biểu hiện của loại tình yêu này là khó chấp nhận quá khứ tình ái của người yêu, ghen tuông mù quáng với quá khứ ấy, không tin tưởng người yêu, lúc nào cũng lo sợ người yêu có tình cảm với người khác, đi chơi với người khác,...
Chấp nhận những kiểu tình yêu này chính là cách những người trong cuộc hoặc tự đưa mình vào sống trong những chiếc lồng tình yêu ngột ngạt hoặc để người khác "giam lỏng" mình trong chiếc lồng nhân danh tình yêu.
Bắt mạch “ái bệnh”
Ngoại trừ một số trường hợp do người yêu không chung thủy, có những hành động khiến người kia bị tổn thương dẫn đến nghi kỵ, ghen tuông, kiểm soát... thì với những trường hợp còn lại, nguyên nhân gây nên những “ái bệnh” trên có thể là:
Thiếu tự tin: Một số người khi yêu bỗng dưng... mất tự tin với người yêu của mình, lúc nào cũng thấy mình thua kém về ngoại hình, quan hệ xã hội, sự thành đạt... nên nảy sinh nỗi sợ hãi rằng người ấy sẽ bỏ mình để chọn người khác. Và giải pháp để khắc phục nỗi sợ hãi này chính là họ cố gắng kiểm soát người yêu mọi lúc mọi nơi.
Thiếu tinh tế: chính cách ứng xử mập mờ, thiếu sự rõ ràng khiến không ít người bị ức chế vì nghĩ rằng đang bị người yêu... lừa dối và dần mất đi sự tin tưởng mỗi khi gặp trường hợp tương tự.
Bí quyết thoát khỏi "chiếc lồng tình yêu"
Dưới đây là vài giải pháp bạn có thể tham khảo để tự thoát khỏi "nhà tù trái tim".
Không tự đan lồng cho mình
Không nhất thiết bạn phải thông báo rằng: "Hôm nay anh/ em đi ăn tiệc thôi nôi đứa con đầu lòng của nhỏ Hoa bạn học thời cấp 3, chồng tên Tuấn làm nghề xây dựng. Trong bữa tiệc sẽ có bao nhiêu bạn nam, bao nhiêu bạn nữ, độ tuổi từ, làm các nghề như...".
Khi làm vậy, tức bạn đang tự đan những thanh đầu tiên cho chiếc lồng của mình. Thay vì vậy, hãy thông báo cho người yêu một cách nghiêm túc và rõ ràng những hoạt động mình sẽ tham gia, mời người ấy đi cùng và nếu không tiện thì cũng chia sẻ cho người yêu mình lý do vì sao hôm nay bạn nên đi một mình.
Hãy cho người yêu cơ hội tiếp xúc với bạn bè của bạn để tạo mối dây liên kết thân mật hơn, đồng thời giúp người yêu hiểu thêm con người bạn ngoài xã hội để có thể hỗ trợ bạn trong những trường hợp cần thiết.
Yêu minh bạch
Có câu: “Yêu nhau có nghĩa là sau khi tranh cãi sẽ hiểu nhau hơn”. Hãy kết thúc những giận hờn bằng những giải pháp, tiêu chí cụ thể để sự việc không lặp lại. Không nên kết thúc tranh cãi giận dỗi trong sự xuê xoa, xí xoá hoặc trong những cái ôm, hôn mà không đưa ra những nguyên tắc ứng xử rõ ràng.
Hãy trao đổi thẳng thắn với nhau về những điều người này mong đợi ở người kia. Đây chính là những tiêu chí để cả hai cùng phấn đấu đạt tới trong cách sống, cách nghĩ, cách ứng xử, nhằm đạt được sự hòa hợp trong tình yêu, cũng như để tình yêu được thăng hoa chứ không ủ rũ trong những chiếc lồng tình yêu ngột ngạt ghen tuông, nghi kỵ, thử thách, dỗi hờn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận