Đó là những lo lắng của các nhà quản lý, doanh nghiệp khi theo dõi giá sầu riêng "loạn cào cào" trong thời gian qua tại Đắk Lắk.
Chủ vựa chờ sầu riêng bớt "sốt"... mới mua
Ghi nhận tại các nhà vườn sầu riêng chín sớm ở Cư M’Gar, Krông Búk (Đắk Lắk) thời gian qua cho thấy giá chốt mua khá cao lên đến 85.000 - 90.000 đồng/kg. Tuy nhiên đây là giá chốt mua của các tay "cò" đất chuyển sang "cò" sầu riêng, những thương lái "mới vào nghề".
Loạn giá bán sầu riêng ở Tây Nguyên do 'cò' nâng giá, nông dân 'bẻ cọc'
Bà Bùi Thu Phương - giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp thương mại và dịch vụ bền vững Tấn Khang - cho rằng mới đầu mùa mà có người chốt giá sầu riêng cao như vậy chứng tỏ không hiểu gì về sầu riêng.
Thậm chí, một số doanh nghiệp lớn vào thả cọc nhưng trong hợp đồng ký với người dân không ràng buộc gì nhiều như không ghi ngày cắt cụ thể.
"Việc này dễ dẫn đến hậu quả như vừa qua tại Bình Phước, Đồng Nai khi vườn bị neo trái, không cắt gây thiệt hại lớn", bà Phương thông tin.
Bà Phương còn cảnh báo việc nông dân đã chốt bán cho người này nhưng rồi bẻ cọc bán cho người ra giá cao hơn sẽ dẫn đến cảnh tranh mua giành bán, mất an ninh trật tự. "Bà con chạy theo giá ảo thì sau này sẽ dễ bị thiệt hại", bà Phương cảnh báo.
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh - giám đốc Công ty Ban Mê Green, một đơn vị thu mua nông sản tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - phân tích chi phí làm hàng xuất khẩu ở doanh nghiệp bình quân 25.000 đồng/kg tại xưởng, nếu xuất đi phải mất tổng cộng khoảng 40.000 đồng/kg. Do đó, nếu mua được trên dưới 60.000 đồng/kg, doanh nghiệp mới an tâm có lãi.
"Khi nông dân đưa giá bán quá cao, doanh nghiệp từ chối, chắc chắn thương lái không thể mua. Doanh nghiệp đành phải chờ sầu riêng về giá thực mới dám mua", bà Thanh nói.
Lợi trước mắt, hại lâu dài
Việc nông dân và doanh nghiệp đã liên kết, nhưng khi "cò" trả giá cao thì bẻ cọc dẫn đến nhiều hệ lụy. Ngoài việc bị neo vườn dẫn tới giá hạ khi chính vụ, mất an ninh trật tự, còn xảy ra tình trạng mất niềm tin, đứt gãy chuỗi liên kết.
Các doanh nghiệp xuất khẩu có năng lực thực sự thì tính toán khả năng tiêu thụ của thị trường để chuẩn bị nguồn cung trong nước theo hợp đồng. Nếu bị phá vỡ giữa chừng, doanh nghiệp lỗ nặng, nông dân ôm khổ những năm sau.
Ông Nguyễn Ngọc Giao - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cư M’Gar - cho biết tình trạng một số thương lái ở nơi khác thông qua "cò" đến địa bàn huyện Cư M’Gar thu mua sầu riêng để chốt vườn giá cao gây nhiễu thị trường.
"Việc này dễ dẫn đến hệ lụy vì người chốt cắt đợt đầu tiên và lựa những quả tốt đủ hoặc hơn số tiền bỏ ra. Giá tốt thì không sao, khi giá hạ thì phần còn lại chưa chắc họ đã mua hoặc đề nghị chủ vườn giảm giá, nếu không sẽ để sầu riêng rụng, không bán được", ông Giao phân tích.
Trước tình hình này, ông Vũ Hồng Nhật - chủ tịch UBND huyện Cư M’Gar - cho biết từ đầu vụ UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền người dân trong việc chăm sóc, bảo vệ mùa sầu riêng đảm bảo chất lượng hướng tới xuất khẩu.
Theo đó, phòng nông nghiệp đã cảnh báo để đảm bảo chuỗi giá trị thì đề nghị người dân cảnh giác trước việc các thương lái, chủ vựa tăng giá. Người dân cần giữ chuỗi liên kết lâu nay, các doanh nghiệp cũng cần đảm bảo mua bán theo giá thị trường để đảm bảo lợi ích hài hòa.
"Tới đây huyện sẽ tổ chức lễ công bố nhãn hiệu sản phẩm sầu riêng Cư M’Gar. Qua đó mong muốn người dân, doanh nghiệp hợp tác để duy trì chuỗi liên kết bền vững", ông Nhật nói.
Tương tự, bà Ngô Thị Minh Trinh - phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk - cho biết do chưa đến thời điểm thu hoạch rộ, tình trạng "cò" sầu riêng vào nâng giá là có nhưng không đáng kể. Phần lớn diện tích sầu riêng của địa phương thuộc các hợp tác xã, công ty liên kết, mã vùng trồng nên các liên kết từ chăm sóc, thu hái, xuất khẩu rất bền chặt.
"Huyện cũng tuyên truyền để người dân cần hợp tác dài lâu, theo chuỗi, đúng chất lượng, tránh chạy theo giá ảo. Tổ công tác của công an huyện và các xã luôn theo dõi, ngăn chặn những nhóm đẩy giá, bảo kê... gây mất an ninh trật tự địa phương...", bà Trinh nói.
Ông Vũ Đức Côn - phó giám đốc Sở NN&PTNT, chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk - cảnh báo hàng nghìn tấn sầu riêng sẽ có nguy cơ phải đổ bỏ vì quá cả tin vào các tin đồn thổi trên thị trường. Có tin thất thiệt Trung Quốc đã mua hết các đơn hàng, doanh nghiệp ghim hàng để chờ tăng giá.
Hiện tại, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nào cũng đang rất sốt ruột vì bạn hàng từ chối tiếp nhận hàng trễ và không chịu giá cao.
Ông Côn khuyến cáo để tránh tình trạng xung đột lợi ích về sau, người nông dân và hợp tác xã khi ký các hợp đồng thương mại cần kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng năng lực doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói ở đâu, quy mô công suất như thế nào.
"Người dân, hợp tác xã cũng nên ưu tiên những doanh nghiệp đủ điều kiện đóng gói tại địa phương để có quyền lợi, nghĩa vụ cùng nhau", ông Côn nói.
Sản lượng sầu riêng tăng mạnh
Đắk Lắk hiện có 22.458ha sầu riêng (diện tích cho thu hoạch trên 9.600ha), chiếm 43,2% diện tích cây ăn quả. Riêng năm 2023, dự kiến diện tích sầu riêng thu hoạch tăng lên trên 12.000ha, sản lượng đạt trên 200.000 tấn.
Toàn tỉnh đã được phê duyệt 49 mã vùng trồng, với diện tích 1.819ha; có 17 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu.
Sầu riêng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, mang lại nguồn thu nhập tốt cho người nông dân.
Bà Ngô Tường Vy - tổng giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chánh Thu - đánh giá sản lượng sầu riêng đang cho thu hoạch tại Đắk Lắk chưa đến 40% so với diện tích. Trong khoảng ba năm tới diện tích cho thu hoạch sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba nên chính quyền địa phương cần đưa ra giải pháp dài hạn để ổn định cung cầu.
"Thời điểm thu hoạch nghịch vụ so với các nước nên lợi thế rất lớn trong việc cạnh tranh. Tuy nhiên với việc chạy theo giá ảo, bỏ hợp đồng khiến doanh nghiệp không đủ nguồn hàng chất lượng để giao, bị phạt... thì mùa thu hoạch các năm sau sẽ rất khó khăn", bà Vy nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận