18/01/2016 08:44 GMT+7

Bể bơi trong trường học “đuối sức”

ĐOÀN CƯỜNG (doancuong@tuoitre.com.vn)
ĐOÀN CƯỜNG ([email protected])

TT - Năm 2009, Tổ chức Liên minh vì sự an toàn của trẻ em Hoa Kỳ (chương trình TASC) tài trợ 11 bể bơi di động cho các trường tiểu học tại Đà Nẵng trong chương trình bơi an toàn. Sau khi hết tài trợ thì các bể bơi này đang lâm vào cảnh “đuối sức”.

 

Bể bơi của Trường THCS Lương Thế Vinh được đầu tư khang trang nhưng sau khi ngân sách hết hỗ trợ thì bị lỗ, thu không đủ chi
Bể bơi của Trường THCS Lương Thế Vinh được đầu tư khang trang nhưng sau khi ngân sách hết hỗ trợ thì bị lỗ, thu không đủ chi - Ảnh: Đ.Cường

Không chỉ vậy, có trường được đầu tư nhiều tỉ đồng để xây dựng bể bơi nhưng cũng trầy trật để duy trì.

Lây lất với bể bơi

Tại Trường tiểu học Núi Thành (Q.Hải Châu, Đà Nẵng), cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, hiệu trưởng nhà trường, cho biết sau khi dự án tài trợ của TASC kết thúc, từ cuối năm 2013 trường kêu gọi xã hội hóa từ phụ huynh đóng góp để duy trì bể bơi cho học sinh. Tuy nhiên, hoạt động của bể bơi cũng chỉ ở dạng “cầm hơi”.

Từ năm học 2014-2015, ngân sách của TP Đà Nẵng hỗ trợ cho bể bơi nhà trường trong hai tháng 6, 7 khoảng 96 triệu đồng/hai tháng. Vậy nhưng với số tiền này cũng chỉ là cầm cự.

“Số tiền dùng để vận hành bể bơi, súc rửa, thuê bảo vệ, trả lương giáo viên 50.000 đồng/tiết... nhưng cũng không đủ vì chi phí quá lớn” - cô Nguyệt cho biết.

Ngoài thời gian hai tháng 6, 7, Trường tiểu học Núi Thành thực hiện việc xã hội hóa kêu gọi sự đóng góp tự nguyện của phụ huynh, mỗi tháng đóng khoảng 200.000 đồng.

Do bể bơi của Trường Núi Thành còn phục vụ cho học sinh các trường tiểu học Lê Đình Chinh, Lý Công Uẩn nên hoạt động lại càng khó khăn hơn.

Theo thống kê, hè năm 2014 Trường Núi Thành có hơn 70 học sinh đăng ký học bơi trong hè, trong khi còn chương trình dạy bơi miễn phí trường có đến 240 học sinh đăng ký tham gia.

Tổng số tiền thu được hơn 15 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa đóng góp của phụ huynh không đủ để chi trả vận hành bể bơi.

“Chúng tôi phải động viên giáo viên dạy nhiều thì nhận ít tiết lại để san sẻ cho đồng nghiệp khác. Có giáo viên dạy 200 tiết nhưng thực nhận chỉ 170 tiết. Giáo viên cũng đồng ý nhận đồng lương eo hẹp bởi họ nghĩ quan trọng là việc dạy bơi rất có ích cho các em học sinh khi ra đời” - cô Nguyệt nói thêm.

Bể bơi của Trường tiểu học Phan Phu Tiên sau khi hết nguồn tài trợ - Ảnh: Đ.Cường
Bể bơi của Trường tiểu học Phan Phu Tiên sau khi hết nguồn tài trợ - Ảnh: Đ.Cường

Xuống cấp

Theo cô Nguyệt, bể bơi này được tài trợ hoạt động trong năm năm, nhưng đến nay đã là năm thứ bảy, các kệ đỡ bằng sắt đều đã hoen gỉ. Bể bơi xuống cấp là vậy nhưng việc sửa chữa lại khó bởi chi phí còn cao hơn mua mới. Vì thế Trường Núi Thành đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

“Vì sao học sinh đi học bơi ở trung tâm huấn luyện phụ huynh sẵn sàng trả 1 triệu đồng/tháng, còn học sinh học bơi ở bể bơi của trường chỉ 200.000 đồng/tháng nhưng không thu hút được? Tôi nghĩ phải để cho các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa mới có thể duy trì bể bơi được” - cô Nguyệt cho hay.

Tương tự, tại Trường tiểu học Phan Phu Tiên (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng), hiện bể bơi đang để trơ trọi, khô khốc. Thầy Nguyễn Hỷ - hiệu trường nhà trường - cho biết vào hè có vài lớp (chiếm khoảng 10%) các em tham gia học bơi.

“Dự án tài trợ thì dễ chứ hết tài trợ rồi giao cho trường vận hành quá khó khăn, từ vận hành, xử lý nước, trả lương giáo viên. Phải có nguồn thu mới thực hiện được, còn kinh phí nhà trường hạn hẹp lắm” - thầy Hỷ cho hay.

Còn Trường THCS Lương Thế Vinh (Q.Liên Chiểu) là trường đầu tiên hiện nay được UBND Q.Liên Chiểu đầu tư xây dựng bể bơi với trị giá gần 5,5 tỉ đồng, khánh thành từ tháng 12-2014. Sau khi đưa vào sử dụng, trong bảy tháng đầu, Q.Liên Chiểu hỗ trợ lương cho các nhân viên, giáo viên phục vụ bể bơi.

Tuy nhiên, sau khi hết nguồn hỗ trợ thì Trường Lương Thế Vinh rơi vào cảnh... bù lỗ. Thầy Huỳnh Duy Linh - hiệu trưởng nhà trường - cho biết tính đến cuối năm 2015, do thu không đủ bù chi tiền vận hành, súc rửa bể bơi, trả lương bảo vệ... nên nhà trường đã bị âm 3 triệu đồng vào dự toán 2016.

Theo thầy Linh, nguồn thu của trường chủ yếu vào dịp hè dạy bơi cho học sinh. Tuy nhiên, do bể bơi không có mái che nên tắm vào giờ cao điểm thì nước quá nóng vì vậy phụ huynh không mặn mà. Trong khi dù có ít học sinh thì vẫn phải duy trì bộ máy thường trực là bảo vệ bể bơi, giáo viên dạy bơi, súc rửa bể... nên thu không đủ bù chi.

Tìm “lời giải” cho bể bơi

Theo bà Trần Thị Thúy Hà - trưởng Phòng GD-ĐT Q.Hải Châu (Đà Nẵng), dạy bơi là một phương cách trang bị kỹ năng thiết yếu cho học sinh, vì thế phòng giáo dục đã phải đi mượn hai bể bơi của hai trường tư nhân để dạy bơi cho học sinh tiểu học.

Dù đã “chạy mướt mồ hôi” nhưng hiện toàn quận mới có 41% trong tổng số học sinh lớp 5 được dạy bơi. Còn việc phổ cập bơi cho học sinh thì quá... xa vời.

Còn đại diện Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết các bể bơi của chương trình TASC hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù đã cho phép thu phí học sinh học bơi dịp hè 200.000 đồng/tháng nhưng nguồn thu hạn hẹp cũng không đủ bù lại chi phí vận hành.

Hiện Sở GD-ĐT Đà Nẵng đang cùng các đơn vị lập đề án xã hội hóa bể bơi trong trường học.

Bà Trần Thị Thúy Hà cũng cho biết thêm, hiện có một số doanh nghiệp cũng đang đặt vấn đề tham gia xã hội hóa đầu tư bể bơi trong trường học. Phòng GD-ĐT Q.Hải Châu cũng đã có kế hoạch giai đoạn 2016-2020 sẽ đầu tư xã hội hóa khoảng sáu bể bơi ở các trường có diện tích đất rộng, phù hợp.

“Có hai phương án để xây dựng bể bơi trong trường học: hoặc là quận đứng ra đầu tư, xây dựng, sau đó cho các doanh nghiệp đấu thầu lại; hoặc doanh nghiệp đứng ra đầu tư xây dựng” - bà Hà cho hay.

Tuy nhiên, hiện việc xã hội hóa bể bơi trường học ở Đà Nẵng vẫn chưa có đơn vị nào thực hiện.

ĐOÀN CƯỜNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp