24/03/2022 06:51 GMT+7

Bẫy 'tìm việc online', nạn nhân có cả mẹ bỉm sữa, dân văn phòng, người giỏi công nghệ...

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Mạo danh các tên tuổi lớn trong ngành thương mại điện tử như Amazon, Lazada, Shopee, Tiki..., những kẻ lừa đảo đã đăng tuyển cộng tác viên mua hàng và chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của nạn nhân.

Bẫy tìm việc online, nạn nhân có cả mẹ bỉm sữa, dân văn phòng, người giỏi công nghệ... - Ảnh 1.

Nhóm lừa đảo dụ nạn nhân giao dịch trên các ứng dụng sau đó dễ dàng xóa dấu vết - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Với cách "giăng bẫy" mỗi lần mua hàng, người mua được hoàn tiền, cộng thêm hoa hồng từ 10-20% giá trị đơn hàng, kẻ lừa đảo đã "dụ" nạn nhân bằng những lỗi kỹ thuật và yêu cầu nạn nhân chuyển thêm tiền để lấy lại. 

Mặc dù được cơ quan chức năng, công an cảnh báo liên tục, nhưng tình trạng lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên vẫn luôn rầm rộ, số nạn nhân tăng chóng mặt với giá trị lừa đảo lên đến hàng tỉ đồng.

Mua hàng được hoa hồng...

Trong một lần lướt mạng, chị N.T.T. (ngụ TP.HCM) nhìn thấy rất nhiều quảng cáo tuyển dụng việc làm online. Sau khi nhắn tin cho nhà tuyển dụng, chị được một người tự giới thiệu là người bán hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) hướng dẫn một công việc khá nhàn: đặt các đơn hàng ảo trên một số sàn TMĐT để thu hút người mua hàng.

Ngay khi vừa đăng ký xong, chị T. có ngay đơn hàng đầu tiên trị giá 500.000 đồng và được hoàn tiền ngay trong 5 - 10 phút kèm hoa hồng với số tiền 540.000 đồng. Tiếp đó, chị có các đơn trị giá 1 triệu đồng, 2 triệu đồng rồi 5 triệu đồng... Mỗi lần đơn thành công, chị T. được nhận về 1,1 triệu đồng, 2,2 triệu đồng và mọi chuyện bắt đầu từ sau đơn 5,5 triệu đồng.

"Bên bán hàng nói đơn này phải thao tác 3 lần mới thành công. Lúc đó tôi chỉ nghĩ làm sao lấy lại được tiền nên chuyển tới tấp với số tiền tổng cộng 16,5 triệu đồng. Nhưng khi chưa lấy được tiền, nhóm hướng dẫn lại yêu cầu chuyển tiếp. 

Nghe việc tự dưng chuyển tiền cho người lạ là đã thấy dại rồi, nhưng không hiểu sao tôi vẫn làm cái việc ngớ ngẩn đó. Trong cơn say với mong muốn lấy lại tiền, nên tôi cứ thử cố lần nữa. Tổng cộng tôi mất hơn 25 triệu đồng vì cú lừa này", chị T. cho biết.

Không dừng lại ở việc giả mạo nhân viên của sàn TMĐT, các đối tượng này còn giả mạo về con dấu, chữ ký của giám đốc điều hành... trong các bản cam kết thanh toán hoa hồng, giấy phép kinh doanh đăng ký, hòng lấy lòng tin của người bị hại.

Chị Lộc, ngụ Phú Thọ, cũng cho biết đã mất trắng gần 500 triệu đồng sau khi nhận làm việc "tay trái" cho "sàn Sendo". Trong thời gian ở nhà nuôi con nhỏ, chị Lộc tình cờ nhận được thông tin cần người làm việc online từ tài khoản Sendo với nhiệm vụ "tăng tương tác, chốt đơn hàng và hưởng hoa hồng".

"Khi tôi tin tưởng làm theo thì được hướng dẫn vào đường link sản phẩm thật trên các sàn TMĐT của Sendo. Tôi làm được 12 đơn hàng nhưng chỉ có đơn đầu tiên là nhận hoa hồng, 11 đơn còn lại thì bên đó kêu bị lỗi kỹ thuật nên phải chuyển thêm tiền để xử lý. Tâm lý khi mình bỏ tiền ra rồi muốn lấy lại nên cứ theo lao nhưng càng vào càng mất số tiền lớn hơn", chị Lộc cho biết.

Bẫy tìm việc online, nạn nhân có cả mẹ bỉm sữa, dân văn phòng, người giỏi công nghệ... - Ảnh 2.

Các kiểu tin nhắn lừa đảo trên các ứng dụng - Ảnh : Q.Đ.

Dùng thương hiệu thật để lừa đảo

Anh Đ.A. (ngụ Hà Tĩnh) cho biết đã bị mất tiền hơn 100 triệu đồng vì nhận được tin nhắn cơ hội làm việc, gia tăng thu nhập từ số điện thoại mà anh dùng đăng ký bán hàng trên nền tảng Shopee. Vì đây là số điện thoại ít giao dịch và tin nhắn từ tài khoản "Shopee" nên anh tin tưởng đây là dịch vụ cộng thêm của sàn.

Khi chủ động liên hệ số điện thoại từ tin nhắn, anh được hướng dẫn qua giao dịch trên Zalo với giải thích đây là số tài khoản liên kết cửa hàng, nhiệm vụ là sau khi chuyển khoản thành công sẽ chụp lại hóa đơn, cho nhân viên xác nhận với hệ thống hoàn vốn và hoa hồng cho người mua. 

Khi vào nhóm cao hơn, anh Đ.A. nhìn thấy các tài khoản khác up hình ảnh nhận được tiền chuyển khoản khi hoàn thành nhiệm vụ nên tính thuyết phục càng cao. "Sau khi tìm hiểu, tôi mới vỡ lẽ đây đều là các tài khoản mồi", anh Đ.A. thừa nhận.

Khi lên số tiền cao hơn, anh bắt đầu nhận nhiệm vụ từ tài khoản Telegram, ở đây người hướng dẫn nhập nhằng để nạn nhân thực hiện thao tác sai. 

Chỉ dẫn không rõ ràng, lần mua sau cao hơn lần mua trước, dẫn đến người thực hiện không làm đúng được, và khi làm đúng sẽ lại phát sinh ra một lý do khác để không nhận được tiền. Mà phải thực hiện các hành động mua tiếp theo để có thể nhận được tiền hoa hồng và tiền ứng.

"Với cách thức này, người thực hiện càng mua sẽ bị cuốn vào vòng xoáy tâm lý khi bị mất tiền, khi nhận ra mình bị lừa, số tiền đã lên rất nhiều. Đây là chiêu trò cực kỳ tinh vi mà người bị lôi kéo không thể nhận ra trước khi bị mất quá nhiều tiền vào việc này", anh Đ.A. chia sẻ với báo Tuổi Trẻ.

Đại diện một sàn TMĐT lớn tại Việt Nam cũng xác nhận tình trạng này, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng cần tỉnh táo. 

"Chúng tôi ghi nhận nhiều phản ánh của khách hàng về việc sàn TMĐT của chúng tôi tạo việc làm bằng cách tạo đơn hàng, giả mua hàng để tăng doanh thu rồi được hoàn trả vốn và thêm cả hoa hồng. Họ tạo thông tin giả mạo doanh nghiệp trên Facebook, Zalo, nhắn tin tới số điện thoại của khách hàng để mời chào người tham gia. Thực tế sàn không có chính sách như vậy", vị này nói.

Thủ đoạn "săn mồi " tinh vi

Dạo quanh trên các mạng xã hội, dễ dàng tìm thấy những lời rao tuyển dụng cộng tác viên đánh giá trên sàn TMĐT cho các cửa hàng và công ty, ưu tiên mẹ bỉm sữa, công nhân, bà nội trợ rảnh rỗi... Sau khi người mua tạo đơn và thanh toán, kẻ lừa đảo sẽ hoàn tiền kèm hoa hồng ngay 5 - 10 phút. Những kẻ lừa đảo chuẩn bị những kịch bản tiếp cận khác nhau, gây mất cảnh giác.

Theo các nạn nhân, tên tuổi của những công ty mà chúng mạo danh đều có thật và làm cho nhiều người dễ dàng tin tưởng. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo thường yêu cầu khách hàng cài đặt app hoặc giao dịch trên các nền tảng không an toàn sau đó dễ dàng xóa sạch mọi dấu vết, liên lạc.

Khi một "con mồi" bắt đầu nghi ngờ, "nhà tuyển dụng" còn đưa thông tin của tên công ty, địa chỉ, cả hợp đồng ủy quyền... Chị L., một nạn nhân, cho biết đã thử lên mạng tìm hiểu thấy đúng là có doanh nghiệp này và là doanh nghiệp lớn về TMĐT. "Họ còn nói nếu tôi vào Sài Gòn sẽ mời đến công ty, cứ mang tiền vào nộp rồi tất toán thôi", chị L. kể.

Sau khi không lấy lại được tiền, xót của nên chị L. cũng vào tận Sài Gòn theo địa chỉ ghi trên hợp đồng. Lúc đó, họ yêu cầu chị quay phim và gửi xem có đúng văn phòng không, nhưng vừa chuyển hình ảnh, các liên lạc bị chặn luôn. Lúc này chị mới tin mình bị lừa số tiền lớn.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nạn nhân của các vụ lừa đảo rất đa dạng, không chỉ mẹ bỉm sữa mà cả dân văn phòng, người đang kinh doanh online, thậm chí cả những người am hiểu công nghệ thông tin, tiếp cận với thế giới mạng nhiều cũng bị rơi vào bẫy.

Với cách thức những đơn hàng giá trị nhỏ ban đầu, kẻ lừa đảo đều thanh toán đầy đủ, nhanh chóng kèm hoa hồng như đã hứa, nhưng khi đơn hàng giá trị cao hơn. Các lỗi đơn hàng liên tục xuất hiện và "dụ" nạn nhân chuyển thêm tiền để lấy lại. 

Sau khi bị lừa, nhiều người gọi lên tổng đài chăm sóc khách hàng của sàn mới được biết doanh nghiệp không có nội dung công việc này cũng không có nhân viên có tên, số điện thoại như vậy.

Không có chuyện nạp tiền được trả hoa hồng

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Shopee cho biết đã ghi nhận tình trạng trên và liên tục gửi cảnh báo khách hàng không tham gia các hoạt động nạp tiền và hứa hẹn được trả hoa hồng.

Ngoài ra, không thực hiện bất kỳ giao dịch hoặc cung cấp thông tin nào bên ngoài ứng dụng và các website/trang thông tin chính thức của Shopee. Sàn khuyến khích người dùng nhanh chóng báo cáo với Shopee khi nhận thấy hoạt động nào đáng ngờ.

Trong khi đó, sàn Lazada cũng khuyến cáo những tin tuyển dụng đăng trên các trang tin trôi nổi hay tin nhắn bằng cách giả mạo nhân viên hay nhân sự cao cấp của Lazada đều là giả mạo.

"Khách hàng không nên cung cấp và trao đổi thông tin cá nhân qua tin nhắn, cuộc gọi, đường link có nguồn gốc và nội dung không rõ ràng, không chỉ trả khoản tiền nào ngoài tiền hàng đã mua trên ứng dụng của sàn.

Các website hay mạng xã hội của chúng tôi đều có tick xanh, vì vậy, người dùng nên quan sát kỹ thiết kế của trang web có đầy đủ nội dung, thông tin như trang web chính thống hay không", đại diện Lazada lưu ý.

Tìm việc qua ttJOBS, xoá nỗi lo lộ thông tin cá nhân Tìm việc qua ttJOBS, xoá nỗi lo lộ thông tin cá nhân

Bảo mật thông tin cá nhân là nỗi lo lớn nhất của đông đảo người dùng khi sử dụng internet. Nhưng với, ứng dụng Tuổi Trẻ Tìm Việc ttJOBS, bạn sẽ dễ dàng tìm việc làm trong thời gian giãn cách xã hội mà không phải lo sợ bị lộ, lọt thông tin cá nhân.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp