Nhóm nhà buôn Việt với lỉnh kỉnh hàng hóa tại sân bay quốc tế Matxcơva, Nga - Ảnh: THẢO THƯƠNG
“Hay em mang hộ chỉ chục cân sả và vài cân ớt tươi qua hải quan giúp chị nhé! Tụi chị đợi mãi từ lúc máy bay hạ cánh”. Chị Lê Thị Oanh (35 tuổi, Hà Nội) trĩu ánh mắt nài nỉ tôi giúp mang số hàng quê nhà qua bỏ mối các chợ bên Nga.
Nghề buôn "hàng bay" chị đã làm hơn một năm qua.
"Chân không chạm đất"
Xứ Bạch Dương đang chuyển thu. Mùa thu vàng nước Nga dịu dàng, tuyệt vời cho những ai đi thưởng ngoạn. Nhưng trên chuyến bay SU291 từ Nội Bài đến sân bay quốc tế Matxcơva (Nga) chỉ có một số khách Việt là đi du lịch. Nhiều người có vẻ dân buôn mang theo nhịp hối hả, lo toan lên chuyến bay đường dài.
Nói nghề "chân không chạm đất" như những nhà buôn này tự ví von thì hơi quá, nhưng sự thật cũng gần như vậy khi họ vừa xuống sân bay Nga đã bay về liền để lặp lại vòng buôn mới.
Chuyến bay này, đập vào mắt tôi là đoàn người Việt tay xách nách mang, cố gắng khệ nệ hành lý xách tay sao cho sát sao với số ký hãng bay quy định.
10h, máy bay cất cánh. Hành trình bay mới được hơn hai giờ. Ngồi cạnh tôi, chị Oanh, ghế 14C, chân co trên ghế, tay mở nắm xôi đậu gói lá sen đã ướt nhèo vì hầm hơi để ăn bù cho buổi sáng vội vã.
Vừa cố nuốt, chị vừa thân mật bắt chuyện: "Hồi trước vợ chồng mình làm công nhân may. Năm 2017, chúng mình lọ mọ sang TP Matxcơva để thử thời vận theo diện xuất khẩu lao động. Ai dè vô tình gặp chị em đồng hương buôn bán hàng đặc sản dân dã mà thu nhập rất ổn".
Biết tôi là nhà báo, chị Oanh vẫn không ngại chia sẻ: "Mình hồi ấy bưng bê chạy bàn, chồng làm đầu bếp. Mình nảy ý định để chồng ở lại bên này tiếp tục công việc, còn mình nghỉ để đi "hàng bay" như các chị.
Vì hai con nhỏ gửi ông bà nội chăm nên cần có người đi đi về về thăm lo các con thường xuyên, mà vợ chồng cũng có thời gian gặp được nhau. Thấy hợp lý quá, mình quyết định... "bay" hàng quê mình qua xứ Nga".
Chị Oanh kể mỗi tháng chị bay con thoi đến 10-15 chuyến từ Hà Nội sang Matxcơva. Hành trình dài chín giờ, nhiều chuyến bay vừa đáp thì taxi "ruột" là người Việt thông thạo đường sá đã đưa chị đi giao hàng ngay để kịp tối trong ngày lại bay về Hà Nội.
"Thường tôi mua vé sớm cho cả tháng, vì mua trước vé sẽ rẻ hơn. Nhưng tháng này vé cao kinh khủng, ít người đi. Trên chuyến này hình như chỉ chừng 6-7 người "bay hàng" thôi. Tháng 8 tôi "book" 7 chuyến, vé khứ hồi khoảng 500 đôla.
Vé cao thì mình không lời, buôn bán có lúc kia lúc nọ, nhưng mà cao thấp gì cũng phải đi để giữ mối làm ăn lâu dài" - chị Oanh tâm sự.
Chị Lê Thị Oanh lo lắng số ớt, hành, sả, sầu riêng… qua cửa hải quan sân bay quốc tế Matxcơva - Ảnh: THẢO THƯƠNG
Cà pháo, dưa cải lên máy bay
Hàng hóa "đi bay" của chị Oanh và các bạn là gì? Hiếm ai nghĩ bên trong các vali sang trọng hay thùng giấy cồng kềnh của cánh "thương nhân" này lại là những thứ dân dã quê mùa như ớt, sả, nghệ, riềng, gừng, măng cụt, bánh xôi nếp...
Bột ớt khô được ép chặt vào lọ nhựa. Những tép sả được siết chặt xếp lớp lang. Những hũ bột tiêu trong chai nhựa xếp vòng theo hình cung của vali... Chưa cần nêm nếm, chỉ nhìn màu sắc và ngửi mùi vị, phận người ly hương đã cảm thấy mình như đang ở quê nhà.
Chị Oanh kể mình thường bỏ hàng ở chợ Mokka (ngay trung tâm TP Matxcơva).
"Tôi mua ớt tươi ở Việt Nam bay sang Nga bán thu tiền rúp, mỗi ký cũng lời được vài lần và lấy thêm tiền công. Nhưng giá cả ở đây cũng trả treo chứ không phải cậy hàng hiếm rồi hô giá nào là xuống hàng được giá đó. Kỳ kèo mãi, người ta không lấy hàng thì đổ nợ, mình đành hạ giá" - chị nói.
Họ đem "hàng bay" qua thì phải lấy "hàng bay" về để cân đối tiền mua vé khứ hồi. Thường hàng về là những thứ xa xỉ như nước hoa, quần áo hiệu, giày dép, sữa, rượu, đồng hồ... và nhận quà của người Việt ở Nga gửi cho gia đình.
Đặc biệt, theo họ, những người đi "hàng bay" xuyên quốc gia dù buôn hàng gì cũng luôn tránh xa những thứ phạm pháp, bị quốc gia ở hai đầu chuyến bay cấm đoán. Đi buôn là nghề lâu dài, chỉ cần hải quan các quốc gia ghi hồ sơ phạm pháp thì nếu không tù tội cũng chấm dứt cơ hội kinh doanh.
Để đủ hàng về có lời, chị Oanh kể cũng lắm gian nan.
Bấm từng ngón tay, chị liệt kê: "Này nhé, phải rao cả trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber. Thậm chí phải tham gia mấy nhóm "nghiện" hàng oder (đặt từ nước ngoài về) để rao ngày mình đi, có ai gửi mua gì không.
Đó là chưa kể trên các nhóm nhiều người bán hàng, mình không săn được hàng chuẩn, xịn, rẻ sẽ mất khách. Để lúc nào cũng không lỗ vốn, tôi còn rao thêm ai cần chuyển quà về quê. Kiếm lời lãi tròn trịa chuyến đi khó ăn lắm".
Buôn bán có lúc đen lúc đỏ, may mắn nhất với chị Oanh là lúc người ta đặt hàng trùng khi đang sale giảm giá. Chị "hốt" hàng với giá hời mang về.
Cùng chuyến bay SU291 có cả "nhà buôn" Nguyễn Văn Luyến, Nguyễn Văn Sáu, Dương Kim Dung đều ở Hà Nội. Trong đó, chị Dung (40 tuổi, Q.Hai Bà Trưng) là "chị cả" có 7 năm thâm niên buôn "hàng bay" sang Nga...
Vừa đáp sân bay, họ như "cùng hội cùng thuyền" ngồi lại với nhau, lo lắng, mong được thuận lợi thông quan dù hàng hóa chỉ toàn là những thứ quê mùa ở Việt Nam.
Ngồi bên xe đẩy hàng, anh Luyến cũng lo nhưng xua tay nói: "Chuyện thường ngày, tôi đã đi hàng 3-4 năm nên chấp nhận lê lết sân bay, đợi khi người ta qua hết rồi đến mình. Hên xui thôi chứ biết sao bây giờ".
Ngồi đợi mãi, họ lại đứng lên, chắp tay lững thững hóng hớt cửa hải quan. Nhưng khi hỏi có nản không, họ nghĩ đến các con, rồi tặc lưỡi: "Nghĩ mỗi tháng ít nhất cũng dư được 10-15 triệu đồng, làm công nhân có được vậy không? Bay như chim nhưng con cái được thoải mái. Tôi cam lòng".
Cộng đồng Việt sinh sống, buôn bán ở Nga và Đông Âu chính là khách hàng của các món quê nhà - Ảnh: THẢO HƯƠNG
Tránh xa hàng phạm pháp
Đi "hàng bay" này, dân buôn sợ nhất là không được thông quan và bị hải quan "liệt tên sổ đen". Bài học đầu tiên phải thuộc lòng là không dính vào bất cứ thứ gì pháp luật không cho phép.
Ngay cả những thứ tưởng bình thường như thịt chó cũng có thể bị cấm nên hết sức cẩn thận. Đừng mờ mắt vì tiền.
Càng "đặc sản", càng có giá
"Tôi phát hiện buôn được những thứ quê mùa này nhờ một lần ăn uống ở nhà bạn tại Nga. Mâm cơm xứ tuyết mà ấm cúng y như quê mình với cả canh cua, cà muối, lá ngải cứu hấp gà, lá mơ chiên trứng, cá om dưa cải.
Anh chủ nhà gốc Bắc Ninh kể đặt mua hàng từ Hà Nội qua. Giá mâm cơm này tính ra đắt gấp 7-8 lần ở Hà Nội, nhưng vì thèm quá nên họ vẫn chi" - chị N.T.H. kể chuyện.
Đi "hàng bay" gần 3 năm, chị H. (quê Thanh Hóa) cho biết càng là hàng "đặc sản" thì càng có giá. Cua đồng xay sẵn cho đông đá rồi bỏ vào chai nước khoáng đem qua Nga bán lời gấp 10 lần. Tuy nhiên, lời lãi kinh doanh cũng chỉ cao hơn làm nghề bình thường trong nước một chút, vì họ đâu có được mang nhiều.
Chuyến hàng về nếu không khéo tính toán, tìm được khách hàng chắc chắn thì có thể còn bị lỗ vì vé máy bay Nga khá cao.
Q.M.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận