23/02/2016 11:38 GMT+7

Bay đến đất nước nội chiến

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - 13g một ngày đầu tháng 6-2014. Chuyến bay chở hai sĩ quan đầu tiên của Việt Nam làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc đã hạ cánh ở sân bay quốc tế Juba...

Trung tá Mạc Đức Trọng nghe các già làng, trưởng bản thông báo tình hình dân làng chạy loạn ở Jamam - Ảnh: nhân vật cung cấp
Trung tá Mạc Đức Trọng nghe các già làng, trưởng bản thông báo tình hình dân làng chạy loạn ở Jamam - Ảnh: nhân vật cung cấp

13g một ngày đầu tháng 6-2014. Chuyến bay chở hai sĩ quan đầu tiên của Việt Nam làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc đã hạ cánh ở sân bay quốc tế Juba.

Juba là thủ đô của Nam Sudan - quốc gia đang chìm trong triền miên xung đột, bạo lực, chết chóc giữa hai phe: phe tổng thống Salva Kiir và phe phó tổng thống Riek Manchar. Hãy nghe câu chuyện của họ - trung tá Mạc Đức Trọng và trung tá Trần Nam Ngạn.

Nam Sudan tuyên bố độc lập vào ngày 9-7-2011 và hình thành nên một quốc gia trẻ nhất tại châu Phi và cả thế giới ở thời điểm đó. Quốc gia này đang cố gắng có một chính phủ ổn định kể từ khi giành được độc lập từ Sudan năm 2011. Tuy nhiên, đất nước giàu dầu mỏ này vẫn chia rẽ về mặt sắc tộc và chính trị với nhiều nhóm vũ trang đang hoạt động.

Lạ lẫm Juba

“Thật ra khi sang đầu tiên chúng tôi không được đến thẳng Nam Sudan ngay mà làm thủ tục đăng ký ở Entebbe - một thành phố của đất nước Uganda. Uganda là một quốc gia nằm hoàn toàn trong lục địa châu Phi, phía bắc giáp với Nam Sudan. Ở Entebbe có căn cứ đảm bảo hậu cần của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho toàn bộ các phái bộ châu Phi.

Entebbe giống như những thành phố nghèo, có đường nhựa nhưng nhà cửa rất vắng. Nhà hàng, khách sạn ở Uganda cũng có đầy người gác, lăm lăm súng trong tay. Chúng tôi ở đó một tuần để người ta giới thiệu tình hình tại chỗ và làm các thủ tục đăng ký làm hồ sơ.

Sau đó hai anh em mới chính thức bay sang thủ đô Juba nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan” - trung tá Trần Nam Ngạn kể.

Một chiếc máy bay nhỏ loại 15 chỗ ngồi được điều tới chở hai sĩ quan Việt Nam sang Nam Sudan nhận nhiệm vụ.

Trung tá Mạc Đức Trọng kể thêm: “Máy bay đã bay lên trời rồi phải quay lại, hạ cánh đợi tiếp vì trước đó có một máy bay hạ cánh ở Juba, do đường bay không đảm bảo nên bị gãy bánh nằm chắn đường băng, máy bay khác không hạ cánh được. Chúng tôi phải đợi đến hôm sau bên Juba dọn máy bay đó đi thì máy bay chúng tôi mới đến được”.

“Gọi là sân bay quốc tế chứ Juba không có nhà ga - trung tá Trần Nam Ngạn cho hay - Nói chính xác hơn thì có nhà ga nhưng rất cũ, xập xệ. Bãi đáp là khu đất trống. Juba là sân bay quốc tế như sân bay Liên Khương thời chưa xây nhà ga hoặc sân bay Cam Ranh hơn chục năm về trước. Khi còn ở Việt Nam, tôi hình dung cuộc sống ở Nam Sudan như Tây nguyên, nhưng khi sang nhìn từ trên máy bay xuống tôi rất ngạc nhiên vì châu Phi nhưng ở dưới rừng xanh bạt ngàn. Nếu Bắc Sudan là vùng sa mạc thì Nam Sudan được bao phủ bởi những cánh rừng nhiệt đới, đầm lầy và đồng cỏ”.

Thời điểm đó đang là tháng 6 - mùa mưa ở Nam Sudan. Juba đón hai sĩ quan Việt Nam bằng trận mưa lớn. Nước ngập lênh láng xung quanh khu vực sân bay.

Khác với hình dung của hai sĩ quan Việt Nam, ở thủ đô của quốc gia đang chìm trong nội chiến này lại không có gì biểu hiện của chiến tranh, dù 20.000 người dân đang phải trú ẩn tại phái bộ của LHQ ở Juba và rất nhiều người khác trú ẩn trong bụi rậm. Dấu hiệu duy nhất là một số xe tăng quanh sân bay.

“Sau này khi đi công tác ở các vùng, ngang qua những cánh rừng, tôi thấy cả đầu lâu hoặc một vài khúc xương người nằm rải rác, có thể do sói tha từ trong rừng ra”, trung tá Trần Nam Ngạn kể.

Nơi tá túc của những đứa trẻ để tránh bom đạn - Ảnh: Mạc Đức Trọng
Nơi tá túc của những đứa trẻ để tránh bom đạn - Ảnh: Mạc Đức Trọng

Anh chàng Campuchia tốt bụng

Một sĩ quan người Campuchia công tác ở bộ phận nhân sự ra đón. Vì đây là lần đầu tiên lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) của LHQ có sĩ quan Việt Nam nên phòng truyền thông của LHQ cử người ra chụp ảnh lưu niệm.

Trung tá Trần Nam Ngạn kể: “Một số nhân viên LHQ rất hiếu kỳ. Một cảnh sát của LHQ người Ukraine ra đón, nghe mình giới thiệu, anh ta trầm trồ: “Ối. Đây là Việt Nam à? Bố tôi trước đây là người Liên Xô cũ, đi làm chuyên gia ở Việt Nam đấy”.

Anh này tặng hai anh em mỗi người một logo của Ukraine dán trên quân phục khi đi làm nhiệm vụ GGHB của LHQ, và đề nghị mình tặng lại. Mỗi nước cử người đi đều có logo riêng.

Quần áo thì riêng của nước đó, chỉ có hai cái chung là mũ và phù hiệu của LHQ. Sau này chúng tôi mới biết nhân viên LHQ hay có thú sưu tầm tiền và biểu tượng, logo của các nước, trao đổi nhau vì ở đó họ có cơ hội gặp nhiều người tại nhiều quốc gia khác nhau. Tính đa quốc gia của LHQ rất cao. Một phái bộ của LHQ ở Nam Sudan có đến 93 quốc gia”.

Chàng sĩ quan người Campuchia dẫn trung tá Trọng và trung tá Ngạn đến một khu nhà gọi là khu trung chuyển. Anh chàng chỉ vào hai chiếc giường trống và bảo: đây là hai cái giường tôi đã xí phần cho các anh. Trên giường còn mẩu giấy dán họ tên của mỗi người.

“Sau này tôi mới biết khu trung chuyển dành cho những ai đến ở tạm vài ngày rồi lại chuyển đi những vùng khác nên người đến người đi thường xuyên. Anh bạn người Campuchia rất có cảm tình với Việt Nam mình nên mới xí phần cho hai chiếc giường chứ người khác thì phải nằm ngủ trong túi” - trung tá Ngạn chia sẻ.

Vậy là tạm ổn về chỗ ngủ. Chiều hôm đó đi lòng vòng quan sát, trung tá Ngạn phát hiện một bãi rau muống cạn mọc hoang. Bữa cơm đầu tiên ở Nam Sudan có ngay... đĩa rau muống luộc. Ngay ngày đầu tiên, anh chàng sĩ quan người Campuchia tặng hai anh em một bao gạo, không phải ra chợ mua.

Trung tá Ngạn cho biết: “Đi theo đơn vị thì lương thực thực phẩm LHQ cung cấp đến tận nơi. Cá nhân đi kiểu sĩ quan liên lạc thì LHQ trả lương và phải tự lo ăn uống. Mình muốn mua cái gì phải đặt trước nửa tháng. Những thứ tươi như hoa quả khi chuyển đến sẽ bị hỏng. Còn đặt theo cá nhân thì số lượng phải ít nhất mấy ký một loại người ta mới chuyển.

Chúng tôi phải tự lo ăn uống. Trong căn cứ có căngtin, gọi món trả tiền, nhà thầu người Ý, nấu theo kiểu Âu, món ăn khá đơn điệu, chỉ ăn tạm chứ lâu dài không chịu được. Những hôm đầu anh em ăn mì gói, đồ hộp và may là đã mua thêm gạo khi ở Uganda. Những hôm sau nhờ anh bạn người Campuchia chỉ chỗ ra chợ mua đồ”.

Chợ của người bản địa chủ yếu có thịt bò và đặc biệt rất nhiều loại cá vì Nam Sudan rất nhiều sông ngòi. Rau chỉ có bắp cải, cà chua và một vài loại lá rừng thay rau.

Trung tá Ngạn kể: “Mình mua mấy loại lá rừng về ăn thử nhưng không ăn được, mùi hăng hăng, ngai ngái rất khó chịu. Về sau tìm ra được thêm mấy bãi rau muống hoang, rau dền cơm cũng mọc hoang và đu đủ. Đu đủ xanh nấu canh ăn thay rau”.

Trung tá Ngạn kể tiếp: “Người dân ở đó không ăn rau dền cơm vì người ta không coi đó là rau. Tôi thấy lạ là người dân ở Nam Sudan không có thói quen ăn rau. Rau trong khẩu phần ăn rất ít. Người dân địa phương ăn gì cũng nấu thành dạng lỏng như cháo. Họ nấu đậu, bắt được vài con cá bỏ vào, đợi chín đánh tan rồi múc ra bát ăn”.

Cả nước Nam Sudan to gấp ba lần Việt Nam. Nhưng ở Juba chỉ có hai tòa nhà cao tầng khoảng 6-7 tầng. Đó là nhà của cơ quan, công sở. Còn nhà dân đều xây tường gạch và nhỏ. “Tòa nhà đó chúng tôi lấy làm mốc khi chưa thuộc đường, đi loanh quanh sợ lạc cứ nhìn tòa nhà định hướng là biết tìm đường về căn cứ.

Thủ đô chỉ có 60km đường nhựa, ngoài thủ đô hầu như là đường đất. Là một đất nước nghèo khổ nhưng đường ở thủ đô rất nhiều xe hơi, thậm chí rất nhiều xe sang, chỉ một ít xe máy. Nghe kể thời kỳ đầu LHQ mới vào hỗ trợ, người ta lấy tiền cứu trợ của LHQ mua xe sang.

Sau này LHQ điều chỉnh lại tiền cứu trợ. Có một vài ngân hàng nhưng tất cả đều là ngân hàng nước ngoài. Ngân hàng mà chúng tôi mở tài khoản là Ngân hàng KCB của Kenya nằm trong căn cứ LHQ”, trung tá Ngạn kể.

_________________________________

Kỳ tới: Nhiệm vụ đầu tiên

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp