10/05/2012 07:29 GMT+7

Bẫy cấp 3 vì sao bị cấm?

CÁT KHUÊ thực hiện
CÁT KHUÊ thực hiện

TT - Bẫy cấp 3 - một phim Việt được quảng bá là kinh dị và công bố lịch ra rạp vào ngày 18-5 - đã chính thức nhận quyết định (số 239/ÐA-PBP ngày 7-5-2012) của Cục Ðiện ảnh không cho phép phổ biến.

PV Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Phương Lan - phó cục trưởng phụ trách Cục Ðiện ảnh - về sự việc này.

VryQRZeQ.jpgPhóng to
Hình ảnh quảng bá Bẫy cấp 3 (đạo diễn Lê Văn Kiệt, đơn vị sản xuất Coco Paris) - phim đã chính thức nhận được quyết định của Cục Điện ảnh không cho phép phổ biến - trên cơ sở ý kiến của chín thành viên hội đồng trung ương thẩm định phim truyện - Ảnh: Megastar

* Ðầu năm nay đã có ba tác phẩm nước ngoài bị cắt, hoặc bị từ chối phổ biến tại VN là Immortals (Chiến binh bất tử - bị cắt khi phổ biến), The girl with the dragon tattoo (Cô gái có hình xăm rồng - không chiếu dù đã quảng bá) và The hunger games (Trò chơi sinh tử - bị từ chối phổ biến dù đã quảng bá), theo bà, việc này có bất thường không?

- Phim được cấp giấy phép phổ biến hoặc bị yêu cầu cắt sửa, thậm chí không cho phép phổ biến hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân bộ phim (nội dung và cách thể hiện). Hội đồng thẩm định phim tiến hành công việc theo đúng các quy định của pháp luật. Phim không được phổ biến là những phim vi phạm điều 11 Luật điện ảnh và điều 9 nghị định 54/2010/NÐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật điện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung Luật điện ảnh về những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh. Vào một thời điểm nào đó, có ba hay thậm chí có đến 10 bộ phim vi phạm thì hội đồng cũng không thể làm trái luật là cho phép phổ biến, và việc này phải được xem là bình thường.

* Một tác phẩm điện ảnh có những yếu tố nào sẽ bị yêu cầu cắt bớt, sửa chữa hoặc bị từ chối phổ biến, thưa bà?

- Nếu phim có hình ảnh, âm thanh, lời thoại “chạm” đến một trong những điều cấm trên nhưng chỉ mang tính tiểu tiết, không chi phối nội dung tư tưởng của phim, có thể loại bỏ mà không ảnh hưởng đến tổng thể bộ phim thì cơ sở trình duyệt được hội đồng yêu cầu cắt, sửa từng cảnh, từng câu thoại một cách cụ thể. Phim không được phổ biến thì tôi đã xác định ở câu trên rồi.

* Hiện vẫn có tranh cãi về việc có nên phân loại phim theo độ tuổi để tránh việc phải từ chối phổ biến một tác phẩm điện ảnh (nhất là khi tác phẩm đó đã được thừa nhận ở nước ngoài), ý kiến của bà ra sao?

- Như tôi đã nói, mọi việc đều phải tuân thủ theo quy định. Theo quy chế thẩm định phim, đã có sự phân loại: có phim được phổ biến rộng rãi cho mọi đối tượng và có phim hạn chế trẻ em dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, đối với những bộ phim phạm luật, cụ thể là “có hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết xúc phạm quốc huy, quốc kỳ, quốc ca, giá trị biểu trưng dân tộc, đất nước; miệt thị dân tộc, tôn giáo; thể hiện cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, khuyến khích tội ác; mang tính khiêu dâm, đồi trụy, loạn dâm, loạn luân trái với thuần phong mỹ tục; thể hiện sự dung thứ hoặc đồng tình với tệ nạn xã hội, gây cảm giác hoảng loạn, mê muội trước các lực lượng siêu nhiên, ma quái...” thì không thể được phép phổ biến tại VN cho dù đối với bất cứ độ tuổi nào!

* Bẫy cấp 3 - một phim đã được quảng bá rộng rãi, được xếp lịch chiếu ngày 18-5 trên toàn quốc - nhưng cuối cùng không được cấp phép phổ biến. Bà có thể cho biết lý do?

- Việc tự “xếp lịch” và quảng bá trên các phương tiện như vậy là vừa vi phạm pháp lệnh quảng cáo vừa vi phạm Luật điện ảnh. Việc xử lý vi phạm phải có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Ý kiến chính thức của hội đồng không đồng ý cho phép phổ biến Bẫy cấp 3 vì một mặt phim mô tả rất thô thiển khát khao chuyện “giường chiếu” của các cô cậu tuổi “teen”, mặt khác phim thể hiện sự thù hận của một nam sinh (do cha mẹ lạnh nhạt, bạn bè coi thường) đã ra tay giết người dã man, mất nhân tính, mang tính kích động bạo lực.

Trong chuyến đi chơi với bốn bạn cùng lớp, cậu ta đã sắp đặt một chuỗi “bẫy” để lần lượt giết chết những người bạn cùng đi và cả người vô tội khác. Nội dung phim như vậy không phù hợp với đạo đức, lối sống VN, đặc biệt là đối với lứa tuổi của học sinh trung học.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm đã không biết bao nhiêu lần báo chí phê phán ảnh hưởng xấu của các bộ phim “đen”, phim “lậu” như là nguyên nhân của các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, tội ác vị thành niên. Ma túy cũng là nguyên nhân của tệ nạn xã hội và tội ác thì sao cả xã hội căm thù, pháp luật nghiêm trị, còn những phim tác động xấu (có khi nguy hiểm không kém ma túy) - vì lý do gì bên cạnh sự phê phán lại có tờ báo “bênh”, mà cách “bênh” cũng chẳng có căn cứ, nặng về cảm tính và suy diễn? Trong lúc xã hội tồn tại những tên vị thành niên kiểu Lê Văn Luyện thì có nên tiếp tay cho những bộ phim mô tả kỹ lưỡng những cảnh giết người không ghê tay như một trò tiêu khiển trên cái nền “bạo lực, rùng rợn để mua cảm giác sợ hãi cho khán giả trong vài giờ” hay không.

* Trên một trang báo mạng có đưa thông tin là tuy không được chiếu rạp trong nước nhưng Bẫy cấp 3 có thể vẫn được ra bản DVD và phát hành trong hệ thống rạp ở nước ngoài. Ðiều này có phù hợp với quy định và Luật điện ảnh không, thưa bà?

- Nếu như vậy thì rõ ràng là lại vi phạm Luật điện ảnh và các quy định khác của pháp luật. Tôi cho rằng đơn vị sản xuất hay đơn vị phát hành bộ phim này đủ tỉnh táo để không đi từ vi phạm này đến vi phạm khác.

CÁT KHUÊ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp