Và khi cư dân miền biển cùng dư luận lên tiếng, đã có sự thay đổi tích cực. Các di tích được đưa ra khỏi dự án, nhiều lối đi được mở ra để dân biển không phải xa biển...
Mới đây, chính quyền đã duyệt quy hoạch thêm công viên và quảng trường sinh thái, mà nhất là giữ nguyên rừng tự nhiên của làng biển này.
Cổ địa độc đáo
Đứng từ đường biển Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng) nhìn về phía bờ tây vịnh Đà Nẵng sẽ thấy một màu xanh vươn ra ngoài biển. Đó là màu của rừng cây cổ thụ trên gành Nam Ô.
Bên cạnh công trình dự án du lịch sinh thái Nam Ô đang thi công là cảnh thanh bình của rừng tự nhiên cùng các di tích ở làng cổ Nam Ô trên 700 năm tuổi (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Là nhà nghiên cứu về làng cổ Nam Ô, ông Đặng Phương Trứ dẫn chúng tôi đi giới thiệu từng di tích độc đáo trước đây từng nằm trong dự án du lịch. Từ làng bước vài sải chân tới đường mới mở xuống biển là gặp ngay di tích.
Phía tay phải, kế bên đường là giếng nước cổ bằng đá - giếng Lăng Nam Ô. Dân làng để sẵn gàu bên cạnh để ai cần cũng có thể múc những dòng nước tinh khiết, mát lành lên dùng.
Ông Trứ chia sẻ rằng giếng cổ Chăm được tái tạo vào năm Bảo Đại thứ 9 - năm 1934. "Giếng nước cổ này đến nay dân làng Nam Ô vẫn sử dụng. Ngon, ngọt ít nơi đâu sánh bằng", ông Trứ tự hào nói.
Bước lên là di tích dinh Cô Hồn - thờ chiến sĩ trận vong trong lịch sử. Theo các bậc cao niên làng Nam Ô, dinh Cô Hồn còn gọi là miếu Âm Linh, được lập từ xưa, sau khi liên quân Pháp - Y Pha Nho tấn công Đà Nẵng năm 1858, 1859, 1860. Trong trận chiến ấy, nhiều quân dân Việt đã ngã xuống.
Sau đó, vua Tự Đức sắc chỉ cho dân làng lập đền thờ tưởng niệm chiến sĩ trận vong. Dinh Cô Hồn này cũng theo đó được dân làng Nam Ô lập nên với đài thơ ghi bốn chữ Hán đại tự "Sa trường điếu cổ"...
Đối diện là một di tích khác: Lăng Ông Ngư. Ông Vinh, một cao niên của làng, tiết lộ nơi đang thờ hàng chục bộ ngọc cốt (xương cá Ông). "Trước đây cá Ông được bà con ngư dân chôn cất, sau đưa vào lăng, thờ cúng rất trang nghiêm" - ông Vinh cho hay.
Cách đó không xa, đi qua một dải cát trắng là màu xanh mát của nhiều loại cây cổ thụ trên gành Nam Ô. Theo các bậc cao niên, gành đá Nam Ô như con chim phụng có mỏm hạc xanh nổi lên giữa bãi cát vàng như đôi cánh ngàn năm xòe cánh muốn bay ra biển lớn.
Theo ông Trứ, từ xa xưa gành đá Nam Ô được xem là núi cấm - cấm chặt cây, cấm lấy đá. Quy định này được dân làng nhiều đời tuân thủ nghiêm ngặt, ai vi phạm sẽ bị bắt tội. Thậm chí người ta còn cho đây là rừng linh, chỉ được sử dụng gỗ cho việc xây dựng đình miếu trong làng.
"Điều đặc biệt là từ xưa đến nay rừng cấm này dường như chưa xảy ra vụ cháy rừng nào dù ngàn năm nằm sát khu dân cư. Nhiều cây cổ thụ vẫn tồn tại", ông Trứ hồi tưởng.
Không chỉ giữ rừng mà dân làng còn chung tay bảo vệ gành đá. Khoảng năm 1991, những kẻ xấu đưa sà lan áp sát bờ để đòi cẩu trộm đá trên gành. Dân làng Nam Ô phát hiện đã cùng nhau nổi trống chiêng, xua đuổi chúng phải rút chạy.
Trả lại cho cộng đồng
Chừng mấy năm trước, câu chuyện dự án du lịch bao trùm lên di tích, chặn lối xuống biển đã gây xôn xao làng biển hiền hòa này. Và khi nhận ra những bất cập, chính quyền và chủ đầu tư đã cùng nhau điều chỉnh, hướng đến cộng đồng, cư dân nhiều hơn.
TP đã điều chỉnh quy hoạch, cuối đường Nguyễn Tất Thành được đầu tư công viên cây xanh, bãi xe công cộng, mở năm lối xuống biển, tách ghềnh Nam Ô và bãi cát ra khỏi dự án để phục vụ cộng đồng...
"Từ hồi mở công viên như khoác áo mới cho đoạn ven biển này. Ngày nào chúng tôi cũng ra đây tập thể dục hoặc đi dạo" - anh Việt Hùng, người làng Nam Ô, vui vẻ nói.
Mới tháng 12 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam đã ký quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết công viên sinh thái ghềnh Nam Ô và quảng trường phía nam ghềnh Nam Ô, tỉ lệ 1/500. Theo đó, diện tích nghiên cứu quy hoạch bao gồm khu vực ghềnh Nam Ô khoảng 53.261m2, bao gồm phần diện tích rừng tự nhiên giữ nguyên hiện trạng khoảng 32.138m2.
Diện tích phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 21.123m2, gồm diện tích công viên sinh thái ghềnh Nam Ô 18.682m2 và diện tích quảng trường phía nam ghềnh Nam Ô 2.441m2.
Việc hình thành công viên sinh thái và quảng trường công cộng là để bảo vệ ghềnh Nam Ô. Tổ chức không gian công cộng kết hợp khai thác du lịch để phục vụ người dân và du khách. Đồng thời bảo tồn, tôn tạo các di tích trong khu vực ghềnh Nam Ô. Giữ nguyên hiện trạng đất rừng tự nhiên...
Đại diện Công ty CP Trung Thủy Đà Nẵng, chủ đầu tư khu du lịch sinh thái Nam Ô, cho biết đơn vị sẽ bỏ toàn bộ tiền để trùng tu, bảo tồn khu vực ghềnh Nam Ô. "Chúng tôi thuê tư vấn nước ngoài để làm", vị này cho hay.
Công ty này cũng cho biết thêm đã đầu tư xây dựng phía cuối đường Nguyễn Tất Thành với công viên, bãi đỗ xe, nhà chờ, nhà vệ sinh. "Những công trình này chủ yếu dành phục vụ người dân, cộng đồng và hài hòa với cảnh quan khu vực", vị này nói thêm.
Tạm biệt ngôi làng cổ Nam Ô bên chân sóng và mang theo lời đúc kết của các bậc cao niên rằng còn di tích, ghềnh đá, rừng cây là còn hồn cốt, "báu vật" của làng. Và "báu vật" này không chỉ của Nam Ô!
Bất khả xâm phạm
Là người gắn bó máu thịt nhiều năm với làng cổ Nam Ô, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng - vui mừng tâm sự các di tích ở Nam Ô đã được công nhận di tích lịch sử cấp TP.
Trước đó, các chuyên gia đã dành nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi nhưng do vướng dự án nên đòi hỏi một quá trình ngành văn hóa, các sở, ngành tham mưu cho UBND TP điều chỉnh quy hoạch. Phân định ranh giới đất dự án, đất phạm vi di tích của làng. Sau khi xác định, triển khai công nhận một loạt di tích ở Nam Ô, TP cũng đầu tư trùng tu toàn bộ các di tích.
"Hiện các di tích đều được quản lý theo Luật Di sản, bất khả xâm phạm" - ông Thiện khẳng định.
Sản vật trời ban
Gành Nam Ô không chỉ có rừng và những di tích quý, mà trời đất ban tặng sản vật cho nơi đây là mứt Nam Ô - tương truyền là món tiến vua. Món ăn này bổ dưỡng, trong mát và tràn đầy sinh lực.
Những tháng cuối năm giá lạnh, mưa phùn, sóng phủ ghềnh đá cũng là khởi đầu của nghề "ăn" (hái) mứt biển. Mứt mọc ra từ những tảng đá sần sùi đã trở thành đặc sản bồi bổ cơ thể nức tiếng của vùng đất Nam Ô.
Đặc sản này chỉ sản sinh khi thời tiết thật khắc nghiệt, như sự kết tinh của đất trời và hẳn nhiên người làm nghề phải can đảm, nhẫn nại chịu đựng cái khốc liệt của mưa phùn, gió bấc để hái lộc trời...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận