06/01/2021 05:49 GMT+7

Bầu tổng thống Mỹ: Hồi hộp với ngày quyết định 6-1

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Cuộc kiểm phiếu đại cử tri ngày 6-1 tưởng chừng chỉ mang tính thủ tục trong bầu cử tổng thống Mỹ bao nhiêu năm qua, nay thu hút sự chú ý của cả thế giới.

Bầu tổng thống Mỹ: Hồi hộp với ngày quyết định 6-1 - Ảnh 1.

Trình tự kiểm phiếu đại cử tri ngày 6-1 - Nguồn: Quốc hội Mỹ, Hiến pháp Mỹ, AP, New York Times - Tổng hợp: D.LINH - Đồ họa: T.ĐẠT

Kết quả kiểm phiếu có ngay trong ngày quyết định 6-1 hay bị gián đoạn đang là câu hỏi lớn.

Hơn 140 nghị sĩ Cộng hòa, trong đó có nhóm 11 thượng nghị sĩ do thượng nghị sĩ Ted Cruz dẫn đầu, đã tuyên bố sẽ thách thức lá phiếu đại cử tri của "ít nhất 1 bang" trong phiên kiểm phiếu tại quốc hội. Cuộc kiểm phiếu sẽ bắt đầu lúc 13h ngày 6-1 theo giờ Mỹ, tức 1h sáng 7-1 tính theo giờ Việt Nam.

Kế hoạch thách thức 6 bang

Theo Đài Fox News, một nhóm hạ nghị sĩ do dân biểu Jim Jordan, Mo Brooks và Elise Stefanik dẫn đầu tuyên bố sẽ thách thức kết quả bầu cử "tại ít nhất 1 bang". 

Đài CNN, báo New York Times và một số tờ thân Dân chủ khác trước đó cũng đưa thông tin này theo hướng chỉ trích. 

Con số được CNN đưa ra lên tới 140 nghị sĩ. Hai nguồn tin độc quyền của Fox News (là các quan chức trong Đảng Cộng hòa) ngày 5-1 đã tiết lộ thông tin đáng chú ý hơn: khoảng 100 dân biểu đã lên kế hoạch thách thức kết quả tại 6 bang là Arizona, Georgia, Michigan, Pennsylvania, Nevada và Wisconsin.

Mặc dù vậy, kế hoạch này cần nhận được sự phối hợp tung hứng từ các thượng nghị sĩ. Hiện nhóm của ông Cruz vẫn đang thảo luận nên thách thức kết quả bang nào và vẫn chưa đi tới kết luận cuối cùng. 

Trước đó, nhóm này đe dọa sẽ thách thức lá phiếu đại cử tri của "ít nhất 1 bang" nếu Quốc hội Mỹ không thành lập một ủy ban thanh tra khẩn cấp trong 10 ngày kết quả bầu cử. Riêng thượng nghị sĩ Josh Hawley cũng có tuyên bố sẽ thách thức riêng trong ngày 6-1.

Trong khi đó, nhiều thượng nghị sĩ khác của Đảng Cộng hòa tuyên bố không tham gia thách thức kết quả. 

"Tòa án chứ không phải quốc hội có quyền giải quyết các tranh cãi liên quan phiếu đại cử tri" - Thượng nghị sĩ John Hoeven nêu quan điểm. Nhiều nghị sĩ khác của Đảng Cộng hòa cũng bất bình với hành động của nhóm thách thức.

Đạo luật kiểm phiếu đại cử tri năm 1887 nêu rõ việc kiểm phiếu sẽ bị tạm ngừng nếu 1 hạ nghị sĩ và 1 thượng nghị sĩ cùng lên tiếng bày tỏ nghi ngờ về lá phiếu đại cử tri của 1 bang nào đó bằng văn bản. 

Khi đó, Thượng viện và Hạ viện sẽ rút về nhóm họp riêng, thảo luận các cáo buộc được nêu ra và biểu quyết. 

Với thời gian tối đa 2 tiếng cho mỗi phiên, mỗi nghị sĩ được có tối đa 5 phút trình bày một lần duy nhất cho mỗi cáo buộc. 

Sau thời gian trên, nếu các cáo buộc bị bác bỏ, chủ tịch thượng viện - tức phó tổng thống - sẽ tiếp tục việc kiểm phiếu đại cử tri. Nếu các cáo buộc được chấp thuận thì sẽ có một cuộc bỏ phiếu của lưỡng viện.

Theo Hãng thông tấn AP, nếu nhóm nghị sĩ Cộng hòa thách thức kết quả tại 6 bang, họ có thể trì hoãn quá trình kiểm phiếu tới 12 tiếng.

Lo ngại bất ổn gia tăng

Trước ngày kiểm phiếu, rất nhiều người ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã rục rịch kéo về thủ đô Washington D.C để biểu tình. Vệ binh quốc gia thủ đô dự kiến được huy động để bảo đảm sẽ không có biến trong ngày 6-1. 

Cảnh sát cũng ra thông báo nhấn mạnh họ không ngăn cản những người ủng hộ ông Trump biểu tình, "nhưng hãy để súng ở nhà khi xuống đường". Ông Trump cũng đã loan báo ông sẽ có mặt tại cuộc biểu tình lớn này.

Bên cạnh Đài CNN, báo New York Times vốn "thiên kiến" với ông Trump, một số tờ khác có quan điểm trung lập cũng khẳng định nỗ lực của phe Cộng hòa sẽ không thể làm thay đổi kết quả bầu cử đại cử tri với chiến thắng thuộc về ông Joe Biden. Nội bộ Đảng Cộng hòa cũng thể hiện sự chia rẽ khi càng gần tới ngày kiểm phiếu, càng có thêm nhiều nghị sĩ lên tiếng phản đối việc thách thức kết quả cử tri đoàn.

Theo Đài Fox News, các nghị sĩ thách thức hiểu rõ họ đang làm gì và kết cục dẫn tới đâu nhưng họ vẫn muốn làm. Việc thách thức kết quả là một quy định hợp pháp và họ sẽ tận dụng điều đó để "khôi phục niềm tin của người dân Mỹ vào các cuộc bầu cử". 

Phó tổng thống Mike Pence - người sẽ điều khiển phiên họp ngày 6-1 - đã ra thông cáo ủng hộ việc phản đối kết quả bầu cử theo thẩm quyền được luật pháp cho phép.

Liệu kết quả bầu cử đại cử tri 6-1 sẽ được ông Pence xác nhận quyết định ngay trong ngày 6-1 hay không đang là câu hỏi được quan tâm nhất hiện nay.

Chiến binh trung thành Mike Pence đang bị giằng xé giữa một bên là Donald Trump và bên còn lại là Hiến pháp Mỹ.

Hãng thông tấn AP nhận định về vai trò của ông Pence trong phiên kiểm phiếu ngày 6-1

Guardian thông tin đồn đoán ông Trump rời Mỹ trước ngày ông Biden nhậm chức Guardian thông tin đồn đoán ông Trump rời Mỹ trước ngày ông Biden nhậm chức

TTO - Nếu quả thật ông Trump sẽ rời khỏi Mỹ ngay trước lúc chính thức mãn nhiệm kỳ như những đồn đoán hiện nay, đây sẽ là điều chưa từng có tiền lệ với một tổng thống Mỹ.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp