27/05/2014 07:51 GMT+7

"Bầu" Kiên kêu bị thiệt vì Hòa Phát

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Ngày tiếp theo của phiên xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép, trốn thuế và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội tiếp tục làm rõ các hành vi vi phạm của các bị cáo.

Liên quan đến hành vi chủ trương để ACBS (Công ty chứng khoán Ngân hàng Á Châu ACB) mua cổ phần của ACB và cáo trạng xác định hành vi này khiến ACB thiệt hại 687 tỉ đồng, đại diện Công ty kiểm toán PwC đã có mặt tại tòa.

ACB mời kiểm toán chứ không bị kiểm toán

Theo đó, đại diện Công ty kiểm toán PwC, một đơn vị kiểm toán độc lập của nước ngoài, cho biết đơn vị này được khách hàng mời vào kiểm tra sáu tháng tại công ty này. Sau khi xem xét toàn bộ giấy tờ số liệu liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của ACBS, kiểm toán viên phát hiện mã cổ phiếu của ACB trong danh sách này: “Lúc ấy các kiểm toán viên đã báo cho ông Hải (bị cáo Lý Xuân Hải) là tổng giám đốc và ông ấy rất tức giận”.

Không chỉ xác nhận điều này, trong những ngày xét xử trước, bị cáo Lý Xuân Hải cũng nói rằng chính ông là người đã mời kiểm toán vào làm việc tại công ty trực thuộc và khi phát hiện mã chứng khoán của ACB trong danh mục đầu tư của ACBS, ông Hải đã yêu cầu tổ chức cuộc họp và yêu cầu rút mã chứng khoán ấy ra khỏi danh mục đầu tư: “Lúc ấy có rất nhiều mã cổ phiếu giá tốt và có thể đầu tư, vậy nên tôi yêu cầu rút mã cổ phiếu của ACB ra khỏi danh mục đầu tư bởi ACB không xứng đáng để phải hứng chịu rủi ro có thể xảy ra” - bị cáo Hải nói.

Trong cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố các bị cáo có ghi rõ: “Tháng 7-2010, Công ty kiểm toán PwC phát hiện việc hợp tác đầu tư cổ phiếu ACB là trái luật đã yêu cầu Công ty ACBS phải loại bỏ số cổ phiếu ACB ra khỏi danh mục hợp tác đầu tư”. Trả lời tại tòa, đại diện PwC cho biết họ chỉ báo lại cho ACB chứ không cảnh báo gì khác, cũng không có bất kỳ mối liên hệ nào với cơ quan điều tra để báo về sai phạm của ACB.

ACBI mới bị thiệt hại?

Trong phần trả lời các luật sư tại tòa liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Đức Kiên không chỉ khẳng định sự việc chỉ là quan hệ dân sự nhưng đã bị cơ quan điều tra hình sự hóa. Tại tòa, ông Kiên còn cho biết trong quan hệ giao dịch giữa ACB và Hòa Phát ông Kiên là người chịu thiệt vì em gái ông Kiên đã chuyển tiền cho Hòa Phát để Hòa Phát thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Hà Nội (ACBI). “Nếu anh Long (Trần Đình Long - chủ tịch HĐQT thép Hòa Phát) không phải là bạn tôi thì tôi có thể xác định ngay với cơ quan điều tra tôi là người bị hại trong vụ mua bán cổ phiếu giữa Công ty TNHH MTV thép Hòa Phát và ACBI bởi Công ty cổ phần thép Hòa Phát đã tự động xác nhận việc chuyển nhượng khi không đủ điều kiện và Công ty TNHH MTV thép Hòa Phát tự động xác nhận sở hữu cổ phần của ACBI khi chưa chuyển tiền” - bị cáo Kiên nói.

Ông Kiên cũng nói vì bạn bè nên ông không có bất kỳ một ý kiến gì về việc tố cáo sai sót này với cơ quan điều tra và ông cũng chưa nhận được yêu cầu nào về việc chuyển số cổ đông của ACBI cho Hòa Phát. Và việc này cũng được Hòa Phát xác nhận rằng hiệu lực của hợp đồng được ký giữa ACBI và MTV Thép Hòa Phát phải đến năm 2013 mới kết thúc.

Tòa tuyên bố kết thúc phần xét hỏi và hôm nay tiếp tục làm việc.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp