05/12/2014 19:28 GMT+7

​“Bầu” Kiên đề nghị tòa giám định lại

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Trong ngày xét xử thứ 6 (5-12), bị cáo Nguyễn Đức Kiên đề nghị hội đồng xét xử cho giám định lại biên bản giám định của Bộ Tài chính liên quan đến hành vi trốn thuế.

Bầu Kiên tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: T.Sơn
"Bầu" Kiên tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: T.Sơn

Theo bị cáo Kiên, khi gửi yêu cầu giám định cho Bộ Tài chính, cơ quan điều tra đã không cung cấp đầy đủ tài liệu có yếu tố loại trừ trong việc xác định số thuế phải nộp của Công ty B&B. Vì vậy không thể lấy kết quả giám định này để kết luận Công ty B&B trốn thuế.

“Tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị các cấp cho giám định lại nhưng không được chấp nhận, điều này làm tôi rất ức chế. Đề nghị hội đồng xét xử tiến hành giám định lại và bổ sung các căn cứ xem công ty của tôi có trốn thuế hay không. Vụ án này mệt mỏi lắm rồi, tôi mong mọi việc được làm rõ, mong tòa xác định sự thật là gì” - “bầu” Kiên nói.

Vấn đề luật quy định thế nào đối với chủ trương ủy thác gửi tiền tiếp tục được các luật sư đặt ra, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết việc ủy thác gửi tiền của ACB vi phạm điều 106 Luật các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng viện kiểm sát truy tố các bị cáo vi phạm điều 106 là không chính xác.

“Thời điểm ACB ra chủ trương ủy thác gửi tiền, Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 không cấm. Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực năm 2011 nhưng chưa có hướng dẫn. Việc ủy thác năm 2010 đem về lợi nhuận cho ACB và đến năm 2011 cũng không gây bất cứ thiệt hại cho ACB” - lời bị cáo Kiên.  

Tại tòa, bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc ACB) cũng cho biết từ khi tiến hành hoạt động ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền, ACB chưa từng bị Ngân hàng Nhà nước thanh tra, nhắc nhở về việc này.

“Tôi không nghĩ việc ủy thác gửi tiền là sai phạm vì khi cơ quan công an vào làm việc, chúng tôi đã trình bày, báo cáo và không thấy ai nhắc nhở gì. Tôi chưa bao giờ nghe về việc Ngân hàng Nhà nước có xử phạt lỗi về ủy thác. Cho đến nay, các thành viên trong hội đồng quản trị ACB cũng chưa từng bị ACB quy trách nhiệm về chủ trương này” - ông Hải nói.

Tại phiên tòa ngày 5-12, các luật sư tiếp tục đặt nhiều câu hỏi dành cho đại diện VietinBank để xác định trách nhiệm của ngân hàng này trong việc để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tiền.

Luật sư Lưu Văn Tám (bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải) đã đưa ra hợp đồng gửi tiền của một nhân viên ACB tại VietinBank và cho biết đến tháng 12-2013, ngân hàng vẫn gửi công văn thông báo số dư cho khách hàng này. Từ thực tế này, luật sư Tám đặt câu hỏi tại sao ngân hàng lại trả lời không quản lý tài khoản của khách?

Trả lời vấn đề này, đại diện VietinBank cho biết chủ tài khoản tiền gửi thì khách hàng chịu trách nhiệm về số dư của tài khoản. Việc thông báo số dư vào ngày 31-12 hằng năm là hoạt động bình thường của ngân hàng đối với bất cứ khách hàng nào.

Sáng 8-12, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp