29/11/2013 08:31 GMT+7

"Bầu khí quyển văn nghệ" chưa thật tốt

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Trong một ngày rưỡi (27, 28-11), hội thảo “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - thực trạng và giải pháp” đặt ra và giải quyết một loạt các vấn đề quan trọng, từ cách hiểu khái niệm “giá trị cao”, quan niệm về tài năng, đến đánh giá thực trạng, và đề xuất phương pháp để vận hành hiệu quả nền văn học nghệ thuật nước nhà.

iUsxTGRq.jpgPhóng to
Nhà văn Hoàng Đình Quang (trái) và GS Phong Lê - Ảnh: Lam Điền

Trách nhiệm và tấm lòng

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: Những vấn đề được đặt ra không hoàn toàn mới, nhưng là vấn đề lớn và khó, đang là đòi hỏi bức thiết, sống còn đối với nền văn nghệ trong tình hình hiện nay. Trên cơ sở những ý kiến đã đề cập, sự thống nhất cao với các giải pháp nêu trong Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Hồng Vinh đề nghị các văn nghệ sĩ cần đề cao trách nhiệm và tấm lòng trước Tổ quốc và nhân dân. Mỗi nghệ sĩ tự trau dồi bản lĩnh, coi khát vọng sáng tạo là mục đích cao đẹp của người cầm bút, không ngừng tích lũy kiến thức nhiều mặt.

(Theo TTXVN)

Nhà văn Vũ Hạnh đã làm nóng hội trường sáng 28-11 khi đề cập vấn đề chủ đề sáng tác trong văn học nghệ thuật hiện nay chủ yếu phản ánh cuộc sống thị dân và xa rời, thậm chí quay lưng lại nông dân. Ông cảnh báo về thực trạng này “nếu không phải là tội lỗi thì cũng là điều phi lý, có thể là tai họa lớn cho dân tộc”. Tuy nhiên, trước đó nhà thơ Hữu Thỉnh cũng đề cập vấn đề này trong một cách nhìn bình tĩnh hơn: Vấn đề là làm thế nào để có tác phẩm giá trị cao, thực tế cho thấy những đỉnh cao văn học nghệ thuật thường vượt trên cách phân định về chủ đề theo từng bộ phận hoặc thành phần cư dân được phản ánh. Cụ thể như Truyện Kiều của Nguyễn Du không phải viết về đề tài nông dân hay nông thôn, nhưng nông dân VN bao đời nay đã thuộc lòng Truyện Kiều, và Truyện Kiều sống chủ yếu ở nông dân chứ không chỉ ở thành thị nước ta.

Và bức tranh thực trạng văn học nghệ thuật của ta vẫn còn nhiều chỗ chưa như ý. Nói theo cách tổng kết hội thảo: Hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Nhiều ý kiến tập trung vào vấn đề tài năng của văn nghệ sĩ - những chủ thể sáng tạo của nền văn học nghệ thuật. Câu chuyện tài năng là một nội dung khiến hội thảo nhiều phen trở nên sinh động. Nhà văn Chu Lai ví von: Ở VN lúc này chất liệu, mùi tiểu thuyết, quặng nghệ thuật rất phong phú thế mà vẫn chưa có tác phẩm xứng tầm.

Cho nên lại quay lại nguyên lý mọi người đều thừa nhận: chỉ có văn nghệ sĩ tài năng mới có thể làm ra tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, nhận diện tài năng còn phải đi liền với việc bồi dưỡng và phát huy tài năng trong thực tế. Vấn đề bồi dưỡng, đầu tư cho tài năng cũng được đặt ra, nhưng ý kiến chung đều không xem đây là yếu tố quyết định. Và những yếu kém lâu nay của văn học nghệ thuật, nhìn chung thì có cả những yếu tố của cơ chế, nói như giáo sư. Phong Lê là “bầu khí quyển văn nghệ” của ta cũng chưa thật tốt cho văn nghệ sĩ.

Nhiều nghệ sĩ nêu nguyên nhân khách quan là thị hiếu thẩm mỹ, chuẩn mực thẩm mỹ của ta đã biến chuyển mạnh từ khi đổi mới, đến gần đây thì sự phát triển của công nghệ thông tin đã lấn át văn hóa đọc, làm thay đổi tư duy sáng tạo của văn nghệ sĩ và nhu cầu thưởng thức của công chúng. Nhà văn Chu Lai dẫn chứng hiện trạng “Các văn nghệ sĩ đang chìm nổi chết ngập trước các loại hình thác lũ thông tin, truyền hình, báo mạng, Facebook... khiến cho văn hóa đọc bị chìm... Rồi báo hóa, truyền hình hóa, dự án hóa tài năng vừa mau bát gạo vừa mau đồng tiền, nhiều tài năng bị nuốt chửng trong cái miệng vừa nham nhở vừa ngọt ngào của con quái vật mưu sinh ấy để biến mình thành thứ sáng tạo thị trường, sáng tạo thực dụng”. Ông cho rằng nhà văn cần có tâm thế sáng tạo, “nhà văn chưa dám bỏ hẳn năm năm, mười năm để chỉ hoàn thành một tác phẩm như kiểu ông Lev Tolstoi, ông Sholokhov”.

Và như vậy, để cải đổi thực trạng hiện nay, mặc dù hội thảo đã “kê cứu” ra sáu “giải pháp có tính căn cốt”, bao gồm những biện pháp thiết thực như: quan tâm hơn, đẩy mạnh, hình thành chính sách, xây dựng tiêu chí đánh giá tác phẩm văn học nghệ thuật... nhưng giáo sư Phong Lê gút lại bằng cụm từ ngắn gọn: cần phải có bản lĩnh của văn nghệ sĩ.

Để có tác phẩm xứng tầm, đỉnh cao:

* Nhà văn Hoàng Đình Quang

Cần tạo bầu không khí cởi mở hơn

Theo tôi, phải tạo điều kiện để tác phẩm xuất hiện một cách khách quan, không nên câu nệ vào việc kiểm soát nội dung để hạn chế xuất hiện như hiện nay, mà nếu tác phẩm nào sai thì xử theo luật. Thứ hai là các nhà phê bình cần tiếp cận tác phẩm ở góc độ từng bộ môn, từng ngành nghệ thuật chứ không nên căn cứ trên từng đề tài riêng lẻ của tác phẩm, như thế sẽ tạo bầu không khí cởi mở hơn cho giới sáng tác. Tôi thấy ở Trung Quốc cũng cởi mở lắm mới có tác phẩm của Mạc Ngôn, của Lý Nhuệ được xuất bản. Và, những tác phẩm lớn cũng cần có một lượng “bạn đọc lớn”, đó là những bạn đọc đủ tầm tiếp nhận tác phẩm, nói chung là mặt bằng thưởng thức nghệ thuật của công chúng phải được nâng lên đồng bộ.

* GS Phong Lê

Bản lĩnh văn nghệ sĩ là quyết định

Để có tác phẩm tầm cao thì cần nhiều thứ, nhưng quan trọng nhất vẫn là chủ thể nhà văn. Nhà văn hiện rất cần có bản lĩnh, để đối diện trước bao vấn đề của cuộc sống hôm nay, kể cả những hiểm họa mà bất kỳ văn nghệ sĩ có lương tâm nào cũng không thể bỏ qua. Có thể lâu nay bầu khí quyển văn nghệ chúng ta chưa tốt, văn nghệ sĩ cũng còn một số quán tính thiếu bản lĩnh, nhưng tôi tin vào thế hệ trẻ trong tương lai. Cùng với xu hướng cởi mở từ kinh tế, chính trị, chắc chắn văn học nghệ thuật cũng có những chuyển động tích cực. Lớp trẻ năng động chắc chắn có những giải pháp để nền văn nghệ dân tộc mình không tuyệt vọng. Nói về những dấu hiệu lúc này thì chưa rõ, tôi đọc giới trẻ, thấy mặc dù chưa hình thành dòng chính, nhưng vẫn có những cây bút tốt, đủ để tin vào triển vọng tương lai.

L.ĐIỀN ghi

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp