Bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 được đánh giá có tác động lớn chưa từng thấy đối với thế giới - Ảnh: NBC
Ngày 3-11, hơn 7,5 tỉ người trên thế giới sẽ chứng kiến một sự kiện bầu cử vô cùng quan trọng mà không phải ai cũng có quyền quyết định kết quả của nó.
Đoạn kết của một siêu cường?
Theo Đài NBC News, trong mắt các nhà phê bình Trump, việc ông tái đắc cử đồng nghĩa thảm họa không chỉ đối với hình ảnh của Washington, mà còn khả năng thúc đẩy các lợi ích của nước Mỹ trên toàn cầu.
Bà Karin von Hippel, cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhận xét: "Nếu ông Trump thắng, chúng ta sẽ sống trong một thế giới càng chia rẽ, cạnh tranh và chủ nghĩa dân tộc. Tôi nghĩ nhiệm kỳ 2 của Trump sẽ là đoạn kết của nước Mỹ trong vị thế một siêu cường".
Vì nhiều lý do, bà von Hippel tin rằng cuộc bầu cử lần này là quan trọng nhất trong cả cuộc đời. "Thậm chí nếu ông Biden thắng, nước Mỹ sẽ không bao giờ được tin tưởng như trước nữa", bà tỏ ra không mấy lạc quan.
Ông Trump không được yêu thích ở phần lớn châu Âu, Trung Đông, châu Á và một số khu vực Mỹ Latin. Dữ liệu của Trung tâm Pew (Mỹ) ghi nhận ông được ủng hộ nhiều nhất ở các nước như Ấn Độ, Nigeria, Philippines, Ba Lan và Israel.
Nhưng đó không phải vấn đề chính. Phe ủng hộ nói tập trung vô chuyện thế giới thích Trump bao nhiêu chỉ phí thời gian, cái chính là ông bảo vệ lợi ích của Mỹ chứ không đi vuốt ve các nước khác như mấy vị tiền nhiệm.
"Trump sẽ không bao giờ thắng một cuộc thi người được yêu thích, nhưng mục tiêu của Mỹ không phải là làm hài lòng các quốc gia khác" - ông Salvatore Babones, giáo sư Đại học Sydney, bình luận.
Giáo sư Babones tự nhận không phải "fan của Trump", nhưng ông chỉ ra một số thành quả Tổng thống Mỹ đã làm được ở nước ngoài: Giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số nước Ả Rập, ngăn các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, siết chặt cấm vận Nga và không để bị sa lầy ở Syria.
"Người ta có thể không thích nhưng Trump là một ông sếp cứng rắn. Thể loại cấp trên này thường chẳng mấy ai ưa nhưng họ có thể làm được nhiều việc", giáo sư Babones so sánh.
Ông Trump chứng kiến lễ ký kết Thỏa thuận Abraham giữa Israel, UAE và Bahrain ngày 15-9 - Ảnh: AFP
Mỗi tổng thống Mỹ đều để lại dấu ấn lớn trong các vấn đề quốc tế, vì suy cho cùng đây là nhà lãnh đạo của sức mạnh kinh tế - quân sự số 1 thế giới. Nhưng cuộc đua giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden năm 2020 càng đặc biệt hơn.
Nếu tái đắc cử, ông Trump được dự đoán sẽ tiếp tục theo đuổi chủ trương "nước Mỹ trên hết" với bản chất là chủ nghĩa dân tộc đổi chác.
Ông Biden sẽ không thể quay ngược thời gian trở lại những năm tháng làm phó tổng thống, nhưng ít nhất sẽ hồi sinh hình mẫu truyền thống của chính sách đối ngoại, vốn sẽ ảnh hưởng rất khác đến các đồng minh và đối thủ của Mỹ.
Liệu nó thành công đến đâu trong bức tranh địa chính trị mới ngày nay thì còn phải chờ xem.
Nhiều hệ quả đối với thế giới
Cuộc bầu cử này sẽ để lại hệ quả rõ ràng trong 2 vấn đề cấp bách của thế giới: Biến đổi khí hậu và COVID-19.
Ông Trump từ lâu đã không tin vào chuyện băng tan, biển ấm, ông sẽ biến Mỹ thành quốc gia duy nhất trên thế giới rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris nếu tái đắc cử. Ngoài ra, ông đã bắn tiếng sẽ không tham gia liên minh vắcxin quốc tế và sẽ hoàn thành việc thoát ly khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Trái lại, ông Biden cam kết sẽ đảo ngược quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris và WHO, còn tiếp theo ông xử lý 2 cuộc khủng hoảng này ra sao thì chưa rõ.
Về Trung Quốc, sự khác biệt giữa 2 ứng viên không lớn, cả Trump và Biden đều muốn cứng rắn với Bắc Kinh. Một số nhà quan sát nói việc Trump rút khỏi các định chế đa phương tạo ra khoảng trống quyền lực Trung Quốc rất vui lòng trám chỗ.
Không rõ Bắc Kinh thích ứng viên nào hơn lần này.
Một cuộc họp G7 tháng 8-2019 với sự tham dự của Tổng thống Trump - Ảnh: AFP
Có thể nói thế giới đang đứng trước vô vàn ngã rẽ tùy thuộc vào kết quả cuộc bầu cử Mỹ.
Ở Trung Đông, ông Trump có lẽ sẽ tiếp tục gây áp lực tối đa lên Iran, chống lưng cho Israel trong tranh chấp với người Palestine. Ông Biden thì sẽ tìm cách hồi sinh thỏa thuận hạt nhân với Iran đã bị ông Trump vất sọt rác và có thể chỉ trích Israel nhiều hơn.
Ông Trump sẽ duy trì quan hệ nồng ấm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, còn cặp đôi Biden - Kamala Harris (gốc Ấn) có thể gây sức ép lên ông Modi về vấn đề nhân quyền. Kịch bản tương tự cũng áp dụng với Tổng thống Brazil Bolsonaro - một đồng minh dân túy của ông Trump.
Hầu hết chuyên gia đồng ý cả ông Trump và Biden không có hi vọng thuyết phục Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Còn trong quan hệ với Nga, Biden sẽ không ăn nói mềm mỏng với Tổng thống Putin như ông Trump trong 4 năm qua.
Các cường quốc châu Âu như Pháp, Đức sẽ vui mừng nếu ông Trump ra đi sau khi đã nhận đủ lời đe dọa và tối hậu thư từ ông. Biden sẽ sửa chữa một số rạn nứt trong quan hệ, nhưng ông sẽ gây áp lực buộc các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chi thêm tiền, dù có thể theo cách lịch sự hơn ông Trump.
"Trump là hình mẫu lãnh đạo thúc đẩy chính sách đối ngoại mang tính chủ nghĩa dân tộc, đôi khi phân biệt chủng tộc. Ông không quan tâm đến vi phạm nhân quyền, trừ khi ông muốn làm khó quốc gia nào đó để đổi chác", chuyên gia Hippel phân tích.
Nhìn chung, tới giớ này các chuyên gia không thể hình dung được nhiệm kỳ 2 của ông Trump sẽ ra sao. Ông Alexander Stubb, cựu thủ tướng Phần Lan, so sánh lựa chọn giữa Trump và Biden giống như lựa chọn giữa "khả năng nắm bắt, dễ đoán và sự bất định, khó đoán".
"Hầu hết thế giới sẽ thở phào nếu Biden trúng cử. Nhưng tôi nghĩ chúng ta nên thực tế, cần nhìn nhận rằng chúng ta sẽ không bao giờ quay lại những ngày xưa cũ - cũng như sức mạnh Mỹ sẽ không bao giờ còn như trước", ông Stubb nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận