10/03/2019 11:33 GMT+7

Bầu cử Thái và các nhân tố lạ

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Chỉ còn 2 tuần nữa Thái Lan bước vào tổng tuyển cử. Đây là cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên được tổ chức kể từ khi Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha lên điều hành chính quyền quân sự năm 2014.

Bầu cử Thái và các nhân tố lạ - Ảnh 1.

Ứng viên Thanathorn Juangroongruangkit (trái) chụp hình cùng người ủng hộ trong một cuộc vận động chiến dịch ở Bangkok - Ảnh: Reuters

Cuộc bầu cử năm nay chứng kiến những ứng viên lạ: một hiện tượng trên mạng xã hội và một người chuyển giới.

7,4 triệu cử tri trẻ

Theo Guardian, cuộc bầu cử chính thức cuối cùng ở Thái Lan diễn ra năm 2011 khi việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội không phổ biến như hiện nay. Giờ đây, ít nhất 74% người Thái sử dụng một số nền tảng xã hội.

Ngày 4-3, sau gần 5 năm lên nắm quyền, Thủ tướng Prayuth đã công bố bài hát và video bài tình ca do ông tự viết trên tài khoản Facebook, nói về con đường dân chủ Nuk Paen Din nhằm tôn vinh sức mạnh của lực lượng vũ trang.

Bangkok Post dẫn lời Phó thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam cho biết Ủy ban bầu cử đã thông qua nghị quyết quy định cụ thể hành động của ông Prayuth trước bầu cử, bao gồm việc ông không được phép đi vận động phiếu bầu để tập trung cho công việc điều hành chính phủ.

Cuộc bầu cử ngày 24-3 sẽ chứng kiến khoảng 7,4 triệu cử tri lần đầu tiên đủ điều kiện đi bầu, chiếm hơn 10% tổng số cử tri. Những người này không bị phân cực quá nhiều đối với các phe áo đỏ và áo vàng trong chính trị Thái Lan. Những cử tri mới này đã chứng kiến và quá ngao ngán với các cuộc xung đột hơn thập kỷ qua giữa hai phe.

Đảng Future Forward do doanh nhân tỉ phú Thanathorn Juangroongruangkit lãnh đạo được đánh giá là khai thác tốt nhất phương tiện truyền thông xã hội và đang nhắm đến 7,4 triệu cử tri lần đầu đi bầu. Guardian nhận định dù là đảng "nhỏ" so với nhiều đối thủ nặng ký nhưng Future Forward có chương trình nghị sự cấp tiến hơn và là đảng có động lực phát triển nhất.

Ông Thanathorn, một trong những nhà phê bình chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayuth thẳng thắn nhất, cũng đã trở thành một hiện tượng truyền thông xã hội. Có biệt danh là "cha nuôi", một nhân vật trong một bộ phim nổi tiếng của Thái Lan. Hashtag #skylovesdaddy của ông đã trở thành xu hướng trong nhiều tuần qua trên Twitter. Thanathorn cũng có hơn 400.000 người theo dõi trên Facebook.

Ứng viên chuyển giới

Một nhân vật nổi bật không kém trong cuộc bầu cử lần này là ứng cử viên chuyển giới đầu tiên cho vị trí thủ tướng là bà Pauline Ngrampring. Bà Pauline tham gia đảng cánh tả Mahachon năm 2018 và nhanh chóng nổi bật rồi được chọn làm đại diện đảng ra tranh cử.

Trước khi chuyển giới, Pauline là một doanh nhân thành đạt tên Pinit Ngrampring và từng làm báo trước khi chuyển qua kinh doanh trong lĩnh vực thể thao Thái Lan.

Ứng viên thủ tướng 52 tuổi này là một biểu tượng cho cuộc chiến đòi quyền bình đẳng tại Thái Lan. Bà Pauline hi vọng sẽ giành được tiếng nói cho những người không được coi trọng trong xã hội Thái Lan cũng như đặt nền móng chính trị cho những người thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới).

Hiện tại, theo Reuters, bà Pauline đang tất bật vận động tranh cử ở Bangkok và tiếp nhận các cuộc phỏng vấn với giới truyền thông cũng như gặp gỡ những người ủng hộ dù bà thừa nhận cơ hội để trở thành thủ tướng Thái Lan của mình khá mong manh.

"Việc ứng cử của bà ấy rất có ý nghĩa vì bà ấy đang thách thức tất cả các chuẩn mực truyền thống về giới tính. Mặc dù chúng tôi đã có người chuyển giới trong chính trị Thái Lan nhưng không ai công khai giới tính của họ như bà ấy" - bà Anjana Suvarnanda của tổ chức quyền LGBT Anjaree Group nhận định.

Cho đến nay, Thái Lan chỉ có một thủ tướng nữ là bà Yingluck Shinawatra và trong gần 70 ứng viên thủ tướng lần này chỉ có 7 nữ. Một trong số những ứng viên nữ tuyên bố ra tranh cử năm nay còn có chị gái của nhà vua Thái Lan là bà Ngrampring Rajakanya Sirivadhana. 

Tuy nhiên, con đường chính trị của công chúa Thái Lan chỉ tồn tại ngắn ngủi khi nhà vua Thái khẳng định việc tham gia vào chính trường là vi hiến. Thai Raksa Chart, đảng đề cử công chúa Thái, cũng đã bị giải thể theo quyết định của Tòa án hiến pháp Thái Lan ngày 7-3.

Đổi tên theo các cựu thủ tướng

Có không ít ứng cử viên thủ tướng Thái Lan năm nay nghĩ ra chiến lược kỳ lạ để gây ấn tượng với cử tri.

Guardian cho biết 15 ứng viên đã đổi tên cho giống với các cựu thủ tướng Thái Lan.

Cụ thể, có 10 ứng viên nam đổi tên thành Thaksin theo tên cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra và 5 ứng viên nữ đổi tên thành Yingluck Shinawatra.

Tuy nhiên, theo giáo sư Thitinan Pongsudhirak của Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế của Thái Lan thì chiến lược này khó thành công và có khi còn phản tác dụng.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp