"Tôi là Pita Limjaroenrat - thủ tướng tiếp theo của Thái Lan", ứng viên của Đảng Move Forward tuyên bố với các phóng viên tại trụ sở đảng này ở Bangkok hôm 15-5, sau khi có kết quả kiểm phiếu sơ bộ trong cuộc bầu cử Thái Lan.
Đảng Tiến bước (MFP) giành nhiều ghế nhất
Ông Pita cũng cho biết đã sẵn sàng thành lập chính phủ và cam kết sẽ trở thành "thủ tướng của tất cả mọi người".
Vị tỉ phú trẻ tuổi tạo nên cơn địa chấn trên chính trường Thái Lan sau khi Đảng Tiến bước dẫn đầu trong kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc tổng tuyển cử ngày 14-5.
Đầu giờ chiều 15-5, Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) thông báo đã hoàn tất kiểm phiếu và công bố kết quả sơ bộ. Cơ quan này cũng công bố chiến thắng thuộc về Đảng Tiến bước (MFP).
Chủ tịch EC Ittiporn Boonpracong cho biết MFP đã giành được tổng cộng 152 ghế tại Hạ viện. Trong số này có 113 ghế nghị sĩ theo khu vực bầu cử và 39 ghế nghị sĩ theo danh sách đảng. Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) đứng thứ hai với 141 ghế (tương ứng lần lượt là 112 và 29 ghế).
Đảng Tự hào Thái Lan (Bhumjaithai) đứng thứ ba với 70 ghế tổng cộng. Đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (PPRP) xếp sau với tổng số ghế đạt được là 40.
Đảng Quốc gia Thái Thống nhất (UTN) của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha xếp thứ 5 với 23 ghế nghị sĩ theo khu vực bầu cử và 13 ghế nghị sĩ theo danh sách đảng.
Ông Ittiporn cho biết tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 75,22%, cao hơn cả mức kỷ lục 75,03% trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2011.
Ông Pita Limjaroenrat cho biết sẽ tìm cách xây dựng một liên minh sáu bên, bao gồm cả Đảng Pheu Thai.
Vị tỉ phú trẻ tuổi tiết lộ với báo giới là ông đã gọi cho bà Paetongtarn Shinawatra để chúc mừng chiến dịch tranh cử của bà, đồng thời mời nữ ứng viên hàng đầu này tham gia vào liên minh.
Đảng Tiến bước là đảng kế thừa của Future Forward (Hướng tới tương lai), lực lượng gây tiếng vang trên chính trường Thái Lan 5 năm trước do nhà lãnh đạo Thanathorn Juangroongruangkit dẫn dắt trước khi bị giải thể vào năm 2020.
Đảng Pheu Thai đồng ý liên minh với Tiến bước
Đáp lại lời mời từ tỉ phú Pita sau cuộc bầu cử Thái Lan, Đảng Pheu Thai hôm 15-5 đồng ý với đề xuất thành lập một liên minh với Đảng Tiến bước.
Đảng này cho biết thêm họ không có kế hoạch thành lập bất kỳ chính phủ nào khác.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, các nhà lãnh đạo Đảng Pheu Thai cho biết họ tin rằng số ghế mà họ và Đảng Tiến bước giành được trong Hạ viện là đủ để thiết lập một chính phủ ổn định.
Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh việc bầu ra thủ tướng Thái Lan còn phụ thuộc vào các yêu cầu pháp lý.
Lãnh đạo Đảng Dân chủ tuyên bố từ chức sau cuộc bầu cử Thái Lan
Theo tờ The Thaiger, vào khuya 14-5, lãnh đạo Đảng Dân chủ Thái Lan - ông Jurin Laksanawisit - tuyên bố từ chức lãnh đạo trên nhóm LINE của đảng này.
Ông Laksanawisit nhận trách nhiệm về thành tích yếu kém của đảng này trong cuộc bầu cử Thái Lan. Đảng dân chủ chỉ giành được 25 ghế trong Hạ viện (gồm 22 ghế từ các khu vực bầu cử và 3 ghế từ danh sách đảng).
Ông Laksanawisit gửi lời cảm ơn tới các cử tri và các lãnh đạo khác trong đảng đã ủng hộ ông trong cuộc bầu cử.
Ông cũng khẳng định dù từ chức nhưng vẫn sẽ "ở lại với đảng, bất kể ở cương vị nào".
Nạn mua phiếu bầu lại tràn lan ở Bangkok
Tổng thư ký Ủy ban bầu cử (EC) Thái Lan - ông Sawaeng Boonme - cho biết cơ quan này đã ghi nhận 163 khiếu nại vào ngày 14-5.
Trong đó có 58 khiếu nại liên quan đến việc mua phiếu bầu (hầu hết là ở Bangkok), 55 khiếu nại về gian lận, 17 khiếu nại về việc quan chức nhà nước lạm quyền khi giám sát các cuộc thăm dò cử tri.
Cựu chính trị gia Chuvit Kamolvisit tố giác ít nhất 100 người đã đưa 500 baht cho mỗi người dân ở Ayutthaya, Chon Buri, Pathum Thani, Songkhla và Yala, nhằm mua phiếu bầu của họ. Tuy nhiên chưa có bằng chứng cho tố giác này.
Theo cảnh sát trưởng quốc gia, Pol Gen Damrongsak Kittiprapas, hơn 150.000 sĩ quan đã được triển khai để duy trì hòa bình và trật tự tại 94.737 điểm bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Thái Lan.
Video: Chồng chở người tình đi bầu cử bị vợ chặn đường bắn ở Thái Lan
Trong 2-3 ngày qua, ít nhất ba người đã bị buộc tội mua phiếu bầu. Ông cho biết cảnh sát cũng đang điều tra hành vi phá hoại các biểu ngữ vận động tranh cử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận