Trong cuộc bỏ phiếu ngày 13-7, ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo Đảng Tiến bước (MFP), không giành được đủ số phiếu ủng hộ của Quốc hội để trở thành thủ tướng thứ 30 của Thái Lan.
Kết quả kiểm phiếu cho thấy ông Pita nhận được 324 phiếu ủng hộ, 182 phiếu chống và 199 phiếu trắng - còn thiếu 51 phiếu để đạt số phiếu tối thiểu chiến thắng là 375 phiếu trên tổng 749 thành viên Quốc hội, gồm 500 ghế Hạ viện và 249 ghế Thượng viện.
Liên minh lỏng lẻo
Các vòng bỏ phiếu tiếp theo dự kiến diễn ra ngày 19 và 20-7. Dù ông Pita tuyên bố sẽ không bỏ cuộc và tích cực chuẩn bị cho vòng sau, nhưng chưa rõ ông có tiếp tục được đề cử hay không.
Trong khi đó, có thông tin rằng Đảng Pheu Thai của gia tộc cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra có thể đề xuất ứng viên hàng đầu của mình là ông trùm bất động sản Srettha Thavisin. Pheu Thai, đảng về nhì sau MFP trong cuộc bầu cử Hạ viện Thái Lan hồi tháng 5-2023, là một trong 8 đảng liên minh với MFP để nắm đa số ghế trong Hạ viện.
Theo trang Asia Times, cuộc cạnh tranh trong liên minh do MFP dẫn đầu sẽ nóng lên trong những ngày tới, vì ông Pita sẽ phải thuyết phục các đối tác rằng mình có thể chiến thắng trong vòng bỏ phiếu tiếp theo.
Trong khi đó, khó khăn hiển hiện khi Ủy ban Bầu cử (EC) đệ trình cáo buộc ông vi phạm luật tranh cử lên Tòa án Hiến pháp chỉ 1 ngày trước cuộc bỏ phiếu. EC yêu cầu tòa đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita vì sở hữu cổ phần trong một công ty truyền thông khi tranh cử.
Tòa án Hiến pháp cũng đã chấp nhận một đơn kiện cho rằng MFP toan tính "lật đổ" Hoàng gia khi đòi sửa đổi luật chống khi quân, tức điều 112 trong Bộ luật Hình sự.
Vụ kiện thứ nhất có thể khiến ông Pita bị cấm hoạt động chính trị, thậm chí ở tù, trong khi vụ kiện thứ hai có nguy cơ khiến MFP bị giải tán và mất hết ghế trong Quốc hội.
Theo giới phân tích, thất bại ở vòng 1 của ông Pita và 2 vụ kiện nói trên có thể phá vỡ liên minh lỏng lẻo giữa MFP và Pheu Thai.
Trước đó, MFP và Pheu Thai đã tranh cãi về nhiều vấn đề, và một số chính trị gia của Pheu Thai đã chỉ trích sự non nớt của MFP.
Chia rẽ
"Sân khấu đã sẵn sàng cho một cuộc chia rẽ chính trị", tờ Asia Times nhận định.
Nhiều ý kiến cho rằng Pheu Thai có thể tham gia liên minh với Đảng PPRP thân quân đội để thành lập một chính phủ "đoàn kết", gác lại quá khứ đảo chính lật đổ 2 thủ tướng của nhà Shinawatra năm 2006 và 2014.
Các nhà ngoại giao và nhà quan sát cho biết tại cuộc bỏ phiếu ngày 13-7, đã có ít nhất 3 cuộc gặp giữa bà Pojaman Na Pombejra, vợ cũ của cựu thủ tướng Thaksin và là một nhà môi giới quyền lực ở hậu trường cho Pheu Thai, với các quan chức hàng đầu của Hoàng gia.
Những cuộc gặp đó phần nào giải thích việc ông Thaksin nhiều lần tuyên bố sẽ trở về vào tháng 7-2023. Để đạt được nguyện vọng này, ông cần sự ân xá của Hoàng gia để tránh bị ngồi tù vì các tội danh tham nhũng.
Một tín hiệu khác là Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Thái Lan ngày 13-7 đã hủy cáo buộc tham nhũng đối với ông Thaksin liên quan đến hoạt động thu mua của Hãng Thai Airways từ năm 2003.
Đến nay, việc liệu Pheu Thai có từ bỏ lập trường chống quân đội để trở lại nắm quyền và đưa ông Thaksin về nước hay không vẫn chưa rõ.
Tuy nhiên, phía bên kia, gồm Hoàng gia, quân đội và các gia đình tài phiệt, rõ ràng đều coi Đảng MFP của ông Pita và kế hoạch hành động của đảng này đáng lo ngại hơn Đảng Pheu Thai của ông Thaksin. Một liên minh do Pheu Thai dẫn đầu thiếu đi MFP có thể vẫn sẽ được coi là một liên minh dân chủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận