10/07/2020 09:16 GMT+7

Bầu cử Singapore: Cuộc trưng cầu ý dân về COVID-19 và việc làm

DUY LINH
DUY LINH

TTO - 2,65 triệu người Singapore sẽ bỏ phiếu trong hôm nay 10-7. Một chiến thắng nữa dành cho Đảng Hành động nhân dân (PAP) của Thủ tướng Lý Hiển Long là điều chắc chắn. Vậy thì cuộc tổng tuyển cử này còn có gì để theo dõi?

Bầu cử Singapore: Cuộc trưng cầu ý dân về COVID-19 và việc làm - Ảnh 1.

Thủ tướng Lý Hiển Long (trái) và ông Lý Hiển Dương - Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát, có rất nhiều điểm mới trong cuộc tổng tuyển cử lần này. Đầu tiên là con số kỷ lục 11 đảng tham gia tranh cử.

Kế đến, đây là cuộc bầu cử đầu tiên của Singapore kể từ khi luật chống tin giả có hiệu lực. Đại dịch COVID-19 đã khiến các cuộc vận động tranh cử trực tiếp bị hủy bỏ, buộc các đảng phái phải dựa vào mạng Internet để lôi kéo phiếu bầu vô hình trung chịu sự kiểm soát của luật chống tin giả.

Nhưng về bản chất, nhiều người cho rằng cuộc bầu cử lần này chỉ là một cuộc trưng cầu ý dân về cách xử lý dịch COVID-19 cùng đường hướng cho kinh tế của chính quyền.

Hòn đá tảng PAP

Hãng tin Reuters nhận định trong bối cảnh nền kinh tế đất nước vẫn còn ảm đạm vì đại dịch và đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn, không có nhiều người Singapore muốn thay đổi đảng lãnh đạo chính phủ. PAP được ví như hòn đá tảng, đã cầm quyền liên tục từ khi đảo quốc này giành độc lập năm 1965.

Kể cả khi người dân có mất chút lòng tin dẫn tới sự sụt giảm số phiếu ủng hộ, PAP vẫn giành thế đa số áp đảo trong quốc hội nhờ vào hệ thống bầu cử theo nguyên tắc "first past the post" - người giành được nhiều số phiếu nhất sẽ lấy tất cả ghế tại khu vực bầu cử.

COVID-19 được ví như "thiên nga đen" - tức hiện tượng hiếm gặp và không thể dự báo trước, nhưng PAP có vẻ đã nắm được cánh con thiên nga này. Chính phủ của ông Lý Hiển Long về cơ bản đã kiểm soát dịch tốt và chứng minh được năng lực của các quan chức trong chính quyền. 

Vương Thụy Kiệt, người được dự đoán sẽ trở thành "người kế vị" của ông Lý, đã rót hơn 75 tỉ USD cho các gói kích thích kinh tế trước những ảnh hưởng của dịch bệnh. Ông Vương cũng là người đã dẫn dắt Ngân hàng trung ương Singapore bước qua khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Nhưng kể cả khi PAP tiếp tục cầm quyền, khả năng ông Vương trở thành thủ tướng ngay lập tức không cao. Hôm 6-7, Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố ông sẽ chỉ giao lại một Singapore "nguyên vẹn và hoạt động tốt" cho lớp lãnh đạo mới thay vì một Singapore sứt mẻ và hỗn độn vì COVID-19. Nhà lãnh đạo năm nay 68 tuổi đã từng tuyên bố sẽ rút lui trước năm 70 tuổi nhưng đại dịch đã khiến ông suy nghĩ lại, đồng nghĩa thời điểm người Singapore có thể gặp một gương mặt thủ tướng mới cũng bị dời lại chút ít.

Chiến thuật của phe đối lập

Trong cuộc bầu cử năm 2015, PAP chỉ giành được tổng cộng 69,9% số phiếu nhưng vẫn kiểm soát tới 83 ghế tại quốc hội, tương đương 93% số ghế nghị sĩ phải qua bầu cử của cơ quan lập pháp. Đảng Công nhân Singapore là đảng đối lập duy nhất có mặt trong quốc hội nhưng cũng chỉ giành được 6 ghế.

Mười đảng đối lập tham gia bầu cử năm nay đều hiểu rõ một chính phủ do họ lãnh đạo là điều bất khả thi nhưng không vì thế mà buông xuôi, bỏ cuộc. Các nhà phân tích lưu ý số phiếu dành cho các đảng đối lập sẽ cho thấy mức độ bức xúc của người dân đối với cách điều hành đất nước của PAP.

Trong khi PAP tận hưởng uy tín từ việc kiểm soát tốt dịch bệnh, các đảng đối lập tập trung vào một vấn đề nhạy cảm hơn: việc làm của người bản địa hậu COVID-19. Có đến 8/10 đảng đã cam kết trong cương lĩnh tranh cử rằng họ sẽ ưu tiên việc làm cho người dân Singapore so với người nước ngoài. "Đó là một vấn đề hấp dẫn với người Singapore" - giáo sư Eugene Tan thuộc Đại học Quản lý Singapore nhận định.

Phần lớn người nước ngoài ở Singapore là lao động phổ thông nhưng vẫn có một nhóm nhỏ những người giỏi, trình độ cao được trả lương hậu hĩnh. Điều này khiến người Singapore bất mãn và cho rằng vị trí đó nên dành cho con em của họ, vốn cũng được đào tạo tốt không kém.

PAP đã từng trả giá vì vấn đề này vào năm 2011 khi chỉ giành được 60% phiếu bầu - một con số thấp kỷ lục. Chính phủ của ông Lý sau đó đã phải điều chỉnh bằng cách đặt hạn ngạch lao động chuyên gia nước ngoài trong một số ngành để trấn an cử tri.

Ông Lý Hiển Dương, em trai đương kim Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, đã gia nhập Đảng Tiến bộ Singapore (PSP) là đảng đối lập với PAP của ông Lý Hiển Long. Ông không tham gia tranh cử năm nay với xác nhận trên Facebook cá nhân: “Tôi chọn cách không tham gia vào cuộc bầu cử năm nay vì tôi tin rằng Singapore không cần thêm một ông Lý khác”.

Em trai thủ tướng không tranh cử vì ‘Singapore không cần thêm một ông Lý’ Em trai thủ tướng không tranh cử vì ‘Singapore không cần thêm một ông Lý’

TTO - Đúng với thông tin trước đó, ông Lý Hiển Dương, em trai đương kim Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, sẽ không làm ứng viên tranh cử bên đảng đối lập tại cuộc bầu cử ngày 10-7 tới.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp