Vũ Thị Hương Sen (Hải Dương), đại biểu Quốc hội trẻ nhất khóa XIII (sinh ngày 10-2-1986), phát biểu tại nghị trường - Ảnh: Việt Dũng |
* Trương Đăng Khoa (trợ lý tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và xây dựng Phúc Khang, giám đốc chiến lược Công ty CP Thế hệ trẻ):
Cứ đại biểu Quốc hội thì “có tuổi”?
Là một cựu cán bộ tuyên giáo của Đoàn, lại là người học luật, giờ lại làm kinh doanh, tôi thấy thời gian gần đây báo chí và mạng xã hội quan tâm nhiều tới câu chuyện tự ứng cử, trong đó có nhiều bạn trẻ. Tôi thấy thú vị. Có lẽ đã từ lâu, tận trong suy nghĩ của nhiều người, cứ là đại biểu Quốc hội thì đương nhiên phải có chút ít chức vụ và “có tuổi”.
Thế nhưng, câu chuyện tự ứng cử gần đây rộ lên trên mạng xã hội, kèm theo đó là những chương trình hành động với lý lịch “cực khủng” của nhiều người, trong đó có các bạn trẻ, làm mình chợt mơ về “một bộ máy dân cử” mà ở đó xuất hiện nhiều những người trẻ, yêu nước, nhiệt huyết và không kém tài năng.
Phải thừa nhận rằng được thừa hưởng thành quả lao động cha ông, tuổi trẻ thời nay được học hành đến nơi đến chốn, được tiếp cận những thành tựu khoa học tiên tiến, họ trẻ và có trình độ học vấn cao ngang tầm thế giới.
Chúng ta tự hào đã có bạn trẻ đứng đầu trong các cuộc thi tầm cỡ khu vực và thế giới, chúng ta có những tiến sĩ tuổi dưới 30, giáo sư tuổi dưới 40. Chúng ta cũng đã có những giảng viên trẻ đứng trên giảng đường của các trường đại học hàng đầu thế giới.
Rõ ràng chúng ta không thiếu những tài năng trẻ. Chúng ta có những doanh nhân trẻ thành đạt, những trí thức trẻ yêu nước. Vì vậy nếu có cơ hội, họ sẽ phát huy tài năng của mình để phụng sự Tổ quốc.
Tôi hình dung một nghị trường đa số là những mái đầu xanh, họ sẵn sàng đóng góp trí tuệ để xây dựng đất nước, đồng thời họ cũng sẵn sàng tranh luận đến cùng, dẹp bỏ nhược điểm còn tồn đọng để đất nước phát triển; họ có đầy đủ tài năng, đạo đức và tình yêu đất nước để làm được điều đó.
Hãy trao cho họ cơ hội được tự ứng cử, hãy để những lá phiếu của cử tri chọn lựa họ, hãy để họ gánh vác trách nhiệm cao cả là đưa đất nước thoát khỏi yếu kém, phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là cơ hội để chứng minh với thế giới rằng VN ta không thiếu những người trẻ, tài năng, sẵn sàng cống hiến cho quê hương, đất nước. Mong lắm!
* Nguyễn Tất Toàn (bí thư Đoàn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Thêm diễn đàn để bạn trẻ thử sức mình
Tại sao người trẻ không tự ứng cử vào vị trí đại biểu Quốc hội? Đầu tiên phải xét đến bản thân người trẻ đã đủ vốn kiến thức tích lũy để trở thành một đại biểu Quốc hội có sức thuyết phục, vững vàng đến đâu.
Dù theo luật hiện nay, 21 tuổi đã có thể tự ứng cử nhưng với các bạn trẻ hiện nay, tuổi này vẫn còn đang theo học trên giảng đường, vốn sống và kỹ năng vẫn chưa đủ để nghĩ đến chuyện mình tự ứng cử vào vị trí bảo vệ quyền lợi của người dân.
Bên cạnh đó, người trẻ chưa hiểu hết được vai trò và trách nhiệm của mình tới đâu trong các hoạt động chính trị sâu rộng nên việc tự ứng cử vào vị trí này trở nên bị hạn chế. Cần có nhiều diễn đàn, nhiều cơ hội giả định để các bạn trẻ thử sức mình, đặt mình vào vị trí của một đại biểu Quốc hội để hiểu vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội là gì và phải làm gì...
Phải có nhiều chương trình thực tiễn, người trẻ mới phát huy được năng lực bản thân một cách hiệu quả.
Trở thành một đại biểu Quốc hội trẻ tuổi là điều rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội thì người trẻ mới bày tỏ được tiếng nói, đóng góp ý kiến nhằm xây dựng cho đơn vị, địa phương, đất nước... hay bảo vệ quyền lợi người dân.
Khi mạng xã hội, hệ thống thông tin truyền thông ngày một phát triển như hiện nay thì việc người trẻ đóng góp ý kiến dễ dàng hơn, bằng rất nhiều kênh khác nhau.
Trong các kỳ đại hội Đoàn, người trẻ vẫn bày tỏ ý kiến đóng góp rất nhiệt tình và hữu ích cho các hoạt động chung, mang lại lợi ích cho nhiều người, hay trong các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Thành ủy, UBND TP..., các cán bộ Đoàn cũng phát huy tiếng nói của mình trong việc đóng góp ý kiến xây dựng, phát triển TP.
* Đào Duy Ngọc (thạc sĩ chính sách công): Không tin tiếng nói của mình “có trọng lượng” Tôi nghĩ nếu bạn trẻ chưa quan tâm thì có hai vấn đề: dường như các bạn trẻ thực tế phải chấp nhận những gì đang diễn ra mà không thể có ý kiến, suy nghĩ nào. Rất nhiều bạn trẻ tin rằng quan điểm của mình không thật sự được ghi nhận thì quan tâm, nói ra làm gì? Hơn nữa quyền lợi của giới trẻ khi tham gia các chủ đề chính trị hầu như không có, nếu không muốn nói đôi khi còn phản tác dụng, nghĩ rằng tiếng nói của mình “không có trọng lượng”. |
Bạn trẻ nghĩ gì về kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV sắp tới? Xa hơn là vai trò của người trẻ như thế nào trong vận mệnh của đất nước, trong các câu chuyện liên quan đến nghị trường, chính sách xã hội...? Mời bạn chia sẻ ý kiến của mình về địa chỉ [email protected] hoặc [email protected]. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận