Thủ tướng Hun Sen cùng vợ đi bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu gần nhà ở ngoại vi Phnom Penh - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Campuchia vừa trải qua một kỳ bầu cử quốc hội yên ả nhất từ nhiều năm trở lại đây. Khác hẳn những lo lắng trước đó, trong kỳ chạy đua quyền lực 5 năm giữa các đảng, ở Campuchia lại hay diễn ra những hành động cực đoan của một số đảng đối lập.
Nhưng lần này, dường như 80.000 cảnh sát được Bộ Nội vụ Campuchia điều động bảo vệ bầu cử đã có một ngày nhàn hạ.
Sức ép trước cuộc bầu cử
Sam Rainsy, cựu chủ tịch Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP - đã bị giải thể), đối thủ chính trị lớn nhất của ông Hun Sen trong những năm gần đây, mặc dù bị kết án và phải sống lưu vong nhưng vẫn gây ít nhiều "phiền phức" cho CPP cầm quyền.
Trước thềm bầu cử Quốc hội Campuchia, cuộc bầu cử được đánh giá là quan trọng nhất của đất nước Angkor, một mặt ông Sam Rainsy thuyết phục lãnh đạo các nước phương Tây tăng cường sức ép lên chính phủ của Thủ tướng Hun Sen; một mặt ông này kêu gọi cử tri trong nước tẩy chay bầu cử bằng các chiến dịch "Ngón tay sạch" hay "Ngày nghỉ ngơi" để không tham gia bầu cử.
Mọi chuyện dường như khó khăn đối với chính phủ của ông Hun Sen, khi Mỹ tăng cường sức ép bằng đóng băng tài khoản của một số quan chức có liên hệ thuộc Đảng CPP; trong nước, nhiều ý kiến đánh giá, một lượng không nhỏ cử tri trung thành với CNRP sẽ không tham gia bầu cử. Thậm chí, có những dự báo thấp về số cử tri tham gia bỏ phiếu đợt này.
Vận động nhân dân đi bầu
Ông Hun Sen đã thuyết phục người dân rằng chỉ có CPP mới là đảng sát cánh với người dân Campuchia trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Ông nói với người dân rằng có thể có nước không công nhận kết quả bầu cử lần này, nhưng với ông và đảng của ông, quan trọng nhất là được người dân công nhận.
Hun Sen và bộ máy của ông đã làm mọi cách có thể để người dân đi bỏ phiếu, từ vận động bầu cử, tổ chức xe đưa đón công nhân đi bầu, cả những biện pháp mạnh nhằm răn đe những người xúi cử tri không đi bầu cử...
Sáng qua, khi ông Hun Sen và vợ, bà Bun Nary, đến điểm bỏ phiếu gần nhà tại một ngôi chùa ở ngoại vi Phnom Penh, những người làm truyền thông vẫn mang theo những câu hỏi liệu có bao nhiêu người dân Campuchia đến phòng phiếu, liệu đảng của ông có sức ép nào trước cuộc bầu cử được đánh giá là "không cân sức" giữa CPP và 19 đảng tham gia tranh cử còn lại.
Mặc dù vậy, trước đó những người của CPP vẫn dự đoán số cử tri sẽ tham gia bỏ phiếu không dưới 70% trong số trên 8,3 triệu cử tri đăng ký.
Không ai nghi ngờ khả năng thắng cử của CPP, nhưng điều người ta quan tâm khác là liệu bầu không khí chính trị của CPP có còn đủ niềm tin để người dân tham gia vào kỳ bầu cử quan trọng nhất, 5 năm mới có một lần.
Bầu cử quốc hội, đồng nghĩa với bầu thủ tướng điều hành đất nước, bởi đảng thắng cử cầm chắc ghế thủ tướng thuộc về mình. Không ai nghi ngờ người dân Campuchia tiếp tục gửi lòng tin vào ông Hun Sen, nhưng quan trọng là ông giữ được bao nhiêu tín nhiệm.
Cuộc bầu cử diễn ra với quy trình nghiêm ngặt, được giám sát của các đảng tranh cử và nhiều quan sát viên quốc tế - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Thắng lợi của CPP
Đến trước 12h hôm qua, những người ủng hộ CPP có thể tạm nhẹ nhõm khi con số cử tri đi bầu đạt trên 50% trong buổi sáng; con số ấy được cập nhật liên tục tại các địa phương, theo từng phòng phiếu... cho đến cuối ngày.
Thậm chí một số đảng viên CPP còn chưa dám tin người dân Campuchia lại hào hứng với cuộc bầu cử như vậy: trên 82% cử tri đi bầu, vượt xa con số trên 69% ở kỳ bầu cử năm 2013 - năm mà CNRP còn "làm mưa làm gió" với các chiêu bài kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Nhiều người đánh giá thắng lợi ngoạn mục của CPP nói chung và của cá nhân người đứng đầu, Thủ tướng Hun Sen nói riêng, cho thấy các chiêu bài kích động từ bên ngoài của ông Sam Rainsy đã không còn tác dụng, khi chính ông đã không cùng cam cộng khổ với người dân Campuchia bao nhiêu.
Một bận tâm khác nữa là tỉ lệ cử tri bầu cho các đảng. Giới quan sát không ai nghi ngờ CPP sẽ thắng trong cuộc chạy đua 125 ghế vào quốc hội lần này.
Nhưng những người thiện cảm với CPP lại có một mong muốn là đảng này... đừng thắng quá cao. Bởi nếu kết quả "một mình một chợ" nghiêng về cho CPP chưa hẳn là tốt hoàn toàn cho đất nước Campuchia và cho cả CPP. Điều đó sẽ không tránh được sự hoài nghi của một vài nước vốn có màu sắc chính trị khác Campuchia.
Người phát ngôn của CPP tuyên bố thắng cử
CPP thống kê họ có thể giành từ 110-115 trong tổng số 125 ghế quốc hội. Số còn lại sẽ thuộc về các đảng Dân chủ cơ sở (GDP), Liên minh dân chủ Campuchia (LDP) và FUNCINPEC. Kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 15-8, sau khi Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia giải quyết các khiếu nại (nếu có) về cuộc bầu cử này.
Kỳ vọng vào hòa bình và phát triển
Hãng tin Reuters dẫn lời Yoeung Sotheara, chuyên gia luật và phân tích bầu cử từng làm giám sát viên bỏ phiếu tại Campuchia, cho biết đợi cải cách bầu cử năm 2016 giúp người dân dễ dàng đăng ký nơi sinh sống và loại bỏ những người đã qua đời, tên giả khỏi danh sách cử tri.
Trong khi đó, Tân Hoa xã phỏng vấn các cử tri Campuchia cho biết họ kỳ vọng vào hòa bình và phát triển sau bầu cử. "Tôi không muốn thấy biểu tình hay xung đột sau cuộc bầu cử" - bà Ngem Pheap, 48 tuổi, nói. Một cử tri khác, bà Sim Chanthan, 54 tuổi, cũng cho biết: "Tôi đi bầu vì muốn đất nước tiếp tục hòa bình và phát triển".
Cuộc bầu cử Campuchia cũng chịu nhiều chỉ trích từ phương Tây về việc đảng đối lập CNRP bị giải tán trong khi các nhân vật đối lập kêu gọi tẩy chay thùng phiếu. Tuy nhiên, chủ tịch Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia Sik Bun Hok khẳng định tỉ lệ đi bỏ phiếu cao đã xóa bỏ các nghi ngờ về cuộc bầu cử.
"Đây là câu trả lời cho cộng đồng quốc tế đặt câu hỏi liệu Campuchia có yêu dân chủ hay không" - ông nói.
NGÔ HẠNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận