24/11/2007 09:00 GMT+7

Bầu cử ở Úc, mùa "hứa hẹn"

TRUNG NGHĨA (từ Sydney)
TRUNG NGHĨA (từ Sydney)

TT - Hôm nay, người Úc đi bầu cử. Càng sát giờ G, các đảng phái tung chiêu thu hút cử tri như những bước nhảy cuối cùng của chú kangaroo. Dù vậy, vẫn có 8-10% dân Úc chưa biết mình nên bầu cho ai trên đường đến phòng bỏ phiếu!

aasLiSWh.jpgPhóng to
Một điểm giới thiệu và hướng dẫn dân Úc đi bỏ phiếu sớm tại khu Hay Market, Sydney
TT - Hôm nay, người Úc đi bầu cử. Càng sát giờ G, các đảng phái tung chiêu thu hút cử tri như những bước nhảy cuối cùng của chú kangaroo. Dù vậy, vẫn có 8-10% dân Úc chưa biết mình nên bầu cho ai trên đường đến phòng bỏ phiếu!

"Mr. Sorry" so găng "Mr. Me Too"

Vị thủ tướng cho nhiệm kỳ 2008-2011 sẽ là cuộc so găng giữa hai ứng viên: đương kim thủ tướng John Howard của Liên đảng Tự do đang cầm quyền với thủ lĩnh đảng Lao động đối lập Kevin Rudd.

Ông John Howard năm nay 68 tuổi, có bề dày kinh nghiệm hết sức lão luyện qua 11 năm cầm quyền (bốn nhiệm kỳ liên tục). Các cử tri trên 50 tuổi vẫn phục tài ông Howard, và khó ai phủ nhận những công lao to lớn của ông khi mang đến sự hưng thịnh và thặng dư rõ rệt cho nền kinh tế Úc những năm gần đây. Bất chấp nhiều kẻ xấu miệng cho là ông đã quá già và lỗi thời, ông Howard vẫn tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ năm, đồng thời tuyên bố sẽ chuyển giao chức vụ giữa nhiệm kỳ nếu tái đắc cử.

Thế nhưng xem ra điểm yếu của ông Howard trong kỳ bầu cử này không phải là chuyện tuổi tác, mà lại là bị dân gọi đùa "Mr. Sorry" (ngài Xin lỗi) vì đã... hứa lèo. Mùa bầu cử trước ông hứa không gia tăng quân số Úc tại Trung Đông, nhưng sau khi thắng cử lại đưa gấp đôi binh sĩ sang Iraq. Chưa kể ông tuyên bố sẽ không tăng lãi suất ngân hàng nếu trúng cử, nào ngờ kể từ năm 2004 đến nay lãi suất tăng... sáu lần!

Trong đó lần gần nhất, ngay giữa tháng mười một vừa qua, khi Ngân hàng liên bang Úc tăng mức lãi suất thành 6,75% (thêm 0,25%) buộc ông Howard lẫn Bộ trưởng Tài chính Peter Costello (người được ông hứa hẹn "nhường ngôi") phải xin lỗi những gia đình đang khốn khó tài chính và đánh vật với những kỳ trả nợ tiền mua nhà hằng tháng. Giới truyền thông Úc ví "sự kiện tràn ly" này chẳng khác gì việc ông Howard tự ném đi chiếc boomerang từ mùa 2004, và đến mùa bầu cử này nó đã quay ngược lại thẳng vào ông!

Ở bối cảnh ấy, ông Kevin Rudd, một chính trị gia trẻ hơn (50 tuổi, vào chính trường chưa được mười năm và đây mới là lần tranh cử đầu tiên) đã rất khôn ngoan chớp lấy cơ hội để giương cao ngọn cờ "nhà lãnh đạo mới" (new leadership) với khẩu hiệu tranh cử "hướng về tương lai". Kỳ thực, độc chiêu của ông Rudd là hễ nếu đối phương đưa ra chính sách trị quốc gì đúng đắn và hợp lòng dân thì ông cũng tán đồng theo chứ chẳng dại dột phản đối, và chỉ hứa mình sẽ làm tốt hơn nữa. Bởi thế báo chí Úc mới gán cho ông Rudd biệt danh là "Mr. Me Too" (ngài Tôi cũng thế).

Trong cuộc tranh luận đối mặt công khai duy nhất trên truyền hình cuối tháng mười vừa qua, ông Rudd với tài hùng biện đã thắng đậm Howard (có 65% khán giả theo dõi chương trình xong nói sẽ bỏ phiếu cho ông Rudd, trong khi ông Howard chỉ được 29% ủng hộ). Theo thăm dò, ông Rudd rất được cử tri trong độ tuổi 18-34 ưa thích. Ông tỏ ra rất trẻ trung và nhạy bén trong cuộc tranh cử với việc bán được hàng chục ngàn chiếc áo pull in dòng chữ "Kevin07" hoặc "Time for change" (Đã đến lúc thay đổi - khẩu hiệu tranh cử cũ của Đảng Lao động trong cuộc bầu cử cách đây 35 năm) cho những người hậu thuẫn mình.

Ai thắng?

ULAZ7tpm.jpgPhóng to
Hai ứng viên Howard - Rudd

Người dân Úc hiện có vẻ ngán ngẩm với việc nhiều buổi sáng đẹp trời mở một loạt nhật báo lớn nhất như The Australian, Sydney Morning Herald... lại thấy các hoạt động tranh cử của "Mr. Sorry" và "Mr. Me Too" trùng nhau một cách buồn cười.

Độc giả thấy hình hết ông Howard lại tới ông Rudd cùng ôm hôn trẻ em trong bệnh viện, hoặc giả ông Howard đi siêu thị cười tươi kề bên mấy cô bán hàng thì ông Rudd cũng chẳng kém cạnh, đội nón bảo hộ đi làm việc (kiểng) với các công nhân...

Hình ảnh hai ứng viên thủ tướng nhàm chán trên mặt báo phản ánh thực tế đáng buồn là cả Liên đảng Tự do lẫn Đảng Lao động đều không đưa ra một đối sách nào thật sự mới mẻ trong các chiến dịch tranh cử. Cả hai đảng vẫn cùng tập trung vấn đề kinh tế, an ninh, giẫm chân nhau trong hứa hẹn giúp dân chúng mua nhà lần đầu trong khi lại cùng không dám cam kết ngân sách tăng giường bệnh ở các bệnh viện.

Nếu Đảng Lao động đẩy mạnh về giáo dục với những hứa hẹn trị giá hàng trăm triệu đôla cải thiện trường học, quan tâm đến khí hậu, môi trường; thì Liên đảng Tự do tung chiêu "câu phiếu" cử tri rất có hiệu quả giờ chót về các kế hoạch giảm thuế, bồi hoàn phí giữ trẻ cho các gia đình có con nhỏ, trợ cấp thêm cho người già, người khuyết tật, hứa dành ngân sách hàng tỉ đôla trùng tu quốc lộ, cầu cống...

Những lời hứa hẹn bay bổng kèm các cuộc "giội bom tiền giấy" liên tiếp của cả hai đảng khiến người Úc ưu tư. Họ không biết gửi niềm tin vào ai, nên lưu luyến quá khứ hay hướng về tương lai? Có lẽ họ còn tự hỏi chính mình rằng "Nước Úc có cần thay đổi hay không?".

Họ bán tín bán nghi e rằng mùa hứa hẹn của giới chính trị gia khi tranh cử rồi cũng hệt như mùa hoa phượng tím (jacaranda) nở ở Úc vào mỗi độ xuân hè đấy thôi: bừng nở đầy đường phố đẹp đến mê hồn song cũng chóng tàn.

Cực chẳng đã, dân Úc vốn khoái cá cược sau khi vừa trải qua mùa đua ngựa truyền thống Melbourne Cup thường niên hồi tuần đầu tháng mười một vừa qua đã quay sang đổ xô cá cược đảng nào thắng cử. Có người ở bang New South Wales lập kỷ lục đặt cược số tiền to đùng 60.000 đôla Úc cho cửa thắng của đảng Lao động!

Khoảng 150.000 người gốc Việt trên 18 tuổi tại Úc sẽ đi bầu cử. Cử tri người gốc Việt nhiều nhất tại các đơn vị Banks và Blaxland (khoảng 35.000 người). Có ít nhất ba người gốc Việt ứng cử Quốc hội liên bang Úc trong kỳ bầu cử 2007.

Một cuộc thăm dò cá nhân với mười bạn trẻ gốc Việt đã đi làm công sở tại vùng Cabramatta và Ashfield (phía tây Sydney) cho thấy bảy bạn chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho Lao động, chỉ có hai cho Liên đảng và một cho đảng Xanh. Nguyễn Huy, một quản trị viên kinh tế định cư tại Úc gần 20 năm, cho biết anh sẽ bỏ phiếu cho Kevin Rudd vì ông này sẽ thay đổi đạo luật lao động "Work choices" của chính phủ Howard vốn tạo bất lợi cho những người lao động làm công ăn lương như anh.

TRUNG NGHĨA (từ Sydney)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp