Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tranh luận quyết liệt ở Wisconsin - Ảnh: Reuters |
Theo AFP, dù vẫn còn “đầy thương tích” sau cuộc chiến ở New Hampshire, bà Clinton cùng đội ngũ tranh cử tổng thống của mình đang nỗ lực vạch ra con đường mới trong thời điểm các cuộc bầu cử sơ bộ chuyển tới bang Nevada và South Carolina. Đây là những khu vực mà cử tri gốc Latin và gốc Phi đóng vai trò rất quan trọng.
Họ là nhóm ủng hộ truyền thống của bà Clinton. Tuy nhiên thượng nghị sĩ Sanders cũng đang tăng cường tiếp xúc và đối thoại với các nhóm cử tri này. Và tại cuộc tranh luận ở Milwaukee, bang Wisconsin, hai đối thủ Đảng Dân chủ hầu như không có gì khác biệt về quan điểm chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và cải thiện cuộc sống của người thiểu số ở Mỹ.
Bà Clinton đang khó khăn
Cuộc đối đầu tỏ ra đặc biệt căng thẳng ở vấn đề bảo hiểm y tế. Trước đó ông Sanders đề xuất một hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân cho tất cả mọi người Mỹ. Bà Clinton chỉ trích kế hoạch này là phi thực tế, quá tốn kém, khiến chi tiêu của chính phủ tăng 40%.
“Chúng ta không nên đưa ra những cam kết không thể thực hiện được” - bà Clinton nhấn mạnh. Bà cho rằng kế hoạch của ông Sanders có thể sẽ phá hủy những thành tựu mà chương trình bảo hiểm y tế Obamacare của Tổng thống Barack Obama đã đạt được.
Phản ứng lại, ông Sanders khẳng định ông đã nỗ lực cả đời để đảm bảo người dân Mỹ được hưởng bảo hiểm y tế. Ông mô tả kế hoạch của ông dù buộc các gia đình trung lưu Mỹ đóng thêm trung bình 500 USD tiền thuế nhưng chi phí bảo hiểm y tế của họ sẽ giảm đi nhiều lần.
Bà Clinton mô tả ông Sanders là người thiếu năng lực đối ngoại, lĩnh vực bà có thừa kiến thức và kinh nghiệm. Bà cũng chỉ trích ông Sanders từng chê Tổng thống Barack Obama là “yếu ớt và gây thất vọng”. Bà cho rằng ông Obama xứng đáng được ca ngợi vì đã đưa nền kinh tế Mỹ ra khỏi khủng hoảng, trở lại với tăng trưởng.
Cựu ngoại trưởng Mỹ bước vào cuộc tranh luận sau khi chỉ giành thắng lợi sát sao trước ông Sanders ở Iowa và thảm bại tại New Hampshire với tỷ lệ phiếu cách biệt tới 22%. Bà Clinton được đánh giá là có nhiều lợi thế ở Nevada và South Carolina nhờ sự ủng hộ của cử tri da màu và gốc Latin.
Nhưng giới quan sát nhận định bà Clinton cần phải chặn đà thăng tiến chóng mặt của ông Sanders, đặc biệt là hiện tượng các cử tri trẻ tuổi, bao gồm nữ giới, rất ủng hộ thông điệp “cách mạng chính trị” của ông.
Bầu cử khó dự đoán
Nhìn chung, giới quan sát nhận định kết quả bầu cử sơ bộ ở New Hampshire cho thấy cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 sẽ rất khó dự đoán. Ở phía Đảng Dân chủ, ứng cử viên sáng giá Hillary Clinton thất bại nặng nề trước thượng nghị sĩ Sanders.
Về phía Đảng Cộng hòa, thượng nghị sĩ Ted Cruz từng thắng ở Iowa nhưng bị tỷ phú Donald Trump bỏ xa tại New Hampshire. Báo USA Today dẫn lời Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng đây là cuộc bầu cử khó dự đoán nhất mà ông từng chứng kiến.
Chiến lược gia Dân chủ Robert Shrum cũng đưa ra đánh giá tương tự. Khoảng nửa năm trước, sẽ chẳng ai tin các cử tri Cộng hòa lại ủng hộ một tỷ phú chưa từng bao giờ tranh cử, cũng chưa từng đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa trong nhiều năm.
Và cũng sẽ chẳng mấy người tin việc giới cử tri Dân chủ, đặc biệt là giới trẻ, lại đi ủng hộ một thượng nghị sĩ 74 tuổi. Vấn đề là cả ông Trump và ông Sanders đều tận dụng được tâm lý của cử tri Mỹ là nước Mỹ đang đi sai đường, Phố Wall kiểm soát Washington, và khái niệm “giấc mơ Mỹ” đã chết.
Dự báo chiến trường Nevada và South Carolina sẽ giúp giới quan sát có cái nhìn và sự phân tích cụ thể hơn sau những gì đã xảy ra ở Iowa và New Hampshire.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận