09/06/2020 09:23 GMT+7

Bầu cử Mỹ: Đảng Dân chủ chớp thời cơ

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Một loạt diễn biến gần đây cho thấy khả năng tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump đang lung lay. Reuters công bố khảo sát Reuters/ipsos cho thấy chỉ 46% những người ủng hộ Đảng Cộng hòa tham gia trả lời rằng nước Mỹ đang đi đúng hướng

Bầu cử Mỹ: Đảng Dân chủ chớp thời cơ - Ảnh 1.

Cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đăng đàn chỉ trích Tổng thống Trump và tuyên bố ủng hộ ông Biden hôm 7-6 - Ảnh: Reuters

Đó là con số thấp nhất kể từ tháng 8-2017, thời điểm một cuộc xuống đường do những người theo thuyết "da trắng thượng đẳng" tổ chức ở Charlottesville, bang Virginia, dẫn tới những cuộc đụng độ bạo lực với người chống biểu tình.

Người Cộng hòa bi quan

Khảo sát của Reuters xuất hiện giữa thời điểm chính quyền Tổng thống Trump đối diện ba cuộc khủng hoảng lớn: tình hình dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19), nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề, và những cuộc biểu tình phản đối bạo lực cảnh sát nhằm vào người da màu. 

Để so sánh, trong giai đoạn đầu tháng 3, khi COVID-19 chưa khiến nước Mỹ đóng cửa hàng loạt, khoảng 70% người theo khuynh hướng Cộng hòa lạc quan về hướng đi của đất nước.

Hiện nay, tỉ lệ ủng hộ ông Trump vẫn khá ổn định ở mức tầm 40%, với phần lớn người Cộng hòa ủng hộ công việc của ông. Tuy nhiên sự bi quan đã tăng lên đối với khả năng thắng cử của ông Trump trong đợt bỏ phiếu tháng 11 tới.

Theo khảo sát Reuters/ipsos, có 37% người Cộng hòa nói đất nước đang sai hướng; 17% trong số này thậm chí khẳng định sẽ bầu cho ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden nếu phải bỏ phiếu ngay lúc này; trong khi đó 63% nói vẫn sẽ bầu ông Trump. 

Bức tranh lớn trong tình thế của ông Trump có thể gói gọn trong mệnh đề sau: người Cộng hòa vẫn ủng hộ tổng thống, nhưng hiện nay sự bi quan gia tăng.

Đây là tín hiệu đáng xem xét cho chính quyền ông Trump, bởi bất kể là vị tổng thống hứng chịu chỉ trích gay gắt bậc nhất trong lịch sử Mỹ, Đảng Cộng hòa vẫn là một "thành trì" kiên cố cho người đứng đầu Nhà Trắng hiện nay. Khi tâm lý nội bộ lay động, rõ ràng điều này ảnh hưởng tới đường đua vào ghế tổng thống năm nay.

Đặc biệt giới phân tích cho rằng ở các bang phân hóa mạnh như Michigan, Pennsylvania hay North California, một vài cú "đào tẩu" của người Cộng hòa cũng sẽ ảnh gây nguy hiểm cho cơ hội của ông Trump.

Như một sự kiện điển hình cho mối lo nội bộ ấy, cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell ngày 7-6 đã đăng đàn chỉ trích ông Trump, đồng thời công khai ủng hộ đảng đối thủ của ông Biden. Dù thực ra ông Powell - một người Cộng hòa, lâu nay vẫn chuyên đi ủng hộ Đảng Dân chủ (điển hình là ủng hộ bà Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump năm 2016), thì truyền thông Mỹ cho rằng hành động lần này của ông Powell có khả năng sẽ mở đường cho nhiều màn "đào tẩu" khác.

Cân não

Các diễn biến bất lợi với ông Trump được nêu ở trên làm "hồi sinh" đường đua vào Nhà Trắng. Vì trước đó, khi ông Trump làm xáo trộn vai trò của Mỹ trên thế giới bằng rất nhiều quyết định đối ngoại quan trọng, nhiều người tin rằng gần như chắc chắn ông "phải" tái đắc cử để tiếp nối chính sách chưa thực hiện xong.

Chưa kể, ứng viên Biden còn bị phía Cộng hòa tố cáo là người "thân Trung Quốc", trong khi chính sách cứng rắn của ông Trump với Bắc Kinh là một trong những điểm hiếm hoi lưỡng đảng ở Mỹ tìm thấy tiếng nói chung.

Sự "hồi sinh" của đường đua, hay chính xác là những chỉ trích gia tăng dành cho ông Trump, phần lớn xuất phát từ đại dịch và đặc biệt cuộc biểu tình lan rộng hiện nay. Đảng Dân chủ có vẻ tận dụng rất tốt thời cơ. Thông tin về việc ông Biden chính thức cán đủ mốc phiếu đại diện cho đảng này hôm 6-6 cũng vô tình rơi đúng vào thời điểm ông Trump gặp áp lực biểu tình.

Mới đây nhất, chính trường Mỹ lại dậy sóng với việc người biểu tình kêu gọi giải thể lực lượng cảnh sát sau cái chết của người đàn ông da màu tên George Floyd dưới đầu gối của một viên cảnh sát. Ông Biden là một trong những người ủng hộ biểu tình ở Mỹ và trong ngày 31-5 ông đăng bức ảnh quỳ gối trò chuyện với một người da màu tại khu vực diễn ra biểu tình, hình ảnh biểu tượng chống phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát.

Tuy nhiên, "giải thể cảnh sát" có thể là một cái bẫy Đảng Dân chủ không nên mắc. Thông thường, việc lắng nghe người biểu tình trong bối cảnh hiện nay sẽ giúp Đảng Dân chủ giành thêm phiếu bầu. 

Nhưng theo The Hill, nếu phe Dân chủ kiên định với lập luận giải tán lực lượng thực thi pháp luật trong lúc Mỹ đang vật vã với biểu tình và đại dịch, và cả hình ảnh người biểu tình lợi dụng tình thế để cướp bóc, vô tình việc này sẽ giúp ông Trump... đắc cử.

"Lời kêu gọi giảm (ngân sách, số lượng) cảnh sát sẽ đơn giản khiến người dân thấy bất ổn, thiếu an toàn, và theo tôi sẽ dẫn tới việc họ ít bầu cho Đảng Dân chủ" - tác giả Douglas Schoen, từng cố vấn cho cựu tổng thống Dân chủ Bill Clinton, viết.

Trong những bài học rút ra của kỳ bầu cử 2016, có thể thấy mỗi khi xã hội Mỹ bạo loạn và an ninh kém, tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Trump lại tăng vọt.

Ai quay lưng với ông Trump?

Tính tới nay, một vài cái tên đang ít nhiều cho thấy sẽ không ủng hộ ông Trump. Theo New York Times, nhóm này sẽ gồm cựu tổng thống George W. Bush và thượng nghị sĩ Mitt Romney. Trong khi đó ông Jeb Bush, em trai ông "Bush con", bỏ ngỏ khả năng bỏ phiếu cho Trump. Vợ cố nghị sĩ John McCain, bà Cindy, cũng "gần như chắc chắn" sẽ bỏ phiếu cho đối thủ Biden.

Corona có làm chệch hướng bầu cử Mỹ? Corona có làm chệch hướng bầu cử Mỹ?

TTO - Ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden mới đây cảnh báo đương kim Tổng thống Donald Trump sẽ trì hoãn cuộc bầu cử tổng thống đến sau tháng 11 tới.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp