28/10/2024 11:24 GMT+7

Bầu cử Mỹ: Cuộc đua của những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội

Nếu như email đã làm nên cuộc bầu cử năm 2008, mạng xã hội và tin nhắn SMS được sử dụng phổ biến lần lượt vào năm 2012 và 2016, thì những người có sức ảnh hưởng (influencer) trên các mạng xã hội đang định hình cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Bầu cử Mỹ: Cuộc đua của những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Các bài đăng trên mạng xã hội ủng hộ ứng viên của Đảng Dân chủ - Phó tổng thống Kamala Harris - Ảnh: WP/AFP/GETTY

Đó là nhận định của ông Josh Cook, chủ tịch của Công ty mạng xã hội Good Influence với tờ Washington Post, trong bối cảnh hàng triệu USD đã được đổ vào những người có sức ảnh hưởng (influencer) trên mạng xã hội, để họ đăng tải các thông điệp ủng hộ Phó tổng thống Kamala Harris hoặc cựu tổng thống Donald Trump - hai ứng viên của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.

Hàng triệu USD được đổ vào người có sức ảnh hưởng

Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa vào mùa hè vừa qua tràn ngập những người sáng tạo nội dung. Họ đăng ảnh selfie với các diễn giả, quay video hậu trường và tham gia các bữa tiệc dành riêng cho mạng xã hội.

Rất khó để biết chính xác số tiền mà các chiến dịch tranh cử và các siêu PAC đã rót cho những nhà sáng tạo nội dung. Họ thường phân phối quỹ cho các công ty trung gian để làm việc với những người sáng tạo này, hoặc thông qua các hợp đồng phụ không có trong hồ sơ bầu cử liên bang.

Theo phân tích của báo Washington Post, kể từ tháng 3-2023, Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ và chiến dịch của bà Harris đã trả gần 4 triệu USD cho Công ty Village Marketing Agency. Tính đến tháng 9, chiến dịch của bà Harris cũng đã trả cho các công ty mạng xã hội Good Influence và People First Marketing hơn 500.000 USD.

Bầu cử Mỹ: Cuộc đua của các influencer trên mạng xã hội - Ảnh 2.

Các influencer xuất hiện trong Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ - Ảnh: WP/GETTY

Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã tận dụng mạng lưới các influencer bảo thủ ủng hộ Đảng Cộng hòa lâu năm như Benny Johnson, Charlie Kirk và Ben Shapiro.

Ông Trump cũng xuất hiện cùng các influencer được nam giới trẻ tuổi yêu thích, chẳng hạn như trên TikTok của Logan Paul hay podcast của Joe Rogan - một động thái nhằm mở rộng đối tượng khán giả.

Các công ty làm việc với Đảng Cộng hòa cũng đang thử nghiệm mô hình "trả tiền theo hành động", trong đó các influencer được trả tiền dựa trên số lượng người mà họ đã lôi kéo đăng ký tham gia bầu cử hoặc ký vào đơn kiến nghị.

Trong năm nay, Công ty People First đã trả từ 200 - 100.000 USD cho influencer dựa trên số người theo dõi của họ. Siêu PAC Priorities USA ủng hộ Đảng Dân chủ thậm chí dự kiến trả từ 5.000 - 15.000 USD cho một bài đăng và thậm chí còn nhiều hơn thế.

Mập mờ chuyện dán nhãn quảng cáo

Trong khi các quảng cáo chính trị truyền thống bắt buộc phải công khai mối liên hệ với ứng viên hay tổ chức chính trị thì giới influencer lại không phải tuân thủ yêu cầu này. Luật liên bang chỉ yêu cầu họ phải cảnh báo nội dung quảng cáo khi giới thiệu các sản phẩm thương mại.

"Chúng ta nên có các quy tắc tương tự đối với những người có sức ảnh hưởng muốn ủng hộ cho một ứng viên", bà Ellen L. Weintraub, thành viên Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC), nói.

Theo Washington Post, những người chỉ trích cho rằng sự thiếu minh bạch trong lĩnh vực quảng cáo chính trị mới nổi có thể bị các nhóm lợi dụng để thao túng dư luận. Đồng thời họ cho rằng quy tắc bầu cử liên bang đã không theo kịp ảnh hưởng của mạng xã hội đến các chiến dịch tranh cử.

Năm ngoái, FEC đã cân nhắc việc yêu cầu minh bạch hơn về các khoản tiền được chuyển cho những người sáng tạo nội dung trực tuyến. Song cuối cùng, FEC chỉ yêu cầu các chiến dịch cần công khai khi họ trả tiền cho các công ty mạng xã hội để quảng bá bài viết của influencer tới nhiều đối tượng hơn.

Không có quy định nào bắt buộc influencer phải tiết lộ nội dung của họ được tài trợ bởi một chính trị gia hoặc ủy ban hành động chính trị (PAC) nào. Influencer thường làm việc thông qua trung gian và không có liên hệ trực tiếp với PAC hoặc tổ chức chính trị.

Công ty People First đã đảm bảo rằng hầu hết bài đăng của influencer được công khai là có nhận quảng cáo.

Ngoại lệ duy nhất là TikTok do nền tảng này đã cấm các quảng cáo chính trị nghiêm ngặt từ năm 2019. Do đó các influencer thường không tiết lộ nội dung được tài trợ trên nền tảng này, song chính việc này tạo ra kẽ hở thuận tiện cho các PAC.

Khi liên bang không có động thái thì các bang đã bắt đầu tự đặt ra quy định. Chẳng hạn, Ủy ban Đạo đức Texas đã yêu cầu influencer phải công khai khi nhận quảng cáo trên các nội dung chính trị của họ.

Nguy cơ thông tin sai lệch

Các nhà nghiên cứu cảnh báo nguy cơ thông tin sai lệch khi việc các chiến dịch hợp tác với các influencer nhỏ và siêu nhỏ (có khoảng vài trăm, vài nghìn đến vài chục nghìn người theo dõi) để nhắm đến các đối tượng cụ thể, gây khó khăn cho việc kiểm soát thông tin.

Vụ việc Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Nga dùng 10 triệu USD để tài trợ cho các influencer bảo thủ ở Mỹ cho thấy nguy cơ sử dụng người có sức ảnh hưởng để lan truyền thông tin.

Để không bỏ lỡ các thông tin liên quan bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, mời bạn đọc theo dõi trên Tuổi Trẻ Online tại đây.

Người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đang định hình cuộc bầu cử tổng thống Mỹ - Ảnh 3.Bầu cử Mỹ: Chặng nước rút cuối

TTCT - Số tiền gây quỹ kỷ lục, cuộc đua gay cấn chưa từng thấy, và cả nước Mỹ có lẽ cũng chưa bao giờ chia rẽ như vậy, khi chỉ còn hai tuần nữa cuộc bầu cử tổng thống sẽ chính thức diễn ra.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp