25/11/2019 10:41 GMT+7

Bầu cử hội đồng quận ở Hong Kong: Khi số đông im lặng lên tiếng

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Đường phố Hong Kong chứng kiến những ngày cuối tuần bình yên hiếm hoi sau gần 6 tháng biểu tình liên miên. Kết quả cuộc bầu cử hội đồng địa phương lần này sẽ là thước đo cho thấy số đông im lặng đang đứng về phía nào ở Hong Kong.

Bầu cử hội đồng quận ở Hong Kong: Khi số đông im lặng lên tiếng - Ảnh 1.

Cảnh sát bảo vệ trước một điểm bầu cử ở Hong Kong sáng 24-11 - Ảnh: REUTERS

4,1 triệu cử tri trong tổng số hơn 7 triệu người Hong Kong đã đến các điểm bỏ phiếu trong ngày 24-11. Những người thuộc số đông im lặng, tức chưa từng công khai thể hiện thái độ với những sự vụ gần đây ở Hong Kong, sẽ lên tiếng thông qua lá phiếu.

Nói như một chuyên gia Hong Kong, cuộc bầu cử lần này chẳng khác gì một cuộc trưng cầu ý dân dù bị hạn chế số mẫu khảo sát.

Cuộc đua song mã

Cuộc bầu cử cấp thấp này không có khả năng thay đổi các lãnh đạo thượng tầng Hong Kong, nhưng là căn cứ để Trưởng đặc khu Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) hiểu được người dân đang có thái độ như thế nào với cách bà xử lý biểu tình trong nửa năm qua. Hội đồng chọn ra trưởng đặc khu gồm 1.200 thành viên, nhưng 18 quận chỉ đóng góp 117 người, chiếm chưa đầy 1/10.

Hơn 1.090 ứng cử viên sẽ chạy đua cho 452 ghế tại 18 quận của Hong Kong trong đợt bầu cử lần này. Số ứng viên tuy nhiều, thuộc các đảng khác nhau, nhưng về cơ bản chỉ có hai phe: phe thân chính quyền trung ương Bắc Kinh và phe ủng hộ dân chủ cho Hong Kong.

Trong cuộc bầu cử lần trước vào năm 2015, tức thời điểm sau phong trào "Dù vàng chiếm Trung Hoàn" năm 2014, phe thân Bắc Kinh giành chiến thắng và kiểm soát 18/18 hội đồng quận. Nhiều người vẫn đang hi vọng một kết quả khả quan hơn cho phe ủng hộ dân chủ trong lần này, dù không kiểm soát được đa số hội đồng quận nhưng cũng có thể gửi một thông điệp đến dàn lãnh đạo Hong Kong.

"Nếu phe thân chính quyền trung ương bị thất bại nặng, bà Lam sẽ phải tự kiểm điểm lại chính quyền của mình. Điều đó cũng có nghĩa nhiều cử tri đang dùng lá phiếu để thể hiện sự bất bình và bà Lam sẽ phải nghĩ cách đối phó với điều đó" - tiến sĩ Edmund Cheng thuộc Đại học Hong Kong trao đổi với báo South China Morning Post.

Hơn 71% cử tri đi bỏ phiếu

Theo Tân Hoa Xã sáng 25-11, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề bầu cử (EAC) của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo cuộc bầu cử Hội đồng cấp quận 2019 của khu vực đã kết thúc với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 71,2%.

Tổng cộng 615 điểm bỏ phiếu thông thường và 23 điểm bỏ phiếu đặc biệt đã mở cửa từ 7h30 sáng 24-11 (giờ địa phương) đón 4,13 triệu cử tri đăng ký đến bỏ phiếu. Hầu hết các điểm bỏ phiếu đã đóng cửa vào khoảng 22h30 cùng ngày (giờ địa phương).

Phát biểu họp báo tại một trong các điểm kiểm phiếu, Chủ tịch EAC Barnabas Fung Wah cho biết hơn 2,94 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu đúng khung giờ quy định.

Tổng cộng 452 thành viên của 18 hội đồng quận được bầu trong cuộc bầu cử hội đồng quận nhiệm kỳ 6 này. Nhiệm kỳ bắt đầu từ ngày 1-1-2020 và kéo dài tới ngày 31-12-2023.

Các Hội đồng cấp quận ở Hong Kong có nhiệm kỳ 4 năm, không có thẩm quyền lập pháp, cũng không có khả năng tác động đến chính sách xã hội của đặc khu.

Tuy nhiên, trong cơ cấu chính trị của Hong Kong, việc tham gia các hội đồng cấp quận là cách có thể tác động đến việc bầu chọn các nghị sĩ Hội đồng lập pháp và Ủy ban bầu cử lãnh đạo đặc khu. (TÚ ANH)

Dân chỉ mong ổn định

Các cuộc biểu tình bùng nổ từ tháng 6 đã làm rung chuyển Hong Kong, trung tâm tài chính hàng đầu tại châu Á, khiến giới đầu tư lo ngại và bắt đầu tháo chạy. Giới chức đặc khu đổ lỗi cho người biểu tình cực đoan, cáo buộc họ đã đẩy Hong Kong đến bờ vực sụp đổ kinh tế.

"Họ nghĩ rằng họ đang chiến đấu vì Hong Kong, cho dân chủ, nhưng trên thực tế họ chỉ nghe những gì họ muốn nghe. Tinh thần của dân chủ là gì? Là anh phải biết lắng nghe từ cả hai phía. Tôi chỉ mong cuộc bầu cử lần này có thể vực dậy kinh tế Hong Kong. Đã có quá nhiều người bị mất việc" - Jeremy Chang, cử tri 55 tuổi và là chủ một nhà hàng, bày tỏ với Hãng tin Reuters.

Cử tri Hong Kong đang bị chia rẽ sâu sắc. Những người trung niên như ông Chang có vẻ không thích sự xáo trộn, trong lúc các bạn trẻ như Kevin Cheung thì nghĩ khác. "Dàn ủy viên hội đồng toàn là người của Trung Quốc. Họ sẽ bợ đỡ chính phủ chứ không phải người dân" - Kevin, sinh viên 22 tuổi, nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Kam Man-fung, một ủy viên hội đồng tại quận Đồn Môn, tin rằng cuộc bầu cử năm nay không còn là việc của các hội đồng quận nữa: "Phe biểu tình nói rằng đây sẽ là cuộc trưng cầu ý dân về 5 yêu sách của họ, nhưng tôi nghĩ nó thực tế lại là chuyện có bao nhiêu cử tri muốn chấm dứt bạo lực, lập lại sự ổn định".

Bỏ phiếu trong bình yên

Bất kỳ ai trên 18 tuổi đều có quyền bỏ phiếu trong ngày 24-11. Cảnh sát chống bạo động lần đầu tiên đã được triển khai tới hơn 600 điểm bỏ phiếu trên khắp Hong Kong trong ngày 24-11. Tuy nhiên, bầu không khí được mô tả là không có gì nặng nề, những người biểu tình áo đen cũng không xuất hiện. Số cử tri Hong Kong đi bầu tăng vọt so với cuộc bầu cử lần trước.

Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam hi vọng bầu không khí này sẽ còn được duy trì đến sau ngày bầu cử, để Hong Kong có thể "thoát khỏi thế khó và bắt đầu một sự khởi đầu tươi mới".

Cử tri Hong Kong đi bầu đông kỷ lục, dự báo kết quả bất ngờ Cử tri Hong Kong đi bầu đông kỷ lục, dự báo kết quả bất ngờ

TTO - Tính đến 11h30 sáng 24-11 đã có khoảng 1 triệu người Hong Kong, tương đương 25% tổng cử tri, đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử hội đồng quận - chuyện hiếm thấy kể từ năm 1997.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp