Xe ôtô vận chuyển 50 con heo từ Hà Tĩnh ra Hà Nam bị lực lượng chức năng bắt giữ - Ảnh: ĐỨC HÒA
Sáng 13-4, tin từ Công an huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) cho hay đơn vị này vừa phối hợp với Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Đức Thọ phát hiện, ngăn chặn chiếc ôtô tải chở 50 con heo giống có tổng trọng lượng 500kg.
Theo đó, khoảng 20h30 tối 11-4, các lực lượng trên phát hiện chiếc xe tải mang biển kiểm soát tỉnh Hà Nam do Phan Văn Long (32 tuổi, ngụ tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) điều khiển chạy trên tuyến đường ở xã Tân Dân (huyện Đức Thọ) chở 50 con heo giống có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Kiểm tra bước đầu, cán bộ thú y nhận thấy số lượng heo trên xe có dấu hiệu mệt mỏi. Nơi phát hiện sự việc là vùng có dịch tả heo châu Phi nên lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ số lượng heo nói trên, đồng thời lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng 3 để xét nghiệm.
Số heo nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi đã được lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy - Ảnh: ĐỨC HÒA
Ngày 12-4, Chi cục Thú y vùng 3 thông báo kết quả số heo trên dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi nên lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy theo quy định.
Tài xế Long khai nhận được thuê chở số heo trên từ một trang trại chăn nuôi ở huyện Đức Thọ về tỉnh Ninh Bình để nuôi và không biết heo nhiễm bệnh.
Ông Trần Hùng - chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh - cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh còn hơn 50 ổ dịch tả heo châu Phi (từ khi phát hiện đến thời điểm hiện tại chưa qua 21 ngày).
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, đơn vị đã phối hợp với các địa phương có dịch và cơ quan liên quan tập trung bao vây phòng chống dịch, tiêu hủy heo nhiễm bệnh theo quy định và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo ra vào địa phương.
Dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò lan rộng ở Nghệ An
Bệnh viêm da nổi cục xuất hiện tại 19/21 huyện, thành phố và thị xã ở Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Ngày 13-4, theo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An, tính đến nay trên địa bàn tỉnh này xảy ra 113 ổ dịch tả heo châu Phi tại 17 huyện, thành phố, thị xã; tiêu hủy gần 2.300 con với tổng trọng lượng trên 150 tấn.
Theo đó, toàn tỉnh Nghệ An có 65 ổ dịch nhỏ lẻ xảy ra rải rác tại 17 huyện, thành, thị. Dịch bệnh xảy ra chủ yếu ở một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.
Đến nay bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò cũng đã lan đến 19/21 huyện, thành phố, thị xã ở tỉnh này. Theo ngành thú y, bệnh viêm da nổi cục (còn gọi là bệnh da sần trên trâu, bò) là bệnh truyền nhiễm do một loại virus gây ra. Virus này không lây nhiễm và gây bệnh trên người. Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve.
Theo thống kê của Chi chục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An, dịch viêm da nổi cục đã khiến hơn 1.500 con trâu, bò trên địa bàn tỉnh mắc bệnh, tỉ lệ lây lan rất cao. Số bò, bê, nghé phải tiêu hủy là 108 con với trọng lượng gần 18 tấn.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Chi cục Chăn nuôi và thú y Nghệ An đã phân bổ trên 200.000 liều vắc xin viêm da nổi cục và 13.000 lít hóa chất để các địa phương đồng loạt tiêm phòng, phun tiêu độc khử trùng toàn tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận